Videos


Xem thêm >>


Thư viện ảnh


Xem thêm >>


LIÊN KẾT



Hồ Chí Minh - Người yêu thương tất cả, chỉ quên mình
Thứ hai, ngày 11 Tháng 5 năm 2020 lúc 00:00

Thương yêu con người là một trong những đức tính vô cùng cao quý của Bác Hồ. Tình yêu thương lớn lao ấy được thể hiện qua từng lời nói, việc làm trong cuộc đời của Người.

 
Bác Hồ chia kẹo cho thiếu nhi thị xã Cao Bằng trong chuyến thăm tỉnh Cao Bằng ngày 21/2/1961. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Tình yêu thương con người của Bác Hồ đồng nghĩa với tình thương dành cho các dân tộc bị xích xiềng của bọn thực dân đế quốc. Người không chỉ cảm thông mà còn chỉ dẫn cho họ biết tự mình vùng lên cởi ách nô lệ, giành độc, tự do.

Những việc làm thương người, thương dân của Bác không kể sao cho hết được.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nước ta phải trải qua nạn đói khủng khiếp do thực dân, đế quốc gây ra. Trong tình hình khó khăn ấy, Hồ Chủ tịch phát động nhân dân tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Còn bản thân Bác, cứ 10 ngày nhịn ăn 1 bữa để góp gạo vào hũ gạo tiết kiệm cùng nhân dân cứu đói.

Đi Chiến dịch Biên giới năm 1950, Người không cưỡi ngựa mà cùng đi bộ với cán bộ, chiến sĩ, để ngựa thồ hành lí, đạn dược đỡ nặng vai cho bộ đội. Có lần khi đến thăm trại tù binh, do trời đang rét, Bác đã cho viên quan ba thầy thuốc của quân đội Pháp chiếc áo khoác của mình...

Giữa bề bộn công việc của đất nước, Bác không quên các em nhỏ, trong đó có những em bé bán báo, đánh giày, không quên các cụ già… Người còn gửi thiếp chúc Tết, thư mừng sinh nhật bè bạn gần xa; chia vui với niềm vui của đồng bào, đồng chí… Niềm vui của Người chỉ trọn vẹn khi đất nước được độc lập, tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.

Thật hiếm có vị lãnh tụ nào lại có tình thương mênh mông, dành cho bao số phận, mọi kiếp người... như Bác.

Về tình yêu thương con người bao la ấy của Bác Hồ, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Trong đời hoạt động cách mạng cũng như trong đời sống hằng ngày, Hồ Chủ tịch đối xử với mọi người luôn có lí, có tình. Bác Hồ muôn vàn yêu thương đối với đồng chí, đồng bào. Trong tình yêu đó, có chỗ cho mọi người, không quên sót một ai và sắp xếp cho mỗi người vị trí chiến đấu, cũng như lo lắng chu đáo cho mỗi người việc làm, đời sống và học tập, vừa nghiêm khắc đòi hỏi, vừa thương yêu dìu dắt... Đối với kẻ lầm đường lạc lối, lòng Hồ Chủ tịch còn rộng hơn biển cả, Người dạy phải khoan hồng, vui mừng đón rước những đứa con vì cảnh ngộ mà lạc bầy…”.

Trong bài thơ “Theo chân Bác” viết tháng 1/1970, một trong những bài thơ hay nhất viết về Bác, cũng là một trong những bài thơ hay nhất của tác giả, nhà thơ Tố Hữu đã nói giúp chúng ta lời ca ngợi-biết ơn tình yêu thương của Bác: “Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta/Thương cuộc đời chung thương cỏ hoa/Chỉ biết quên mình cho hết thảy/Như dòng sông chảy nặng phù sa”…

Năm 1912, Bác Hồ tới thành phố New York, nước Mỹ, vừa  kiếm sống vừa nghiên cứu lịch sử xã hội Mỹ. Thời gian này, Người tranh thủ đến tham quan tượng Thần Tự do.

Trong cuốn sổ ghi cảm tưởng, các chính khách đều ca ngợi ngôi sao tỏa sáng trên vòng nguyệt quế là ánh sáng tự do. Duy có Bác nhìn xuống chân tượng và ghi: “Ánh sáng trên đầu Thần Tự do tỏa rộng khắp trời xanh, còn dưới chân tượng Thần Tự do thì người da đen đang bị chà đạp; số phận người phụ nữ cũng vậy. Bao giờ người da đen được bình đẳng với người da trắng? Bao giờ có sự bình đẳng giữa các dân tộc? Và bao giờ người phụ nữ được bình đẳng với nam giới?”.

Đọc những dòng này, nhà Sử học người Mỹ Josephine Stenson viết: “... Hồ Chí Minh là người bình thường; sống hòa đồng trong cuộc sống của xã hội. Người thương yêu tất cả, chỉ quên mình. Hồ Chí Minh mãi mãi là tấm gương sáng về nhân cách một con người thời đại cho mọi thế hệ tiếp sau”.

Theo Chinhphu.vn/ nguồn: (baoquangninh.com.vn)



Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: