Videos


Xem thêm >>


Thư viện ảnh


Xem thêm >>


LIÊN KẾT



Diễn đàn Tổng Biên tập 2022: Chuyển đổi số - xu thế tất yếu hay trào lưu nhất thời?
Thứ sáu, ngày 04 Tháng 11 năm 2022 lúc 00:00

Chưa bao giờ “Chuyển đổi số” lại trở nên nóng hổi, cấp thiết nhưng cũng đang chứa đựng nhiều băn khoăn, trăn trở như hiện nay.

Làm thế nào để có thể thực hiện chuyển đổi số báo chí, chuyển đổi theo hướng nào, bài toán kinh phí, công nghệ sẽ được giải ra sao - những điều mà nhiều các cơ quan báo chí Việt Nam đang trăn trở cũng chính là những vấn đề căn cốt sẽ được trao đổi, bàn luận tại Diễn đàn Tổng Biên tập 2022 với chủ đề: “Chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí Việt Nam: Xu thế tất yếu hay trào lưu nhất thời?”, nằm trong khuôn khổ Gala Báo chí 2022 do Hội Nhà báo Việt Nam giao Báo Nhà báo & Công luận tổ chức ngày 4/11 tại Thanh Hóa.

dien dan tong bien tap 2022 chuyen doi so  xu the tat yeu hay trao luu nhat thoi hinh 1

1. Chưa bao giờ từ khóa “Chuyển đổi số” lại trở nên nóng hổi, cấp thiết như hiện nay. Và cũng chưa bao giờ vấn đề chuyển đổi số lại có nhiều những băn khoăn, nhiều trăn trở như lúc này. Bởi lẽ, Việt Nam đang bước vào công cuộc chuyển đổi số và báo chí cũng không là ngoại lệ. “Trong bối cảnh chuyển đổi số, không thể nào trông đợi những thay đổi lớn nếu không bắt đầu bằng việc lựa chọn và phát triển các lãnh đạo cấp cao nhất”, ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định. Và Diễn đàn Tổng Biên tập 2022 đặt ra chủ đề này một phần là bởi tính thời sự của vấn đề, phần nữa là vì sự thay đổi từ người đứng đầu chính là chìa khóa quan trọng nhất trong chuyển đổi số báo chí.

Trên thực tế, các cơ quan báo chí đều sớm hiểu rằng, chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí, còn mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống vốn có. Tuy nhiên, với đại bộ phận nhà báo vốn được đào tạo tác nghiệp với công cụ chủ yếu là máy quay/máy ghi âm/máy ảnh hoặc quyển sổ và cây bút, việc phải thích nghi để trở thành một nhà báo công nghệ, tác nghiệp trên môi trường mạng với nhiều kỹ năng cùng một lúc là cả một cản trở lớn và không phải ai cũng có thể nhanh chóng thích nghi. Do vậy, nhu cầu chuyển đổi số ở các tòa soạn phải bắt đầu từ người lãnh đạo. Và từ yêu cầu của lãnh đạo, cả bộ máy phải vận hành theo.

Khi người đứng đầu thay đổi, sẽ là lúc trả lời được câu hỏi: Chúng ta lựa chọn con đường nào, mô hình nào để chuyển đổi số! Đối với sự chuyển đổi số báo chí, sự thống nhất về mặt nhận thức từ lãnh đạo tới phóng viên, sự vào cuộc, kiên trì theo đuổi con đường chuyển đổi số của cả tòa soạn chính là giải pháp đem lại thành công.

Tất nhiên, một tòa soạn không thể ngay lập tức bỏ hết cơ sở vật chất cũ để đầu tư toàn bộ máy móc, thiết bị mới đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, cũng không thể yêu cầu tất cả cán bộ, phóng viên cũ nghỉ việc hoặc chuyển công tác do không làm được báo đa phương tiện, không biết dùng công nghệ hiện đại để kết nối với độc giả… Nhưng rõ ràng là một tòa soạn không thể không đổi mới, không thể không bắt nhịp với xu hướng mới để hòa nhập và phát triển.

Như vậy, trước những biến động mạnh mẽ trong hệ sinh thái truyền thông, báo chí không thể đứng ngoài cuộc mà phải chủ động tìm lời giải để tồn tại và phát triển, thực hiện tốt hơn sứ mệnh của mình. Chuyển đổi số không chỉ khiến cho độc giả của báo chí thay đổi mà mô hình hoạt động của các tòa soạn cũng thay đổi. Làm thế nào để dung hoà giữa phương thức tác nghiệp cũ và mới tại các cơ quan báo chí trước nhu cầu chuyển đổi số hiện nay là vấn đề mà nhiều cơ quan báo chí đang phải đối mặt và các lãnh đạo cơ quan báo chí cũng thực sự cần lời giải. 

2. Có thể nói, chuyển đổi số giờ đây là xu hướng tất yếu của Báo chí Việt Nam nói riêng và Báo chí thế giới nói chung đồng thời là một trong những chìa khoá rất quan trọng, nếu không muốn nói là tiên quyết, để giải bài toán tồn tại của mỗi cơ quan báo chí. Chuyển đổi số sẽ giúp các cơ quan báo chí thay đổi toàn diện phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung, để từ đó phát triển nền báo chí dữ liệu, có chất lượng, đảm bảo đúng giá trị nguyên bản của báo chí.

Nhà báo Lê Quốc Minh cho rằng, trong bối cảnh kỷ nguyên số với rất nhiều sự thay đổi về công nghệ nói chung, công nghệ làm báo nói riêng, thay đổi hành vi của độc giả, khán thính giả, các cơ quan báo chí không còn con đường nào khác là số hóa, chuyển đổi số. Nếu không muốn bị “đào thải”, các báo cần chủ động thay đổi, hợp tác với các cơ quan truyền thông khác để tạo chỗ đứng, vị thế trong làng báo chí công nghệ. Chuyển đổi số rõ ràng là con đường mà báo chí cần phải bước đi, thậm chí là đi nhanh và quyết liệt, nếu không muốn bị tụt hậu, mất đi độc giả, khán thính giả và hậu quả đương nhiên là sự sống còn của chính cơ quan báo chí.

Nhưng trên thực tế là, hiện nay, nhiều người nói chuyển đổi số nhưng thực ra mới dừng ở việc số hóa. Báo chí không thể phát triển được nếu không có công nghệ song hành, đặc biệt trong một thế giới “Digital First” luôn thay đổi một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, nhiều cơ quan báo chí tại Việt Nam vẫn chưa hiểu rõ phải chuyển đổi thế nào và bắt nguồn từ đâu? Làm thế nào để có thể thực hiện chuyển đổi số báo chí, những lo lắng về công nghệ, thiếu kinh phí, đặc biệt là về nhân sự trong vấn đề chuyển đổi số…cần có những bước đi như thế nào để phù hợp?...

Thậm chí cũng có quá nhiều băn khoăn rằng, trong bối cảnh kinh tế báo chí đã, đang và sẽ còn nhiều khó khăn, chuyển đổi số có là câu chuyện phù hợp với số đông các cơ quan báo chí hay chỉ dành cho các cơ quan báo chí có tiềm lực tài chính mạnh? Các xu thế báo chí mới hay phương thức kiến tạo nguồn thu mới như thế nào từ quá trình chuyển đổi số? Có mô hình chuyển đổi số nào phù hợp cho phần đa các cơ quan báo chí tại Việt Nam hay mỗi cơ quan báo chí phải tự xây dựng cho mình một mô hình chuyển đổi số riêng, phù hợp với đặc điểm, năng lực của từng tòa soạn? Việc chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí nên bắt đầu từ đâu, từ bộ phận sản xuất nội dung hay công tác bạn đọc, hành chính quản trị? Việc chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí nên được tiến hành theo phương thức nào: tự xây dựng bộ máy có công nghệ, thành lập một đội ngũ chuyên trách tiến hành chuyển đổi số cho tòa soạn hay hợp tác với các đối tác công nghệ để xây dựng hệ thống quản lý, quản trị, quy trình kiểm soát nội dung, kiểm soát ngân sách quảng cáo, hoạt động nội bộ? Phương thức nào sẽ tối ưu hơn?...

Trong bối cảnh báo chí nước ta hiện nay, để các tòa soạn có thể đổi mới và tham gia sâu vào quá trình chuyển đổi số, cần có bệ đỡ trong cơ sở pháp lý, bệ đỡ về đầu tư công nghệ, đào tạo nhân lực của Nhà nước và các cơ quan chức năng như thế nào?... Tất cả những vấn đề ấy sẽ được các lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, lãnh đạo các cơ quan báo chí cùng ngồi lại đặt ra, trao đổi và tìm giải pháp.

Có thể nói, trong bối cảnh kỷ nguyên số với rất nhiều sự thay đổi, chuyển đổi số không có công thức chung hay con đường chung nào cả, mỗi cơ quan báo chí phải tự xác định được nhu cầu của mình để xây dựng kế hoạch chuyển đổi số riêng. Nhưng Ban tổ chức Diễn đàn Tổng Biên tập 2022 mong muốn rằng, sự trao đổi thẳng thắn, những kinh nghiệm được chia sẻ sẽ mang đến một thông điệp ý nghĩa góp phần vào hành trình chuyển đổi số báo chí hôm nay.

Theo: Hà Vân/ Nhà báo & Công luận; (Nguồn: http://hoinhabaovietnam.vn/)



Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: