Phia sau phóng sự phát thanh làm lay động khán thính giả
Thứ ba, ngày 16 Tháng 2 năm 2021 lúc 13:00

Yêu nghề và luôn có trách nhiệm với nghề, đó là tôn chỉ mà nữ BTV Thu Hương - Trung tâm truyền thông Quảng Ninh luôn cố gắng thực hiện qua mỗi tác phẩm của mình. Tác phẩm “Mặn chát như sứa biển ủ đông” là một trong những tác phẩm thể hiện rõ điều đó. Tác phẩm này đoạt giải B Giải báo chí Quốc gia lần thứ XIV.


Nhà báo Thu Hương trong lễ nhận Giải báo chí Quốc gia 2019

Phóng sự phát thanh cần chân thật, tự nhiên từng khoảnh khắc 

Năm 2019, tỉnh Quảng Ninh còn hơn 5.000 tấn sứa tồn đọng tại các cửa khẩu, chưa tiêu thụ được, vì sứa không có tên trong danh mục hàng hóa nhập khẩu vào Trung Quốc. Nguyên nhân là từ cuối năm 2018, phía Trung Quốc thực hiện siết chặt với chính sách biên mậu đối với hàng nông sản, thủy sản của nước ngoài, từng bước chính ngạch hóa với các điều kiện nhập khẩu khắt khe. Sứa được đánh bắt, sơ chế đến đâu tiêu thụ hết đến đó, nhưng năm 2019 sứa của bà con lại không tiêu thụ được. Điều này vô tình đẩy nhiều ngư dân vào tình cảnh khốn khó.

Với 5 phút ở thể loại phóng sự tác phẩm “Mặn chát như sứa biển ủ đông” đã thực sự để lại ấn tượng với người nghe bằng chất liệu âm thanh mô tả hiện thực cuộc sống. Trong đó xoáy sâu vào việc thể hiện nỗi buồn của những người làm sứa Cô Tô khi sản phẩm làm ra bằng mô hôi và công sức lại không tiêu thụ được.

Phóng sự được bắt đầu bằng cuộc trao đổi của những ngư dân đánh bắt sứa đang lo lắng cho vụ tới có đánh bắt tiếp nữa hay không. Tác giả đã ghi lại chân thực cuộc trò chuyện với âm thanh đặc trưng của miền biển với sóng biển, gió biển, những câu trao đổi đầy lo lắng của ngư dân không biết sẽ phải làm gì cho mùa sứa tới. Đây là cách bắt đầu phóng sự khá mới mẻ khiến người nghe không bị nhàm chán, mà ngược lại gây ấn tượng, gần gũi mà chính diện vào vấn đề đang được quan tâm.

Sứa được coi là vàng trắng, là sản phẩm chủ lực của người dân huyện đảo Cô Tô, sản phẩm giúp cho hàng nghìn hộ dân, ngư dân thoát nghèo. Nhưng chính sản phẩm này giờ đây lại mang đến nỗi u buồn, họ không có lựa chọn nào khác là dừng mọi công việc hàng ngày và mong ngóng. Chính thời điểm đó BTV Thu Hương đã tìm đến và nhận được nhiều chia sẻ  và  ngư dân cũng có cơ hội được trải lòng mình.

Hỗ trợ ngư dân trên mặt trận truyền thông

Trước thông tin nhiều sản phẩm ngư nghiệp đang bị tồn đọng không thể xuất khẩu sang Trung Quốc như: ngao hai cùi, tôm thẻ chân trắng và đặc biệt là sứa thì bản thân nữ BTV Thu Hương cũng cảm thấy đó chính là nỗi buồn của gia đình mình. Chị mong muốn tìm hiểu thực hư sự việc, muốn chia sẻ khó khăn với ngư dân chị đã quyết định ra các đảo để gặp gỡ và chia sẻ với họ.

Nhưng đó là ý tưởng còn việc triển khai thật sự là việc hoàn toàn khác. Việc đăng kí đề tài với lãnh đạo cơ quan xong thì cũng là lúc chị lo lắng không biết có hoàn thành được tác phẩm không vì tác nghiệp trên đất liền và trên các đảo hoàn toàn khác nhau. Với mong muốn có được tác phẩm để đăng cho bản tin thời sự sắp tới đã thôi thúc chị lên đường thật sớm, vì là vấn đề thời sự nên việc đi và khai thác thông tin càng phải được tiến hành nhanh chóng. Với thiết bị ghi âm trong tay, chị quyết định mua vé tàu đi ra Cô Tô vào ngày nghỉ cuối tuần để tìm hiểu thực tế vấn đề.

BTV Thu Hương chia sẻ: “Khi nghe tin còn hơn 5 nghìn tấn sứa đang bị tồn đọng tôi thấy bất ngờ lắm, sao lại có chuyện tồn đọng nhiều đến như vậy? Từ trước đến giờ bà con vẫn tiêu thụ bình thường và rất dễ dàng. Có những thuyền sứa chưa kịp cho về xưởng đã được thương lái thu mua ngay. Chưa bao giờ lượng sứa tồn nhiều như vậy!? Những hộ dân vay vốn ngân hàng để chuyển đổi kinh tế sẽ phải giải quyết ra sao?”.

Huyện Cô Tô có nhiều đảo xung quanh, các xưởng sứa rải rác khắp các đảo nhỏ này, chặng đường phải đi từ đất liền - Cô Tô lớn - từ Cô Tô lớn ra đảo Thanh Lân chỉ bằng các thuyền mủng nhỏ. Đặc biệt từ đảo Thanh Lân lại đi thuyền mủng ra các xưởng sứa chỉ trong một ngày để có đầy đủ thông tin thật không dễ dàng đối với một nữ nhà báo.

Việc tác nghiệp ở ngoài đảo thì hoàn toàn phụ thuộc vào tàu thuyền và sóng biển. “Đi thuyền mủng đối với người dân trên đảo Cô Tô thì rất bình thường vì họ đi hàng ngày, nhưng đối với mình hay ở trên đất liền thì cảm giác chênh vênh giữa biển, giữa trời nắng lại khác hoàn toàn” nhà báo BTV Thu Hương chia sẻ.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm công nhân mỏ nhưng bằng sự quan tâm, sẻ chia với ngư dân chị luôn đồng cảm với những người làm sứa Cô Tô. Theo chị, người dân vay mượn tiền tỷ để đầu tư vào các xưởng sứa, phải thế chấp nhà, để đầu tư dây truyền chế biến,…để đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ Nông nghiệp và PTNT, đến giờ các sản phẩm lại không bán được, mình cảm nhận và mong muốn hỗ trợ họ phần nào bằng nghề nghiệp của mình.

Dấn thân và kết nối

Khi bắt tay vào thực hiện đề tài, bản thân chị cũng đầy lo lắng nhưng với quyết tâm và lòng yêu nghề, không quản ngại khó khăn, chị vẫn lên đường đi đến với bà con để rồi có được một phóng sự đầy chân thật, được đón nhận.

Phóng sự phát thanh “Mặn chát như sứa biển ủ đông” được phát đi trên đài truyền thanh tỉnh và đài các địa phương đã nhận được sự đồng cảm, chia sẻ của rất đông đảo người dân. Chính quyền các địa phương cũng tích cực vào cuộc giúp đỡ hỗ trợ ngư dân tiêu thụ. Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Ninh kịp thời hướng dẫn và huy động một số doanh nghiệp có kho xưởng lớn hỗ trợ ngư dân bảo quản sứa được lâu hơn.



Khai thác chế biến sứa ở Cô Tô

Không quên định hướng, trong nội dung của phóng sự, nhà báo Thu Hương cũng phán ánh những chính sách thặt chặt của phía nhập khẩu để người dân hiểu và thực hiện. Theo chị “tâm lý người dân vẫn chủ quan cho rằng năm nay bán được thì năm sau vẫn bán, mà ít khi quan tâm đến quy định sắp tới sẽ được áp dụng”. Qua đó bà con cũng hiểu rằng tự mình phải lắng nghe trên các phương tiện thông tin đại chúng và các cấp chính quyền nhiều hơn, khi đó mới có sản xuất bền vững và ổn định lâu dài.

Là người chỉn chu, nhà báo Thu Hương cho rằng, tác phẩm này vẫn còn một số nội dung chưa hoàn thiện, chưa thể hiện hết điều mà chị muốn nhấn mạnh tới. Như trong lần phỏng vấn người dân, đã có một vài hộ nông dân thở dài khi nói về sản phẩm sứa tồn đọng, nhưng do gió ngoài đảo quá to đã át mất tiếng thở dài đó nên thính giả sẽ khó cảm nhận hơn những tâm tư của họ.

Chỉ gần 5 phút phát thanh, nhưng phóng sự “Mặn chát như sứa biển ủ đông” đã cho người nghe hiểu được một cách chân thật nhất mảnh đời những ngư dân sống dựa vào biển. Hiểu hơn về cuộc đời họ, rằng biển đã cho họ cuộc sống, mang đến vị ngọt trong từng bữa cơm, nhưng biển cũng mang đến vị “mặn” mà họ chẳng thể nào quên.

Đối nhà báo Thu Hương, phóng sự lần này không chỉ là một chuyến đi, một trải nhiệm, là cập nhật tin tức mà trên hết điều chị luôn mong muốn là dùng ngòi bút của mình đóng góp một phần cho hoạt động hỗ trợ nông dân, để làm sao kết nối và lan tỏa những điều tốt đẹp hơn cho xã hội./.



LÊ TÂM

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: