Sáng tạo tác phẩm báo chí đa phương tiện
Thứ ba, ngày 04 Tháng 6 năm 2019 lúc 00:00


Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh được thành lập trên cơ sở hợp nhất 4 cơ quan thông tin, báo chí đặt ra đòi hỏi đối với mỗi phóng viên phải thực hiện các tác phẩm báo chí đa phương tiện. 

Sáng tạo tác phẩm báo chí đa phương tiện đòi hỏi người làm báo  phải không ngừng học hỏi.


Nếu như trước đây mỗi phóng viên tại Báo Quảng Ninh chỉ phải làm tác phẩm cho báo in, báo điện tử, thì nay sẽ phải sáng tạo tác phẩm báo chí cho tất cả các loại hình: báo in, truyền hình, phát thanh, báo mạng điện tử. Phóng viên của Trung tâm Truyền thông tỉnh đã thực hiện làm báo đa phương tiện đến nay đã được hơn ba tháng, về cơ bản hoạt động tác nghiệp đa phương tiện của phóng viên, biên tập viên đã dần đi vào nề nếp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, song bên cạnh đó cũng còn những hạn chế cần khắc phục để ngày càng nâng cao hơn nữachất lượng các tác phẩm báo chí, nhất là tác phẩm báo chí đa phương tiện.


Kể từ khi Trung tâm truyền thông tỉnh đi vào vận hành, các phóng viên của Trung tâm đều đã được quán triệt, yêu cầu phải nhanh chóng tiếp cận và thực hiện các tác phẩm báo chí đa phương tiện. Quá trình tác nghiệp, đội ngũ phóng viên, biên tập viên cũng có nhiều thuận lợi như được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Trung tâm; được trang bị máy móc, thiết bị tác nghiệp; có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các phòng, bộ phận liên quan. Chính vì vậy, chỉ trong thời gian ngắn, các phóng viên của Trung tâm đã bắt kịp với yêu cầu nhiệm vụ. Một phóng viên đã thực hiện được các tác phẩm cho cả báo in, truyền hình, phát thanh và báo mạng điện tử. Đối với mỗi sự kiện, ê kip tác nghiệp đã được tinh gọn đáng kể. Nội dung thông tin tuyên truyền được tập trung, thống nhất. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của mỗi phóng viên, biên tập viên cũng được nâng lên do mỗi người đều phải cố gắng trau dồi kỹ năng để thực hiện nhiều công việc trong một khoảng thời gian ngắn hơn so với trước đây.


Giảng viên Học viện Báo chí và tuyên truyền bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho phóng viên tại Quảng Ninh.


Song bên cạnh những kết quả đã đạt được, các phóng viên, biên tập viên cũng còn gặp những khó khăn, hạn chế, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng của các tác phẩm.

Thứ nhất, do trước đây chỉ tác nghiệp ở một loại hình báo chí nhất định, nên nhiều phóng viên còn gặp khó khăn khi sáng tạo các tác phẩm báo chí đa phương tiện. Theo tôi thì điều này cũng là dễ hiểu bởi các phóng viên chưa nắm vững đặc thù, yêu cầu của từng loại hình báo chí trong quá trình tác nghiệp. Cụ thể, các phóng viên quen làm truyền hình thì nay khi viết tin, bài cho báo in vẫn có thói quen viết tắt. Cùng với đó là nội dung thông tin còn khái quát, chưa cụ thể, thiếu những chi tiết của báo in, chưa chuẩn chỉ về ngữ pháp, chưa biết chụp ảnh hoặc chụp ảnh chưa đạt yêu cầu…

Ngược lại, các phóng viên của Báo Quảng Ninh trước đây quen làm báo in, báo điện tử thì nay, khi viết tin, bài cho truyền hình, phát thanh vẫn còn tham thông tin, chưa có tính khái quát trong khi bản tin hạn chế về thời lượng. Cùng với đó, về tư duy về hình ảnh, âm thanh của các phóng viên vốn quen làm báo viết trước đây cũng hạn chế, chưa biết lựa chọn chi tiết để xây dựng kịch bản trước khi đi tác nghiệp.

Thứ hai, sau khi tác nghiệp tại hiện trường, nhiều phóng viên vẫn chưa ưu tiên lựa chọn hạ tầng để hoàn thiện tác phẩm. Phóng viên truyền hình mải dựng và nộp tác phẩm truyền hình trước rồi mới làm cho báo in, báo điện tử, phát thanh. Điều này phần nào ảnh hưởng đến tính cập nhật của các loại hình khác. Phóng viên báo in, báo điện tử thì còn hạn chế trong khâu dựng hình, sử dụng hình ảnh, âm thanh nên cũng phần nào ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ hoàn thành tác phẩm cho các bản tin truyền hình, phát thanh.

Thứ ba, còn tình trạng phóng viên vẫn lúng túng, thực hiện chưa đúng quy trình dựng tin, bài cho báo in, báo mạng điện tử; chưa biết dựng hình ảnh, dựng file âm thanh cho loại hình báo chí phát thanh, truyền hình.

Từ những hạn chế nêu trên, để nâng cao hiệu quả tác nghiệp của phóng viên, góp phần nâng cao chất lượng sáng tạo các tác phẩm báo chí đa phương tiện, tôi xin được đề xuất một số nội dung sau:

Về phía đội ngũ phóng viên, biên tập viên cần không ngừng trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, các kỹ năng cụ thể đối với từng loại hình báo chí. Cùng với đó, phải nắm vững quy trình tác nghiệp, dựng tác phẩm báo chí ở các loại hình báo in, báo mạng điện tử, truyền hình, phát thanh. Điều quan trọng là mỗi phóng viên không được ngại học hỏi, tham khảo kinh nghiệm các đồng nghiệp về những kỹ năng mình còn yếu, chưa nắm vững.

Đối với cơ quan Trung tâm truyền thông tỉnh, mong muốn lãnh đạo Trung tâm tiếp tục quan tâm đầu tư về trang thiết bị, phương tiện phục vụ tác nghiệp. Đồng thời, mở thêm các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, bồi dưỡng về lý luận chính trị. Cũng rất cần có cơ chế khen thưởng, động viên kịp thời đối với các phóng viên có các tác phẩm báo chí đa phương tiện đạt chất lượng cao.

Đối với tổ chức Hội Nhà báo, đề nghị thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu với sự tham gia đào tạo của các nhà báo có kinh nghiệm thực tiễn, các chuyên gia đào tạo báo chí trong và ngoài nước. Cùng với đó, cần tổ chức các chuyến giao lưu, học tập kinh nghiệm để anh chị em hội viên nhà báo ngày càng hoàn thiện kỹ năng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ./.

NGỌC ÁNH


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: