Videos


Xem thêm >>


Thư viện ảnh


Xem thêm >>


LIÊN KẾT



60 năm Chiến thắng trận đầu: Âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ nhằm mở rộng chiến tranh ra miền Bắc Việt Nam
Thứ sáu, ngày 26 Tháng 7 năm 2024 lúc 00:00

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng trận đầu của quân và dân miền Bắc trong chống chiến tranh phá hoại, bảo vệ miền Bắc XHCN (02 và 05/8/1964 - 02 và 05/8/2024), chúng ta cùng nhìn nhận lại sự kiện này để thấy rõ hơn về lịch sử, tầm vóc, ý nghĩa chiến công của quân và dân ta.



Những tháng cuối năm 1963, vấn đề Việt Nam ngày càng trở nên nóng bỏng đối với giới cầm quyền Mỹ. Bị thất bại liên tiếp trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ buộc phải “thay ngựa giữa dòng”, hậu thuẫn cho cuộc đảo chính phế bỏ anh em Tổng thống tay sai Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu (ngày 01.11.1963). Sau đảo chính, tình hình chính trị ở Sài Gòn không những không được cải thiện mà càng trở nên tồi tệ, rối ren hơn. Trong khi đó, lực lượng cách mạng ngày càng được củng cố, phát triển và giành nhiều thắng lợi trên các chiến trường.

Nhằm cứu vãn sự thất bại không thể tránh khỏi của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ quyết định đẩy mạnh chiến tranh xâm lược miền Nam bằng một chiến lược mới và mở cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc, nơi mà chúng cho là “gốc rễ”, là hậu thuẫn của cách mạng miền Nam, để triệt tiêu công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam và sự giúp đỡ của các nước cho cách mạng Việt Nam. Tháng 02 năm 1964, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn (Johnson) đã thông qua “chương trình thử nghiệm 4 tháng” gồm 3 nội dung chủ yếu:

- “Kế hoạch hành quân 34A”, do thám bằng máy bay chiến lược U2, bắt cóc công dân Bắc Việt Nam để khai thác tin tình báo, sử dụng các đội nhảy dù phá hoại và gây chiến tranh tâm lý, tiến hành các cuộc tập kích từ biển vào để phá đường xe lửa và cầu đường.

- Mở các cuộc tiến công bằng không quân ở Lào, lan dần đến biên giới Bắc Việt Nam, coi đó là một sự “khởi xướng” cho cuộc chiến tranh không quân ào ạt chống lại Bắc Việt Nam.

- “Kế hoạch Đề-sô-tô” (Desoto), tổ chức các cuộc tuần tra bằng tàu khu trục Mỹ ở khu vực Vịnh Bắc Bộ, nhằm phô trương lực lượng, gây tác động tâm lý và thu thập tin tức tình báo về các trận địa ra đa cảnh giới, trận địa phòng thủ của Bắc Việt Nam.

Thực chất đây là chương trình hoạt động phô trương sức mạnh và tìm cớ để gây chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ.

Ngày 17 tháng 4 năm 1964, Bộ Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ đưa ra kế hoạch đánh phá các tuyến vận chuyển chiến lược của ta chạy dọc biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Cam-pu-chia nhằm ngăn chặn sự chi viện từ Bắc vào Nam. Kế hoạch này được mang tên Oplan 37, dự định thực hiện qua 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Truy kích việt cộng qua biên giới Lào và Cam-pu-chia.

Giai đoạn 2: Mở các cuộc oanh kích và dùng mìn đánh phá các mục tiêu đã dự định trong nội địa miền Bắc.

Giai đoạn 3: Tăng cường oanh tạc mạnh mẽ và liên tục chống miền Bắc.

Tổng thống Mỹ Giôn-xơn đã yêu cầu Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ soạn thảo kế hoạch hành động từng bước, kết hợp cả hoạt động chính trị và quân sự chống lại miền Bắc Việt Nam; soạn dự thảo nghị quyết nhằm tìm kiếm sự phê chuẩn của Quốc hội cho việc mở rộng các hoạt động quân sự ở Đông Dương.

Theo chỉ thị của Giôn-xơn, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ thông qua kế hoạch dùng không quân, hải quân đánh phá 94 mục tiêu trên miền Bắc nước ta. Dự kiến thực hiện kế hoạch qua 4 giai đoạn trong 13 tuần. Trong đó:

Giai đoạn 1 (3 tuần): Tấn công liên tục trên các tuyến giao thông, các khu vực quân sự phía Nam vĩ tuyến 20.

Giai đoạn 2 (6 tuần): Cô lập Bắc Việt Nam bằng cách phá hủy các tuyến đường sắt liên hệ với Trung Quốc.

Giai đoạn 3 (2 tuần): Cô lập Bắc Việt Nam bằng cách phá hủy các cơ sở kho cảng, bến bãi, các khu lưu trữ và cung cấp đạn dược, xăng dầu ở Hải Phòng - Hà Nội.

Giai đoạn 4 (2 tuần): Phá hủy tất cả các mục tiêu còn lại trong danh sách bao gồm các khu công nghiệp, khu khai thác.

Ngày 02 tháng 3 năm 1964, Mỹ cho tàu khu trục tuần tiễu ven biển miền Bắc Việt Nam vừa trinh sát vừa thăm dò ta và làm hậu thuẫn cho hải quân ngụy đánh phá các đảo và vùng dân cư ven biển các tỉnh Khu 4; cho máy bay do thám vùng trời, cho tàu thả biệt kích, hàng tâm lý chiến ở các cửa sông, ven biển và truyền đơn kích động gây chiến tranh tâm lý; cho tàu khu trục, tuần dương vào sát bờ do thám và quấy rối, phá hoại, bắt cóc ngư dân... gây hoang mang trong Nhân dân.

Đến tháng 5 năm 1964, kế hoạch xúc tiến chiến tranh phá hoại miền Bắc đã được đế quốc Mỹ hoàn tất. Hệ thống căn cứ không quân, hải quân bố trí gần miền Bắc nước ta đều đã được bảo đảm sẵn sàng nhận lệnh (Hạm đội 7, căn cứ ở Đà Nẵng, sân bay Ubon ở Thái Lan, Guam ở Thái Bình Dương). Để thực hiện kế hoạch đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân với một “kịch bản” đã được chuẩn bị từ trước, đế quốc Mỹ xác định phải “có một chiến dịch khiêu khích Bắc Việt Nam” để tạo cớ.

Bước sang tháng 7, các hoạt động khiêu khích của Mỹ càng gia tăng hơn. Chúng vừa đẩy mạnh các hoạt động trên biển, trên trời và phá hoại trên đất liền, vừa rêu rao sẽ oanh tạc miền Bắc Việt Nam để gây chú ý của dư luận.

Đêm 30 tháng 7 năm 1964, chúng cho tàu biệt kích ngụy bắn pháo phá hoại trên đảo Hòn Mê (Thanh Hóa), Hòn Ngư (Nghệ An). Ngày 31 tháng 7, chúng huy động máy bay T28 bắn phá đồn biên phòng Nậm Cắn, ngày hôm sau bắn làng Noọng Dẻ thuộc huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.

Ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ, tàu khu trục Ma-đốc (Maddox) của Mỹ tiếp tục tiến về phía Bắc, xâm phạm hải phận của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và gây ra một số vụ khiêu khích đối với thuyền đánh cá của ngư dân miền Bắc. Đặc biệt, đêm 31 tháng 7, rạng sáng 01 tháng 8 năm 1964, tàu khu trục Ma-đốc đã tiến vào vùng biển Quảng Bình để thu thập tin tức tình báo và khiêu khích lực lượng của ta, có lúc chúng vào cách đông đèo Ngang khoảng 8 hải lý, vi phạm lãnh hải của ta (Tàu Ma-đốc 731 hạ thủy năm 1944, có chiều dài 144,8 mét; rộng 12,4 mét; mớn nước sau 5,8 mét. Lượng giãn nước 2.200 tấn, chở đầy 3.320 tấn; tốc độ 33 - 35 hải lý/giờ. Quân số trên tàu có 274 tên. Trang bị vũ khí có 3 bệ pháo 127 mm/2 nòng, 2 bệ phóng bom, 2 giàn phóng ngư lôi chống ngầm MK-32, mỗi giàn 3 ống. Ngoài ra trên boong có nhiều bệ pháo 20mm vừa bắn đối không vừa bắn đối hải, là loại vũ khí uy hiếp lớn nhất đối với tàu phóng lôi khi tiếp cận vào vị trí phóng lôi. Ra đa của tàu khu trục Ma đốc có thể phát hiện mục tiêu nhỏ ở cự ly 10 - 14 hải lý. Các giàn phóng bom trên tàu khu trục vừa để đánh tàu ngầm vừa có thể dùng để đánh phá các quả ngư lôi của đối phương tiến vào tàu).

 

Loại máy bay Mỹ sử dụng để tấn công các mục tiêu quan trọng của miền Bắc Việt Nam năm 1964


Ngày 02 tháng 8 năm 1964 sau khi tàu Ma-đốc bị tàu phóng lôi của Hải quân ta tiến công đánh đuổi buộc chúng phải rút ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Ngay lập tức Mỹ lớn tiếng vu cáo “tàu phóng lôi của Việt Nam vô cớ công kích tàu Ma-đốc của Mỹ đang đi trên vùng biển quốc tế...”, và “Bắc Việt Nam khiêu khích trắng trợn, Bắc Việt Nam đã vi phạm luật pháp quốc tế...”.

Để những lời vu cáo đó có sức thuyết phục hơn đối với nhân dân Mỹ và dư luận quốc tế, hôm sau, Giôn-xơn lệnh cho tàu khu trục Tooc-nơ-gioi (Turner Joy) cùng khu trục Ma-đốc tiếp tục vào Vịnh Bắc Bộ, nhanh chóng tạo ra “sự kiện thứ hai” nhằm lấy cớ “trừng phạt hải quân Bắc Việt Nam”. Đêm ngày 04 tháng 8 năm 1964, Mỹ đã dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, cho tàu khu trục Ma-đốc và tàu Tooc-nơ-gioi ở vùng biển quốc tế phát tín hiệu bị tấn công, vừa hành trình vừa đồng loạt bắn các loại pháo ra xung quanh, rồi ngay lập tức nhà cầm quyền Mỹ ở lầu năm góc lu loa lên rằng: “Một cuộc tiến công cố ý thứ hai trong đêm tối của các tàu tuần tra Bắc Việt Nam đã đánh vào tàu Ma-đốc và Tooc-nơ-gioi trong khi hai khu trục này đang thực hiện tuần tra thường lệ ở Vịnh Bắc Bộ trong hải phận quốc tế cách khoảng 65 dặm (gần 105km) nơi gần bờ biển nhất”.

Cái gọi là “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” do giới cầm quyền Mỹ dựng lên thực chất là bịa đặt, cố tình lừa dối nhân dân Mỹ nhằm thông qua cho được bản nghị quyết của Quốc hội Mỹ về các hoạt động quân sự ở Việt Nam, được gọi là “Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ” - một nghị quyết mà thượng nghị sĩ Mỹ Uay-ni-mo-zơ (Wayne Morse, bang O-ri-gan (Oregon) đã mô tả như một bản “tuyên chiến đề ngày trước”. Đó là đường hướng, chính sách của chính quyền Mỹ đối với Việt Nam được tính toán cho việc leo thang mở rộng chiến tranh chứ không phải là bất ngờ hay là một “sự trả đũa”.

23 giờ 30 phút đêm 04 tháng 8 giờ Oa-sinh-tơn (tức 11 giờ 30 phút trưa 05 tháng 8 giờ Hà Nội), Giôn-xơn ra lệnh cho lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương cho máy bay cất cánh đánh “trả đũa” vào một số mục tiêu ở miền Bắc. Sáu phút sau, tức 23 giờ 36 phút đêm 04 tháng 8 (giờ Oa-sinh-tơn), Giôn-xơn tuyên bố trên đài truyền hình Mỹ về việc ra lệnh cho các lực lượng quân sự của Mỹ có “hành động trả lời...” đối với Bắc Việt Nam: “Những hành động bạo lực liên tiếp chống các lực lượng vũ trang của Mỹ phải được đối phó không chỉ với sự phòng bị cảnh giác mà với sự trả lời tích cực. Sự trả lời đó đang được đưa ra khi tôi nói với đồng bào đêm nay. Hành động không quân đang được tiến hành chống các tàu chiến và một số phương tiện yểm trợ ở Bắc Việt Nam đã được sử dụng chống các hoạt động thù địch đó”.

Với lời tuyên bố ngạo mạn ấy, sau những hành động có tính toán từ trước nhằm khiêu khích đối phương, lừa dối Quốc hội và nhân dân Mỹ, Giôn-xơn chính thức phát động cuộc chiến tranh xâm lược bằng không quân và hải quân đối với một nước độc lập có chủ quyền.

Đến 12 giờ 25 phút ngày 05 tháng 8 năm 1964, chúng sử dụng 8 máy bay phản lực đánh vào Bến Thủy - Thành phố Vinh. Cuộc tiến công quy mô lớn bằng không quân Mỹ vào miền Bắc Việt Nam đã bắt đầu.

(còn nữa)




NGƯỜI LÀM BÁO QUẢNG NINH