Đồng hành cùng doanh nghiệp
Cổng dịch vụ công quốc gia hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do... |
Đất và người Quảng Ninh
Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng - Trách nhiệm của người làm báo |
Thứ ba, ngày 09 Tháng 7 năm 2019 lúc 00:00 |
Chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng (với cả nghĩa đen và nghĩa bóng). Chưa bao giờ ranh giới giữa Thực và Ảo, giữa Đen và Trắng, giữa Đúng và Sai, giữa Thiện và Ác, giữa Chính và Tà... lại khó xác định như bây giờ, đặc biệt là trên không gian mạng và trong lĩnh vực thông tin - truyền thông. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tác nghiệp tại kỳ họp HĐND tỉnh. Internet và mạng xã hội mang lại cho chúng ta thông tin kịp thời, phong phú, bổ sung vào kho tàng tri thức của mỗi người, nhưng cũng đem lại bao điều phiền toái nếu như không có bộ lọc tốt. Đặc biệt, không gian mạng cũng là nơi các thế lực thù địch, phản động, những phần tử cơ hội chính trị lợi dụng nhiều nhất để tuyên truyền những quan điểm sai trái, thù địch, chống phá sự nghiệp cách mạng và nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Vậy nền tảng tư tưởng của Đảng ta là gì và vì sao mà kẻ địch muốn phá hoại? Cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người làm báo phải làm gì để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng? 1- Nội dung nền tảng tư tưởng của Đảng ta Về mặt pháp lý, Điều 4, Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 ghi rõ: Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Chủ nghĩa Mác - Lênin là thành tựu trí tuệ của loài người, là một học thuyết khoa học và cách mạng được Các Mác, Ăng-ghen nghiên cứu, đúc rút, sáng tạo và phát triển, được hợp bởi 3 bộ phận quan trọng là: triết học, kinh tế chính trị và chủ nghĩa xã hội (trên cơ sở nghiên cứu triết học cổ điển Đức; kinh tế chính trị Anh; chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp), sau này được Lênin kế thừa, bổ sung và thực hiện thành công trên đất nước Nga. Chủ nghĩa Mác - Lênin là một học thuyết cách mạng, bởi đã giải thích được thế giới; chỉ ra bản chất của sự áp bức bóc lột, bất công của xã hội tư bản; chỉ ra con đường giải phóng triệt để giai cấp công nhân và nhân dân lao động, các dân tộc bị áp bức. Đó là con đường đấu tranh cách mạng vô sản. Trong cuộc cách mạng vô sản đó, giai cấp công nhân có sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng thông qua chính đảng của mình là Đảng Cộng sản. Học thuyết Mác - Lênin còn có sứ mệnh cao cả đó là học thuyết để giải phóng con người. Trong quá trình tìm đường cứu nước, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã đến với chủ nghĩa Mác - Lê nin (năm 1920). Người nói: "Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lê nin". Khi được đọc "Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa" của Lênin, Người đã hoàn toàn tin tưởng và tán thành Quốc tế 3. Sau này, khi kể lại sự kiện quan trọng đó, Người nói: "Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên, ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta. Từ đó, tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế ba". Như vậy, nền tảng tư tưởng của Đảng được Đảng ta xác định là Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh chính là sự vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam.
2- Sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch Sau khi thất bại trong chiến tranh Việt Nam (năm 1975), đế quốc Mỹ và các thế lực phản động quốc tế không chịu khoanh tay nhìn nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng lại đất nước "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn". Chúng tổ chức nhiều hoạt động chống phá, lập nên nhiều nhóm phản động như Hoàng Cơ Minh, Lê Quốc Tuý, Võ Đại Tôn... với chiêu bài phục quốc. Tất cả những tổ chức và cá nhân phản động đó đều bị quân và dân ta nêu cao tinh thần cảnh giác, bắt và tiêu diệt. Các tổ chức và cơ sở của chúng bị tan vỡ, giải tán... tiếp tục thực hiện chiến lược "Diễn biến hoà bình". Chúng tăng cường can thiệp vào nội bộ nước ta bằng thông tin, lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền, khuếch trương thanh thế của các tổ chức phản động như Việt Tân, bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta. Chúng lợi dụng cuộc đấu tranh chống tham nhũng và những sai lầm, khuyết điểm của ta trong quá trình quản lý, lãnh đạo đất nước, từ đó đổi trắng thay đen, lập lờ chính kiến, tranh thủ tạo dựng, lôi kéo những phần tử thoái hoá, biến chất, "tự diễn biến, tự chuyển hoá" nhằm từng bước làm suy yếu, biến mầu các tổ chức cơ sở Đảng, dẫn đến tự giải tán, tự diệt vong. Để đấu tranh với các âm mưu thâm độc đó, Đảng ta chủ động làm trong sạch mình; chủ động đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Trong nội bộ, Đảng ta chủ động chỉ ra 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cần phải phòng chống. Chúng ta đã kiên quyết đấu tranh trước sự tấn công của kẻ thù vào nền tảng tư tưởng của Đảng.
3- Trách nhiệm của chúng ta Ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Trong đó xác định rõ trách nhiệm cụ thể đối với các cấp ủy, tổ chức Đảng, từng ban, bộ, ngành, địa phương để tạo sự chuyển biến một cách rõ nét trong công tác này. Chúng ta phải tổ chức thực hiện một cách đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp; gắn chặt giữa "xây" và "chống", trong đó "xây" là cơ bản, "chống" phải quyết liệt và hiệu quả. Kết hợp giữa vận động, giáo dục, thuyết phục với kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước đối với các đối tượng vi phạm. Đổi mới nội dung, phương pháp, đa dạng hoá hình thức, coi trọng hiệu quả, trên tinh thần chủ động, cảnh giác, thường xuyên, kiên trì, kiên quyết, đồng thời có trọng tâm, trọng điểm. Tất cả những yêu cầu trên để nhằm đạt được mục đích: Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, phấn đấu sớm đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trước yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trách nhiệm của công tác thông tin, báo chí được xác định rõ là: Xây dựng hoàn chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý báo chí, xuất bản, internet và mạng xã hội; rà soát lại hoạt động của các loại hình báo chí, mạng xã hội; tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan quản lý với chính quyền các địa phương trong việc chỉ đạo, định hướng hoạt động của các cơ quan tuyên truyền công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới. Đối với người làm báo - những chiến sỹ đấu tranh trực diện với kẻ thù trên mặt trận tư tưởng - văn hoá, cần noi gương những bậc tiền nhân, những lãnh tụ tiền bối của Đảng vốn cũng là những cây bút sắc như Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyên Tổng Bí thư Trường Chinh... Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng...cần nói theo tiếng nói của Đảng, nguyện vọng của nhân dân; tích cực rèn luyện cho "tâm sáng, lòng trong, bút sắc"; nêu cao tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, và trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của người làm báo cách mạng Việt Nam trước nhiệm vụ nặng nề, nhưng vô cùng vẻ vang này./. Phạm Hồng Cẩm Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|