Người gắn bó sâu nặng với Vùng mỏ
Chủ nhật, ngày 15 Tháng 9 năm 2019 lúc 00:00

Dù không sinh ra ở Quảng Ninh nhưng cụ Lê Bùi, nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thư ký Liên hiệp Công đoàn Quảng Ninh (nay gọi là Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh), từng làm Trưởng đoàn đại biểu tỉnh Quảng Ninh về thủ đô Hà Nội gặp Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch năm 1968, lại gắn bó sâu nặng với Vùng mỏ. Cụ đã để lại nhiều dấu ấn cá nhân của mình với phong trào công nhân mỏ..

Cụ Lê Bùi.

Cụ Lê Bùi, sinh năm 1926 tại xã Lâm Động, Thủy Nguyên, Hải Phòng. Cụ Lê Bùi kể, cụ tham gia cách mạng khi còn là học sinh kỹ nghệ Hà Nội, rồi được điều về Hải Phòng hoạt động, là người tham gia giải phóng đảo Bạch Long Vĩ. Sau ngày 2/9/1945, cụ Lê Bùi được đồng chí Lê Thanh Nghị, Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ cử về khu Hồng Quảng hoạt động bổ sung lực lượng, tạo lập chính quyền ở Vùng mỏ. Cụ đã gắn bó với Hồng Quảng, sau này là Quảng Ninh, hơn 30 năm.

Theo lời kể của cụ Lê Bùi, những ngày cụ mới về, Vùng mỏ chưa thoát khỏi nạn đói, chủ mỏ hoạt động cầm chừng để ngóng chờ ngày Pháp quay trở lại. Nhiệm vụ của cụ Lê Bùi thời điểm đó là lo xây dựng phong trào công nhân cứu quốc, chống các thủ đoạn sa thải công nhân, bảo vệ việc làm cho công nhân, đặc biệt, đấu tranh đòi chủ mỏ trả lương gạo có chất lượng hơn, loại trừ gạo mục, gạo mọt, động viên công nhân đi theo Việt Minh cứu nước để tự cứu mình.

Hơn 70 năm đã qua nhưng cụ Lê Bùi vẫn nhớ như in những kỷ niệm khi được sống, được cùng đấu tranh với những người công nhân mỏ. Cụ kể, tại Hà Lầm, cụ sống trong lán trại công nhân Phả Phục ven đồi, đường vào đồn điền Si-a-tắc. Tại khu trung tâm Hà Lầm lúc đó, nhà phu mỏ nào cũng chỉ là một căn buồng nhỏ hẹp với giường gỗ tạp hoặc chõng tre, quần áo vắt quanh chỗ nằm. Nồi niêu, xoong chảo gắn vào đinh trên tường. Rất ít gia đình có bàn ghế tiếp khách. Nhiều phu mỏ chỉ có một bộ quần áo lành lặn để vợ chồng thay nhau mặc. Có người phải lấy bao bì làm quần.

“Trong cảnh khó khăn đó, tôi không bao giờ quên vợ chồng anh thợ lò tên là Nhàn đã ưu tiên nuôi tôi những bát cơm độn với bát canh cá ót. Sau đó, anh Nhàn cùng vợ vào chiến khu, gia nhập Đại đội Hồ Chí Minh và anh đã hy sinh trong trận chống càn tại mặt trận Sơn Dương vào đầu năm 1947. Đi sâu vào đời sống công nhân mỏ thời ấy đã để lại trong tôi những ấn tượng suốt đời không quên, giúp tôi kiên định đến cùng con đường đi theo Đảng, theo cách mạng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh" - cụ Lê Bùi chia sẻ.

Ở Hồng Quảng, cụ Lê Bùi từng là xạ thủ súng trung liên trong trận đánh đồn Hà Lầm năm xưa. Cụ kể: Trận đánh đồn Hà Lầm là trận đánh thần tốc, bí mật, bất ngờ. Ngày 23/12/1946, đơn vị từ căn cứ kháng chiến ở Sơn Dương, Hoành Bồ bí mật luồn rừng hành quân đến Hà Lầm. Vào đêm ngày 24, hỏa lực phục sẵn ở các mục tiêu đã định, đến đêm ngày 25 tháng 12 năm 1946, giờ phút quân Pháp vui chơi nhảy đầm mất cảnh giác, ta bất thần nổ súng, đánh úp. Ngay sau khi chiếm được Hà Lầm, cụ Lê Bùi chỉ huy một trung đội khác kéo đến đánh lui địch khỏi Sơn Dương, bảo vệ được căn cứ kháng chiến của Đặc khu Hòn Gai lúc đó. Trong trận ấy, quân ta tiêu diệt 44 tên địch, nhanh chóng ổn định lực lượng, tiếp tục trường kỳ kháng chiến cho tới ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, đánh thắng thực dân Pháp xâm lược.

Đối với cụ Lê Bùi, kỷ niệm sâu sắc nhất trong những năm tháng ở Vùng mỏ là đã được vinh hạnh dẫn đoàn công nhân lên gặp Bác Hồ vào năm 1968. Dù đã qua 50 năm sau buổi gặp gỡ ấy, nhưng cụ Lê Bùi vẫn thấy như còn nguyên sự xúc động của mình khi thấy Bác ngày ấy. “Tôi tự hào được là người đưa đoàn đại biểu Quảng Ninh về gặp Bác. Đó là kỷ niệm khó quên trong cuộc đời tôi” - cụ Lê Bùi xúc động nói.

Trong những năm đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc, cụ Lê Bùi đã đề xuất với Tổng Công đoàn Việt Nam xin Công đoàn Tokyo (Nhật Bản) tài trợ một nhà văn hóa ở Quảng Ninh. Đó chính là Cung Văn hóa Lao động Việt Nhật sau này. Cụ Lê Bùi cũng chính là người đề xuất xây Nhà khách Công đoàn ở Bãi Cháy để phục vụ công nhân. Cụ còn đề nghị Tổng Công đoàn Việt Nam tiếp tục đầu tư cho Quảng Ninh phương tiện để tham quan Vịnh Hạ Long. Con tàu sắt 400 mã lực, sức chứa 100 người, mang tên Vượt Sóng đã ra đời là khách sạn nổi duy nhất của cả vùng Vịnh Hạ long thời bao cấp.


Ngày 15/11/1968, tại Phủ Chủ tịch (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tiếp Đoàn đại biểu công nhân, cán bộ ngành Than và tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: TTXVN

Với cương vị lãnh đạo công đoàn Quảng Ninh, cụ Lê Bùi còn có nhiều đóng góp cho phong trào sáng tác của công nhân, làm phong phú đời sống tinh thần của người lao động. Cụ kể: “Chúng tôi không bao giờ quên ơn nhà thơ Cù Huy Cận cùng nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ đã về Vùng mỏ thâm nhập thực tế, giúp địa phương gây dựng phong trào. Đối với chúng tôi, đó là cơ hội hiếm quý cần phải tranh thủ hết mức. Chúng tôi bàn với lãnh đạo thị xã và các mỏ ở Cẩm Phả mở lớp dạy vẽ cho công nhân. Đồng thời vận động các họa sĩ vẽ bức bích họa về hai chế độ, có sức giáo dục lịch sử sâu sắc với công nhân Vùng mỏ. Cũng từ đó, chúng tôi đã quen đầu mối, đã mở được nhiều lớp học về các loại hình VHNT. Các trại sáng tác văn, thơ, nhạc, họa, nhiếp ảnh, sân khấu được tổ chức từ sự chủ động của Công đoàn với sự cộng tác nhiệt tình của Ty Văn hóa, các địa phương, các mỏ, các ngành. Từ đây, diện mạo phong trào văn hóa của công nhân có sức sống mới”.

Cụ Lê Bùi về Hà Nội công tác, sau đó nghỉ hưu, hiện sinh sống tại nhà số 8, ngõ 23, phố Đỗ Quang, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Cụ Nguyễn Huy Trợ, nguyên Bí thư Huyện ủy Vân Đồn, Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Quảng Ninh, kể: Từ thời đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Lê Bùi được Trung ương điều về làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đồng chí được đi nhiều nơi nhưng trong lòng lúc nào cũng hướng về Vùng mỏ, cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam.



Theo:Huỳnh Đăng(baoquangninh.com.vn)