Tăng trưởng kinh tế quý IV: Những tín hiệu khả quan
Thứ sáu, ngày 24 Tháng 9 năm 2021 lúc 00:00

Ngay trong đầu quý IV/2021, Quảng Ninh liên tiếp đón nhận nhiều tin vui đến từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, logistics cảng biển, thu hút FDI… Đây sẽ là động lực rất lớn giúp địa phương tạo được bứt phá trong phát triển KT-XH giai đoạn cuối năm, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 2 con số - một điều mà không nhiều địa phương trong cả nước đạt được năm 2021.


Vận chuyển hàng hoá container tại cảng Cái Lân. Ảnh: Thành Công

Sau 1 năm “đóng băng”, không có các chuyến tàu quốc tế cập cảng. Từ đầu tháng 9 đến nay, Cảng container quốc tế Cái Lân đã đón 2 tàu biển quốc tế đến làm hàng. Đây là 2 chuyến tàu đến từ hãng tàu MAERSK LINE - một trong những hãng tàu biển lớn nhất thế giới hiện nay. Đại diện hãng tàu này cho biết, qua các chuyến tàu thử nghiệm, hãng sẽ có đánh giá cụ thể hiệu quả kinh tế, hướng đến việc mở thêm nhiều chuyến tàu container chuyên tuyến quốc tế qua cảng Cái Lân.

Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, giai đoạn quý IV/2021, thời điểm các chuỗi sản xuất được đẩy mạnh, nhu cầu vận chuyển, nhập và xuất thiết bị, hàng hoá cao, là cơ hội rất tốt để phát triển các dịch vụ hàng hải, trong đó có mặt hàng container. Nhiều tập đoàn, nhà đầu tư FDI cũng rất sẵn sàng thực hiện vận chuyển hàng hoá quốc tế qua các cảng của Quảng Ninh, nếu đáp ứng được các yêu cầu về an toàn, chính sách ưu đãi, hỗ trợ phù hợp.

Bà Aijing, Giám đốc phụ trách logistics của Tập đoàn Foxconn, chia sẻ: Hiện lượng hàng hoá xuất nhập khẩu của Tập đoàn tại Việt Nam là khoảng 3.000 TEU/tháng và dự kiến sẽ tăng 200-300% trong năm 2022. Chúng tôi rất mong muốn thời gian tới, có thể vận chuyển qua các cảng của Quảng Ninh, như vậy sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí, do Tập đoàn có nhà máy đặt tại Quảng Ninh.

Cũng trong tháng 9, tỉnh Quảng Ninh đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án công nghệ tấm Silic Jinko Solar Việt Nam cho Công ty TNHH Công nghệ Jinko Solar (Việt Nam), với tổng vốn đầu tư lên tới 8.382 tỷ đồng (tương đương 365,6 triệu USD). Dự án có diện tích sử dụng đất 20,1ha, suất vốn đầu tư đạt 417 tỷ đồng/ha (tương đương 18,18 triệu USD/ha) cao nhất so với các dự án thứ cấp trong các KCN hiện nay của tỉnh. Đây là dự án thứ 2 của Công ty TNHH Công nghệ Jinko Solar, đều được thực hiện trong năm 2021.

Ông Huang Jinxing, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Jinko Solar (Việt Nam), cho biết: Ngay sau khi nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án, chúng tôi sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện dự án, dự kiến cuối năm 2021 hoặc chậm nhất là tháng 1/2022 sẽ sản xuất lô sản phẩm đầu tiên.


Dây chuyền đóng gói bao bì sản phẩm bột mì tại Công ty TNHH sản xuất bột mì Vimaflour (TP Hạ Long). Ảnh: Mạnh Trường

Với việc thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo an toàn cho các vùng sản xuất, các KCN, CCN, nhà máy, phân xưởng… cùng với chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của tỉnh đến doanh nghiệp thời gian qua, đã giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động tại Quảng Ninh dần phục hồi sản xuất kinh doanh, lấy lại đà tăng trưởng. Đáng chú ý, các doanh nghiệp FDI hoạt động trên địa bàn tỉnh cũng đang tăng tốc hoạt động sản xuất kinh doanh. Điển hình như tại dự án S-Việt Nam của Tập đoàn Foxconn hiện đang đẩy nhanh việc sản xuất linh kiện điện tử cho các thương hiệu hàng đầu thế giới. Đơn vị đặt mục tiêu sản xuất khoảng 1 triệu màn hình tinh thể lỏng và ti vi có giá trị xuất khẩu kim ngạch khoảng 250 triệu USD trong năm 2021. Hay như tại Công ty TNHH Sản xuất bột mì Vimaflour (KCN Cái Lân), đang vận hành 3 dây chuyền sản xuất bột mì với tổng công suất xay nghiền tối đa là 1.500 tấn/ngày. Dự kiến trong năm 2021, tổng sản lượng sản xuất của Công ty đạt 378.000 tấn, nộp ngân sách cho tỉnh Quảng Ninh trên 145 tỷ đồng.

Theo số liệu tổng hợp của Sở KH&ĐT, trong 9 tháng năm 2021, toàn tỉnh có 1.490 đơn vị thành lập mới, tương đương cùng kỳ năm 2020, với số vốn đăng ký đạt 24.500 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ; có 735 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 50% cùng kỳ; 1.025 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 25% so với cùng kỳ; 310 doanh nghiệp giải thể, giảm 20% so với cùng kỳ. Tổng số doanh nghiệp lũy kế đến hết tháng 9/2021 là 17.300 với số vốn đăng ký là 295.000 tỷ đồng.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Phạm Văn Thể cho biết: Khối doanh nghiệp vừa và nhỏ là những đối tượng chịu ảnh hưởng rất lớn bởi đại dịch Covid-19, nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp cũng đã vượt qua khó khăn, nỗ lực tìm hướng đi riêng để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh. Các giải pháp doanh nghiệp đang thực hiện như thay đổi chiến lược kinh doanh từ trực tiếp sang trực tuyến, tăng cường sử dụng công nghệ số, thay đổi các cơ cấu hạng mục sản xuất, kinh doanh phù hợp với thực tiễn...

Quảng Ninh đặt mục tiêu trong quý IV/2021 tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP tăng 16,7%, luỹ kế cả năm tăng 10,5% so với năm 2020. Để đạt mục tiêu này, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung nhiều giải pháp đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu nền kinh tế, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, động lực... Với những tín hiệu tích cực của nền kinh tế ngay đầu quý IV sẽ tạo những dư địa rất tốt để nền kinh tế tăng trưởng, bứt phá.


Theo: Hồng Nhung; Nguồn: (http://baoquangninh.com.vn//)



Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: