Videos


Xem thêm >>


Thư viện ảnh


Xem thêm >>


LIÊN KẾT



Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Đỗ Ngọc Hà: "Nhà báo cần nêu gương thực hiện chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội"
Thứ ba, ngày 30 Tháng 6 năm 2020 lúc 00:00

Sử dụng mạng xã hội như một kênh khai thác và chia sẻ thông tin là điều rất cần thiết của những nhà báo. Tuy nhiên, để viết chuẩn mực và có trách nhiệm trên mạng xã hội, mỗi nhà báo cần phải tuân thủ những nguyên tắc tối thượng của đạo đức nghề nghiệp và những quy định của pháp luật. 


Nhà báo Đỗ Ngọc Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh.

Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, 21/6 (1925 -2020), phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh có cuộc trò chuyện với nhà báo Đỗ Ngọc Hà, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh về vấn đề này. 

- Mạng xã hội là một kênh thông tin rất nhanh nhạy mà mỗi phóng viên cần biết tận dụng khai thác. Ông có thể chia sẻ quan điểm về vấn đề này?

+ Ngày nay, mạng xã hội thực sự trở thành một yếu tố rất quan trọng trong việc thu hút sự tương tác, số người sử dụng, cũng như trở thành một nguồn tin quan trọng cho báo chí.

Nhiều cơ quan báo chí, trong đó có Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh đã sử dụng mạng xã hội và trang fanpage để tăng cường tương tác giữa tòa soạn và bạn đọc, là kênh quảng bá hữu hiệu cho báo chí. Các nhà báo cũng sử dụng mạng xã hội (facebook, zalo, twitter, Instargram…) để chia sẻ thông tin lẫn nhau và là nguồn cung cấp tin, bài cho độc giả và cũng là nguồn cung cấp chủ đề mới thu hút bạn đọc.

Tôi cho rằng, các nhà báo cần thu thập thông tin trên mạng xã hội  bởi đây là nơi tương tác và quảng bá các bài báo của mình tới công chúng. Mạng xã hội cũng là nơi mở rộng dư luận và góp ý vào thực hiện chính sách, pháp luật Nhà nước...


Tập huấn nghiệp vụ làm báo bằng điện thoại di động và sử dụng mạng xã hội để quảng bá tác phẩm báo chí do Hội Nhà báo tỉnh tổ chức.

Nhà báo cần dùng mạng xã hội để tạo hiệu ứng, lan truyền những vấn đề tích cực. Ví dụ như việc các nhà báo trên địa bàn tỉnh giúp đỡ những hộ khó khăn trong đại dịch Covid-19 vừa qua, hay nông dân giải cứu dưa hấu gần đây… là những việc làm rất thiết thực và ý nghĩa.

Bên cạnh đó, một số cơ quan báo chí, nhà báo chưa chú trọng sử dụng mạng xã hội để đưa thông tin, tuyên truyền về những vấn đề tích cực, những điển hình tiên tiến trong xã hội. Trong khi đó, mạng xã hội là mảnh đất tự do màu mỡ của một số đối tượng xấu lợi dụng để xuyên tạc. Việc các nhà báo sử dụng mạng xã hội  để phản bác những thông tin xuyên tạc, phản động là rất cần thiết nhưng phải linh hoạt, khéo léo...


Lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam trò chuyện với các nhà báo về việc thực hiện Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.

- Tuy nhiên, mạng xã hội là con dao hai lưỡi: Bên cạnh mặt tích cực có rất nhiều điểm hạn chế. Theo ông, phóng viên hiện nay cần sử dụng mạng xã hội như thế nào để được gọi là thông minh?

+ Bên cạnh những tác động tích cực, mạng xã hội cũng có không ít ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống báo chí, đặc biệt những tờ báo gánh vác nhiệm vụ chính trị, định hướng người đọc. Báo chí thời đại công nghệ có nhiều điều kiện để phát triển nhưng cũng chịu nhiều thách thức từ mạng xã hội  và sự phát triển của công nghệ.

Thông tin nhiều chiều trên mạng nhưng không dễ sàng lọc và kiểm chứng. Điều kiện làm việc tốt hơn nhưng cũng dễ tạo cảm giác chủ quan và có thể gây ra những bệnh nghề nghiệp khó lường. Các nhà báo khi tham gia mạng xã hội phải định hướng được thông tin. Bởi, mỗi bài viết của nhà báo sẽ có tác động định hướng thông tin đối với rất nhiều người và nếu không định hướng đúng sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy, nhiễu thông tin. Điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của chính bản thân người làm báo và cơ quan báo chí.


Buổi giao lưu tọa đàm "Nhà báo 4.0".

 - Bày tỏ quan điểm trên diễn đàn mạng xã hội là quyền của mỗi người trong đó có người làm báo. Vậy phải làm sao để vừa có thể sử dụng mạng xã hội mà không vi phạm đạo đức người làm báo, những chuẩn mực xã hội cũng như những quy định của pháp luật?

+ Vai trò của nhà báo tham gia mạng xã hội trước hết cũng như người dân bình thường, sau đó là với tư cách nhà báo thì dù có dùng nick name hay tên thật của chính mình thì với tư cách là nhà báo lại càng phải có tính chuyên nghiệp, trách nhiệm và chuẩn mực.

Từ đó, sẽ góp phần để hoạt động báo chí ngày càng được tốt hơn và góp phần định hướng dư luận xã hội, tăng cường được hơn trách nhiệm của mỗi nhà báo khi tham gia mạng xã hội cũng như các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí...



Sinh hoạt chi hội nhà báo là diễn đàn để các hội viên nhà báo trao đổi, thảo luận về việc thực hiện Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.

- Thẳng thắn mà nói, trong thời gian qua còn có một số trường hợp hội viên có những phát ngôn chưa đúng chuẩn mực trên mạng xã hội. Hội sẽ có sự chấn chỉnh như thế nào trong thời gian tới?

+ Gần đây, Hội Nhà báo tỉnh đã phải tiến hành kỉ luật 3 trường hợp hội viên nhà báo vi phạm Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, trong đó có 2 trường hợp vi phạm Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo. Nguyên nhân là do hội viên chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của việc đưa những thông tin, hình ảnh thiếu chuẩn mực lên tài khoản mạng xã hội của cá nhân.

Để xảy ra tình trạng trên, có phần trách nhiệm của các cấp hội thuộc Hội Nhà báo tỉnh là đã chưa tuyên truyền, phổ biến, giáo dục hiệu quả đến hội viên những nội dung trong Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo, Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.

Thời gian tới, Hội Nhà báo tỉnh sẽ chú trọng hơn công việc này. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc hội viên trong thực hiện những quy định nêu trên của Hội Nhà báo Việt Nam.

- Cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!


Theo 
Phạm Học (Thực hiện)Nguồn (http://baoquangninh.com.vn/)

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: