Bài 3: Sở Thông tin & Truyền thông Thanh Hóa: Xử lý kịp thời sai phạm, tạo môi trường hoạt động nền nếp
Thứ tư, ngày 26 Tháng 10 năm 2022 lúc 00:00

(NB&CL) Sở Thông tin & Truyền thông (TT&TT) Thanh Hóa đã có nhiều phương pháp vừa mềm mỏng, vừa dứt khoát… để giải bài toán trong quản lý, giữ ổn định trên mặt trận tin tức, hướng đến môi trường thông tin lành mạnh.

Là một trong những đơn vị thời gian qua đã có sự “vào cuộc” mạnh mẽ, quyết liệt trong việc chấn chỉnh hiện tượng “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, Sở Thông tin & Truyền thông (TT&TT) Thanh Hóa đã có nhiều phương pháp vừa mềm mỏng, vừa dứt khoát… để giải bài toán trong quản lý, giữ ổn định trên mặt trận tin tức, hướng đến môi trường thông tin lành mạnh.

Hoạt động tác nghiệp sai quy định đã giảm
Trên thực tế, không phải sau khi có Bộ tiêu chí nhận diện “báo hóa” tạp chí, trang thông tin điện tử tổng hợp, báo hóa mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hoá” báo chí thì vấn đề này mới “nóng” ở tỉnh Thanh Hóa. Bởi lẽ nhiều năm nay, công tác chấn chỉnh, xử lý những sai phạm này luôn được lãnh đạo Sở TT&TT Thanh Hóa coi là nhiệm vụ trọng tâm. Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 5 cơ quan báo chí của tỉnh; 24 văn phòng đại diện, 23 phóng viên thường trú, 10 phóng viên giới thiệu hoạt động thường xuyên trên địa bàn tỉnh và 36 trang thông tin điện tử tổng hợp được Sở cấp phép hoạt động, ngoài ra còn có hàng trăm phóng viên, cộng tác viên được các tòa soạn cử về tác nghiệp theo sự vụ, sự việc tại Thanh Hóa.

bai 3 so thong tin truyen thong thanh hoa xu ly kip thoi sai pham tao moi truong hoat dong nen nep hinh 1

Sở Thông tin truyền thông Thanh Hóa luôn có những báo cáo kịp thời tại các cuộc giao ban của tỉnh.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ông Lê Văn Nam – Phó Giám đốc Sở TT&TT Thanh Hóa khẳng định: “Trong công tác quản lý báo chí tỉnh Thanh Hóa thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn như việc một số cơ quan tạp chí có xu hướng tác nghiệp, xuất bản tin tức; trang thông tin điện tử tổng hợp cử nhân viên đi tác nghiệp, tự sản xuất tin, bài gây hiểu lầm là báo điện tử; có tạp chí cử phóng viên tác nghiệp và phản ánh vấn đề, nội dung không thuộc lĩnh vực tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép…

Với nội dung của Bộ Tiêu chí nhận diện “báo hoá” tạp chí, “báo hoá” trang thông tin điện tử tổng hợp, “báo hoá” mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hoá” báo chí do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, đã giúp các cơ quan quản lý báo chí có công cụ nhận diện từng vấn đề, vụ việc cụ thể để xử lý đảm bảo cơ sở pháp lý. Do vậy hoạt động tác nghiệp sai quy định đã giảm, thông tin trên báo chí đã cân đối được nội dung tích cực với phản ánh thông tin sự kiện, vụ việc sự vụ, làm cho môi trường báo chí ở Thanh Hóa đi vào nền nếp”.

Từ yêu cầu, nhiệm vụ của công tác quản lý báo chí, Sở đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa ban hành Kế hoạch hành động số 86-KH/TU ngày 29/7/2022 về tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Sở TT&TT đã ban hành văn bản số 165/STTTT-BCXB ngày 27/01/2022; văn bản số 1702/STTTT-TTBCXB ngày 18/8/2022 về phối hợp thực hiện công tác quản lý hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh; trong đó đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương phối hợp chấn chỉnh tình trạng lợi dụng danh nghĩa báo chí để sách nhiễu, hoạt động trái pháp luật trên địa bàn tỉnh; nghiêm túc thực hiện xử lý thông tin trên báo chí; hướng dẫn nội dung tiếp và làm việc với báo chí, nhiều đơn vị đã triển khai ban hành văn bản hướng dẫn kịp thời đến các đơn vị trong phạm vi quản lý để tổ chức thực hiện như: UBND thị xã Nghi Sơn, UBND huyện Cẩm Thủy, Lang Chánh, Chi cục Kiểm lâm... Sở cũng đã ban hành các văn bản nhắc nhở các đơn vị chưa thực hiện tốt việc phát ngôn, cung cấp thông tin và xử lý thông tin báo chí.

Chỉ đạo xử lý quyết liệt trên thực tế
Không chỉ vậy, thời gian qua Sở TT&TT Thanh Hóa đã thể hiện được vai trò là “cánh tay nối dài” của Bộ TT&TT trong công tác quản lý. “Qua công tác quản lý, rà soát nội dung thông tin báo chí, phản hồi của các cơ quan chức năng sau khi báo chí nêu, Sở đã ban hành các văn bản gửi các báo, tạp chí đề nghị xác minh thông tin báo chí, chấn chỉnh kịp thời các dấu hiệu sai phạm trong hoạt động báo chí, thực hiện xử phạt 02 tạp chí do thực hiện không đúng nội dung ghi trong giấy phép hoạt động; đăng tải bài viết sai sự thật với tổng số tiền 30 triệu đồng. Qua các kết quả nêu trên, nhìn chung hoạt động báo chí ở Thanh Hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực góp phần vào sự ổn định phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh...” - ông Lê Văn Nam khẳng định. 

Lãnh đạo Sở TT&TT Thanh Hóa cũng cho biết thêm, các trang thông tin điện tử tổng hợp trên địa bàn do Sở cấp phép đều hoạt động đúng quy định, được kiểm tra, giám sát thường xuyên và có báo cáo cụ thể nên không để xảy ra sai phạm. Những thông tin sai, loạn về tỉnh Thanh Hóa lại do các trang TTĐT của tỉnh khác cấp, dưới tên miền theo kiểu “lập lờ đánh lận con đen”… nhằm đưa các tin tức tiêu cực về tỉnh, làm nhiễu loạn tin tức địa phương, gây hoang mang dư luận, giảm lòng tin của người dân với chính quyền.

Trong quá trình rà soát, Sở TT&TT Thanh Hóa nhận thấy có Sở TT&TT một số địa phương cấp phép hoạt động cho trang thông tin điện tử có tên miền gắn với tên địa phương khác, thậm chí còn lập các trang fanpage đăng tải lại nội dung, đường link, giật tít một vài nội dung trong bài viết gây hiểu nhầm, gây bức xúc trong dư luận...  như các trang: https://thanhhoa24h.net.vn; https://danang24h.vn; http://haiphong24h.org; http://hatinh24h.com.vn; http://quangbinh24h.com;... Chính vì thế, với tinh thần trách nhiệm, Sở TT&TT Thanh Hóa đã có công văn kiến nghị gửi lên Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử đề nghị Cục xem xét chỉ đạo các Sở TT&TT tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh đồng thời có sửa đổi, bổ sung các quy định về cấp, thu hồi giấy phép trang thông tin điện tử tổng hợp…

Thêm vào đó, mới đây nhất, Sở vừa ký ban hành các văn bản thông báo việc lợi dụng danh nghĩa phóng viên hoạt động trái pháp luật trên địa bàn tỉnh của Viện Hỗ trợ Pháp lý và Bảo vệ môi trường, Trung tâm chăm sóc Người cao tuổi và Người Khuyết tật; Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội.

Phối hợp hoạt động vì môi trường thông tin lành mạnh
“Để tăng cường công tác quản lý hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh, chúng tôi luôn đề nghị các cơ quan, đơn vị trong quá trình phối hợp hoạt động báo chí, khi có các đối tượng giả danh là “phóng viên”, “cộng tác viên” báo chí đến liên hệ công tác, thông báo kịp thời cho Sở cũng như cơ quan chức năng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật
” – Phó Giám đốc Sở TT&TT Thanh Hóa khẳng định.

Theo đó, triển khai quy định về hoạt động báo chí, nhất là Luật Báo chí 2016 và 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định thành lập và quy chế hoạt động của Hội đồng xử lý vi phạm Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa gồm thành phần là các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, Hội Nhà báo tỉnh là cơ quan thường trực của Hội đồng. Trong những năm qua, trên cơ sở yêu cầu thực tế, Sở luôn phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam cùng họp xem xét trách nhiệm của “phóng viên”, “cộng tác viên” về nội dung thông tin báo chí, về đăng tải nội dung chưa đúng theo Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, bước đầu đã có kết quả tích cực.

Gần đây, triển khai hưởng ứng phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” do Hội Nhà báo Việt Nam phát động, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh triển khai các nội dung thuộc các nhiệm vụ quản lý, định hướng của Hội. Trên cơ sở đó, ngày 26/9, các Chi hội báo chí hoạt động trên địa bàn tỉnh đã Ký kết giao ước thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”, trọng tâm thực hiện 6 nội dung trách nhiệm của cơ quan báo chí, 6 nội dung trách nhiệm của các nhà báo; đây là cơ sở để tăng cường công tác quản lý hoạt động báo chí, quản lý hội viên, hướng hoạt động báo chí, nội dung thông tin đảm bảo tin cậy, góp phần xây dựng tỉnh Thanh Hóa ngày càng phát triển, trở thành một cực tăng trưởng mới của khu vực và cả nước theo Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.

Có thể nói, chính bởi những cách thức thực hiện hiệu quả, rốt ráo mà phần nào hạn chế tình trạng đưa tin một chiều, sai sự thật, suy diễn, góp phần ổn định tình hình, tạo sự lan tỏa rộng rãi, sự đồng thuận cao trong xã hội, đảm bảo an toàn thông tin trên địa bàn tỉnh vì một môi trường thông tin lành mạnh.

Theo: Hà Vân; (Nguồn: http://hoinhabaovietnam.vn/)



Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: