Đồng hành cùng doanh nghiệp
Cổng dịch vụ công quốc gia hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do... |
Đất và người Quảng Ninh
60 năm Chiến thắng trận đầu: Những bài học kinh nghiệm |
Thứ sáu, ngày 26 Tháng 7 năm 2024 lúc 00:00 |
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng trận đầu của quân và dân miền Bắc trong chống chiến tranh phá hoại, bảo vệ miền Bắc XHCN (02 và 05/8/1964 - 02 và 05/8/2024), chúng ta cùng nhìn nhận lại sự kiện này để thấy rõ hơn về lịch sử, tầm vóc, ý nghĩa chiến công của quân và dân ta. Hải quân nhân dân Việt Nam đánh trả máy bay Mỹ ngày 5-8-1964. Chiến thắng trận đầu ngày 02 và 05 tháng 8 năm 1964 đã để lại cho chúng ta nhiều bài học quý báu, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc không chỉ đối với lịch sử mà còn với cả hiện nay và mai sau: Một là, luôn giáo dục quán triệt sâu sắc tình hình yêu cầu nhiệm vụ, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm chiến đấu cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống. Đây là bài học có ý nghĩa giá trị to lớn, là yêu cầu quan trọng mang tính nguyên tắc trong quá trình quản lý, giáo dục, huấn luyện, rèn luyện, bồi dưỡng bộ đội và xây dựng đơn vị. Được giáo dục, rèn luyện tốt từ trước nên khi bước vào trận chiến đấu ngày 02 và 05 tháng 8 năm 1964, dù là lần đầu tiên nhưng cán bộ, chiến sĩ không hề nao núng trước những thử thách khốc liệt của trận đọ sức với kẻ thù có vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại và nhiều hơn ta gấp nhiều lần. Ngay từ khi xây dựng, huấn luyện trong hòa bình, bên cạnh việc thường xuyên tổ chức học tập, giáo dục quán triệt tình hình nhiệm vụ, các đơn vị đã chú trọng giáo dục xác định trách nhiệm cho bộ đội, nêu cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng làm nhiệm vụ; giáo dục tinh thần yêu nước, yêu Tổ quốc, lòng căm thù giặc và những âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt của kẻ thù, về tương quan lực lượng giữa ta và địch, những thuận lợi, khó khăn của ta, xây dựng ý chí quyết tâm, không sợ khó khăn gian khổ, thử thách ác liệt, sẵn sàng hi sinh vì nghĩa lớn. Cùng với đó, các đơn vị đã chú trọng giáo dục về truyền thống đánh giặc của cha ông, về những tấm gương dũng cảm hi sinh của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ngụy; giáo dục học tập, huấn luyện về các phương án chiến đấu của ta... Qua đó, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần tích cực, chủ động sẵn sàng đánh địch và quyết tâm đánh thắng địch trong bất kỳ tình huống nào, đồng thời tạo niềm tin vững chắc vào khả năng đánh thắng đế quốc Mỹ cùng với vũ khí hiện đại của chúng và khuyến khích động viên bộ đội mưu trí tìm ra những cách đánh sáng tạo, độc đáo để giành thắng lợi. Hai là, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động, tích cực làm tốt công tác chuẩn bị chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi, không để bị động, bất ngờ trong các tình huống. Đây là bài học thường xuyên quan trọng, là yêu cầu có tính nguyên tắc trong giáo dục, huấn luyện, rèn luyện bộ đội, một trong những cơ sở bảo đảm cho giành thắng lợi ngay từ đầu trận chiến đấu. Chính vì nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động, tích cực trong nắm, phân tích tình hình diễn biến trên chiến trường và dự báo đúng âm mưu, thủ đoạn của địch, nên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã sớm chỉ đạo chuẩn bị sẵn sàng đập tan âm mưu mở rộng chiến tranh đánh phá của đế quốc Mỹ ra miền Bắc; quân dân ta đã chủ động trong xây dựng các trận địa, lực lượng phòng không nhân dân kịp thời phối hợp với Hải quân đánh trả máy bay địch ngày 05 tháng 8 năm 1964. Quân chủng Hải quân và Quân chủng PK-KQ đã chủ động tăng cường bố trí lực lượng kết hợp giữa các đài ra đa, trạm quan sát và trinh sát kỹ thuật để nắm tình hình địch, quản lý vững chắc tình hình mặt biển, vùng trời, kịp thời phát hiện và theo dõi sát các hoạt động của tàu và máy bay địch, đồng thời tích cực chuẩn bị mọi mặt cả về chính trị tinh thần, vũ khí trang bị, cơ sở vật chất, tổ chức huấn luyện, diễn tập các phương án để bảo đảm cho sẵn sàng chiến đấu. Nên khi có lệnh chiến đấu là triển khai thực hiện nhiệm vụ được ngay. Thường xuyên làm tốt công tác giáo dục, xây dựng ý thức cảnh giác, nhận rõ âm mưu, thủ đoạn thâm độc, bản chất phản động, hiếu chiến của kẻ thù; nhận thức rõ trách nhiệm, nêu cao cảnh giác, có ý chí quyết tâm chiến đấu cao và tinh thần sẵn sàng chiến đấu tốt. Vì vậy, ngày 02 tháng 8 năm 1964, mặc dù trực diện với tàu khu trục Ma-đốc có nhiều vũ khí hiện đại và lớn hơn gấp nhiều lần tàu ta nhưng cán bộ, chiến sĩ ta vẫn dũng cảm tiến công quyết tiêu diệt địch. Ba là, nêu cao tinh thần tự lực tự cường, khắc phục khó khăn, gian khổ, dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng kẻ thù xâm lược trong mọi điều kiện hoàn cảnh cho dù chúng có khả năng hơn ta gấp nhiều lần. Đây là bài học có ý nghĩa quan trọng đối với Quân chủng Hải quân, Quân chủng PK - KQ nói riêng và toàn quân nói chung. Chiến thắng trận đầu ngày 02 và 05 tháng 8 năm 1964 đã chứng minh trí thông minh, lòng dũng cảm, tinh thần tự lực, tự cường vượt qua khó khăn, thách thức ác liệt, nêu cao ý chí không bao giờ chịu khuất phục để hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị. Đứng trước một kẻ thù đầu sỏ của chủ nghĩa đế quốc, một thế lực lớn là “sen đầm quốc tế” đầy nguy hiểm, xảo quyệt, hơn ta gấp nhiều lần cả về tiềm lực kinh tế, trang bị vũ khí kỹ thuật và kinh nghiệm hoạt động chiến đấu trên biển. Song cán bộ, chiến sĩ ta đã không những không sợ mà còn dám đánh, quyết đánh và quyết tâm đánh thắng chúng. Chúng ta đã biết khai thác những điểm yếu, sơ hở của địch (xâm phạm trái phép vào vùng biển, vùng trời của ta nên sợ ta giáng trả; tàu khu trục lớn nên khả năng cơ động chiến đấu khó khăn; máy bay hoạt động xa căn cứ nên nhiên liệu không bảo đảm cho kéo dài thời gian tác chiến…); phát huy thế mạnh và vũ khí trang bị hiện có của ta (lòng yêu nước nồng nàn, căm thù giặc sâu sắc, ai cũng muốn được đi chiến đấu lập công để trả thù cho đồng bào miền Nam đang hàng ngày, hàng giờ bị Mỹ ngụy kìm kẹp và tàn sát dã man); chủ động đề ra phương án tác chiến, tìm thời cơ thuận lợi nhất để đánh địch đạt hiệu quả, buộc địch phải chuyển từ thế chủ động thành bị động theo cách đánh của ta (như chọn đánh tàu địch ở khu vực Hòn Mê vừa để chúng vào sâu khu vực của ta hơn, hành trình đến vị trí đợi cơ của tàu phóng lôi không dài và hạn chế được ảnh hưởng của sóng gió lớn khi tác chiến; máy bay địch chủ động vào tấn công đánh phá nhưng lại bị ta làm cho phân tán lực lượng, không đạt hiệu quả như chúng muốn và bị ta tiêu diệt). Bốn là, phát huy sức mạnh tổng hợp, trong đó đặc biệt coi trọng công tác tổ chức lãnh đạo, chỉ huy và nắm chắc lực lượng, chỉ đạo chặt chẽ từng giai đoạn của cuộc chiến đấu, bảo đảm yếu tố bí mật, bất ngờ, nắm vững thời cơ, vận dụng cách đánh hợp lý, đạt hiệu quả cao. Thắng lợi của trận chiến đấu là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, một trong những yếu tố giữ vai trò quan trọng là vấn đề tổ chức lãnh đạo, chỉ huy, điều hành chiến đấu, năng động, linh hoạt trong sử dụng lực lượng và vận dụng các biện pháp tác chiến đúng thời cơ, có hiệu quả chiến đấu cao. Từ thực tế chiến đấu ngày 02 và 05 tháng 8 năm 1964 đã cho thấy, để các tàu chiến đấu giành thắng lợi, cùng với việc tổ chức phối hợp hiệp đồng chặt chẽ giữa cán bộ, chiến sĩ trong từng đơn vị, giữa các đơn vị, lực lượng với nhau, giữa cấp trên với cấp dưới và giữa các mặt, các lĩnh vực hoạt động, chúng ta còn phải làm tốt công tác tổ chức lãnh đạo, chỉ huy và điều hành chiến đấu. Đây là yếu tố có vai trò hết sức quan trọng để phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của đơn vị trong quá trình chiến đấu. Do vậy, các cấp ủy, tổ chức đảng từ cấp trên đến các cơ sở đã luôn quán triệt nghiêm chỉ thị, mệnh lệnh của trên, có nghị quyết lãnh đạo kịp thời, xây dựng ý chí quyết tâm, xác định chủ trương, biện pháp lãnh đạo cụ thể, nhất là trong xác định các phương án chiến đấu, bảo đảm cho trận đánh giành thắng lợi. Công tác tổ chức chỉ huy, điều hành được tiến hành đầy đủ các bước, từ nắm tình hình, xây dựng kế hoạch tác chiến, quán triệt nhiệm vụ, tổ chức lực lượng, tổ chức bảo đảm các mặt, xây dựng các văn kiện chiến đấu, chuẩn bị mệnh lệnh chỉ thị... được thực hiện nghiêm túc, đúng theo yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu; đồng thời bảo đảm tuyệt đối giữ bí mật để địch không phát hiện được những dấu hiệu của ta chuẩn bị cho trận đánh. Cũng từ chiến thắng trận đầu đã cho thấy rằng, trong các trận đánh trên biển với bất kỳ đối tượng tác chiến nào, việc nắm thời cơ là rất quan trọng, phải bám sát tình hình, nắm vững về địch, phân tích, dự báo chính xác những gì có thể xảy ra, từ đó, tính toán các yếu tố để tiếp cận địch được nhanh nhất, bảo đảm được bí mật, chiếm lĩnh vị trí có lợi để chớp thời cơ tiến công địch đạt hiệu quả nhất. Đồng thời biên đội chiến đấu phải biết phát huy tính năng kỹ thuật, chiến thuật của con tàu và các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật trên tàu để hạn chế thiệt hại khi hỏa lực từ tàu và máy bay địch tập kích. Để tiến công địch có hiệu quả ta phải tính toán khu vực nào tác chiến có lợi cho ta, không có lợi cho địch. Tàu ta nhỏ nên rất khó hoạt động trong điều kiện thời tiết xấu, hơn nữa lượng dự trữ nhiên liệu có hạn nên thời gian hoạt động trên biển không được dài. Do vậy lựa chọn đúng thời cơ là rất quan trọng để bảo đảm vừa tiêu diệt được địch, vừa an toàn cho các lực lượng của ta. Năm là, kịp thời điều chỉnh đội hình, phối hợp hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ, bố trí xen kẽ nhiều loại vũ khí, hỏa lực tập trung từ xa đến gần, ở cả tầm thấp và tầm trung là yếu tố quan trọng bắn rơi máy bay địch. Từ thực tế chiến đấu ngày 05 tháng 8 năm 1964 đã cho thấy, để chiến đấu giành thắng lợi, cùng với việc tổ chức phối hợp hiệp đồng chặt chẽ giữa cán bộ, chiến sĩ trong từng đơn vị, giữa các Quân chủng, lực lượng và đơn vị với nhau, giữa cấp trên với cấp dưới và giữa các mặt, các lĩnh vực hoạt động, chúng ta còn phải làm tốt công tác tổ chức lãnh đạo, chỉ huy và điều hành chiến đấu. Đây là yếu tố có vai trò hết sức quan trọng để phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của các đơn vị trong quá trình chiến đấu. Những ngày cuối tháng 7 năm 1964, Quân chủng Hải quân và Quân chủng PK-KQ đã chỉ đạo các đơn vị đã bổ sung phương án, kiểm tra các mặt bảo đảm công sự, ngụy trang phương tiện, VKTB, chuẩn bị khí tài... Ở Hòn Gai - Quảng Ninh, qua nghiên cứu âm mưu của địch, tính toán điều kiện địa hình và khả năng bảo vệ mục tiêu của Tiểu đoàn Phòng không 217, Quân chủng PK-KQ đã quyết định điều chỉnh lại đội hình chiến đấu của tiểu đoàn để sát mục tiêu hơn. Đội hình mới cho phép tập trung hỏa lực trên hướng chủ yếu, bảo vệ mục tiêu chủ yếu; đồng thời, chi viện cho nhau tốt hơn. Quyết định đúng đắn đó của Quân chủng PK-KQ đã được khẳng định bằng thực tế chiến đấu ngày 05 tháng 8 năm 1964 của Tiểu đoàn Phòng không 217, bắn rơi máy bay, bảo vệ được mục tiêu. Tại Thanh Hóa, súng máy phòng không đã trang bị cho Đạị đội Ra đa 291 để chiến đấu tự bảo vệ mình, khẩu đội 14,5mm của Đinh Trọng Nhưỡng được Đại đội phó Nguyễn Nho Phú trực tiếp chỉ huy đã chiến đấu quyết liệt bảo vệ trận địa ra đa, bắn rơi tại chỗ 01 máy bay địch. Sáu là, luôn giữ vững tính tổ chức, tính kỷ luật, đoàn kết hiệp đồng và làm tốt công tác chính sách trong chiến đấu. Kỷ luật là sức mạnh của quân đội. Giữ vững tính tổ chức, tính kỷ luật là một trong những nét đặc trưng của quân đội và là nguyên tắc trong duy trì điều lệnh kỷ luật của người quân nhân. Trong chiến đấu, yêu cầu tính tổ chức, tính kỷ luật càng phải được thực hiện nghiêm ngặt. Mọi mệnh lệnh của người chỉ huy, nền nếp, chế độ, điều lệnh, điều lệ quân đội, điều lệnh tàu được thực hiện nghiêm là cơ sở bảo đảm cho chiến đấu thắng lợi. Trong chiến đấu ngày 02 tháng 8 năm 1964, mặc dù đang huấn luyện ở xa căn cứ nhưng Tiểu đoàn 135 tàu phóng lôi đã chấp hành nghiêm mệnh lệnh, nhanh chóng trở về khẩn trương làm công tác chuẩn bị để kịp thời lên đường làm nhiệm vụ. Dù chưa được phổ biến phương án đánh địch nhưng vẫn chấp hành nghiêm lệnh xuất kích; mất liên lạc với cấp trên vẫn chủ động tác chiến. Trong tình thế bất lợi cho ta khi tàu trong phân đội bị thương, mất sức cơ động, các tàu còn lại đã tập trung tối đa sức tiến công của hỏa lực bắn trả địch, thu hút đối phương về phía mình... Vì thế, khi tàu Ma-đốc Mỹ chạy khỏi vùng biển của ta, ba tàu phóng lôi 333, 336, 339 tuy có bị tổn thất song vẫn trở về bờ được. Trong chiến đấu với máy bay Mỹ ngày 05 tháng 8, mặc dù đang đi làm nhiệm vụ ở trên bờ Bãi Cháy, khi thấy báo động phòng không, chiến sĩ Đồng Quốc Bình đã tìm cách quay trở về tàu cùng đồng đội chiến đấu đánh trả máy bay địch; bị thương đến lần thứ ba nhưng vẫn nén chịu đau, một tay giữ ruột không cho lòi ra ngoài, một tay liên tục tiếp đạn cho đồng đội chiến đấu đến phút cuối cùng. Trong chiến đấu ngày 02 và 05 tháng 8 năm 1964, cũng cho chúng ta thấy để bảo đảm thắng lợi trong chiến đấu cần phải luôn xây dựng và phát huy tốt mối đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ giữa các ngành, các vị trí chiến đấu trong toàn tàu, giữa các tàu trong biên đội, trong cụm chiến đấu, giữa hải quân với lực lượng phòng không, các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn và với đảng bộ, chính quyền, Nhân dân, dân quân du kích địa phương; vừa chiến đấu vừa làm tốt công tác chính sách, nhất là chính sách thương binh, liệt sĩ. Đó là yêu cầu mang tính nguyên tắc thường xuyên quan trọng đối với đơn vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, huấn luyện, học tập, công tác, xây dựng đơn vị. Trong quân đội, để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, nếu chỉ giáo dục, xây dựng cho người quân nhân có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm cao, tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn, sẵn sàng nhận nhiệm vụ... thì chưa đủ, mà đồng thời phải bồi dưỡng, giáo dục cho người quân nhân có trình độ làm chủ về khoa học kỹ thuật, nhất là khoa học kỹ thuật quân sự, nắm vững các nguyên tắc, phương án, phương châm, tư tưởng chỉ đạo tác chiến; có trình độ về kỹ thuật, chiến thuật quân sự, nắm vững tính năng, tác dụng và sử dụng thành thạo, phát huy có hiệu quả các loại vũ khí trang bị hiện có. Hải quân và PK - KQ là quân chủng chiến đấu và kỹ thuật, các trang bị, vũ khí, khí tài, máy móc đặc biệt là vũ khí, trang bị kỹ thuật đòi hỏi phải có sự hiểu biết mới sử dụng được. Khi chiến đấu, tình huống diễn biến rất nhanh, nảy sinh nhiều sự cố phức tạp không lường hết được. Sự tinh thông kỹ thuật sẽ làm cho thao tác của người chiến sĩ nhanh nhẹn, chính xác, kịp thời và sẽ tạo ra khả năng giành thắng lợi cao. Nếu không nắm chắc kỹ thuật sẽ lúng túng, vụng về, để mất thời cơ tiêu diệt địch, thậm chí còn bị thương vong. Chính vì được huấn luyện, rèn luyện nắm vững kỹ thuật, sử dụng tốt các vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có nên trong chiến đấu ngày 02 và 05 tháng 8 năm 1964 cán bộ, chiến sĩ ta mới phát huy được khả năng của các loại vũ khí, dùng cả súng bộ binh kết hợp với súng phòng không trên tàu để đánh lại địch. Pháo thủ hy sinh, các đồng chí khác đã nhanh chóng thay thế tiếp tục phát huy hỏa lực đánh trả máy bay địch. Khi tàu bị trúng đạn, máy bị hỏng, cán bộ, chiến sĩ đã bình tĩnh cứu chữa, khôi phục sức sống tàu để tiếp tục cơ động chiến đấu. (còn nữa) NGƯỜI LÀM BÁO QUẢNG NINH Tin cũ hơn:
|