Đồng hành cùng doanh nghiệp
Cổng dịch vụ công quốc gia hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do... |
Đất và người Quảng Ninh
Nhớ nhà báo Nguyễn Huy Trợ |
Thứ ba, ngày 16 Tháng 2 năm 2021 lúc 13:00 |
Lời Ban Biên tập: Nhà báo Nguyễn Huy Trợ sinh năm 1927, nguyên quán: Xã Nam Hồng, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương; trú tại tổ 4, khu 5, phường Yết Kiêu, thành phố Hạ Long. Trước khi làm báo, ông đã sớm giác ngộ và tham gia cách mạng từ những ngày trước Cách mạng tháng Tám thành công (1945). Nhà báo Nguyễn Huy Trợ là Thư ký (sau này gọi là Chủ tịch) Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh khoá I, nhiệm kỳ 1984 - 1989. Ông là Tổng biên tập Báo Quảng Ninh giai đoạn 1972 - 1988. Do tuổi cao sức yếu, ngày 14/1/2021, nhà báo Nguyễn Huy Trợ đã chia xa chúng ta. 95 năm tuổi đời, 75 năm tuổi Đảng, nhà báo Nguyễn Huy Trợ luôn hết mình vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta; ông có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp phát triển báo chí và công tác Hội Nhà báo ở Vùng mỏ Quảng Ninh. Những năm gần đây, tuy tuổi cao và sức không còn khoẻ, nhưng ông miệt mài viết, thường xuyên gửi thư đóng góp ý kiến đối với Hội Nhà báo và các cơ quan báo chí ở tỉnh; viết bài để đăng trên Báo Quảng Ninh, trên đặc san Người làm báo Quảng Ninh. Vào dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ông đã làm bài thi tìm hiểu dày trên 500 trang và đạt giải ở cuộc thi cấp tỉnh. Những ngày cuối năm 2020, tuy sức yếu nhưng ông vẫn cố gắng viết và gửi các bản thảo đến cho Hội Nhà báo tỉnh. Đặc san NGƯỜI LÀM BÁO QUẢNG NINH số xuân Tân Sửu 2021 giới thiệu cùng bạn đọc một trong những bài viết cuối cùng của ông gửi đến Hội Nhà báo tỉnh. Nhà báo Nguyễn Huy Trợ cùng các hội viên nhà báo trẻ thăm ngôi nhà từng là “trụ sở” của báo Than, tờ báo bí mật tuyên truyền cách mạng của Chi bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội vùng Cẩm Phả - Cửa Ông, xuất bản những năm 1928 - 1929. Ngôi nhà này hiện ở phố Quang Trung, phường Cẩm Đông, TP Cẩm Phả. “Tôi sinh ra ở một vùng quê Nam Hồng, là một trong hai trung tâm cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa ở huyện Nam Sách là xã Nam Hồng và xã Hợp Tiến. Xã Nam Hồng có đồng chí Đỗ Huy Liên và vợ là Nguyễn Thị Mai đều là sinh viên đại học tham gia cách mạng, vào Thanh niên Cách mạng đồng chí hội từ năm 1928 - 1929, đã từng đi vô sản hóa để vận động quần chúng, tổ chức cơ sở cách mạng ở vùng mỏ Quảng Ninh. Đồng chí Nguyễn Thị Mai còn là người in tờ báo Than từ năm 1928 - 1930 ở vùng mỏ Cẩm Phả, Cửa Ông và Mạo Khê, Vàng Danh, Uông Bí (cùng với đồng chí Đặng Châu Tuệ). Đồng chí Đỗ Huy Liêm bị địch bắt, đầy ra côn Đảo, thời kỳ bình dân 1936 - 1939 đồng chí Liêm được tha về quản thúc ở địa phương. Tôi là học sinh cùng ở đội hướng đạo sinh với em anh Liêm là Đỗ Huy Thiện và em họ là Nguyễn Sĩ Báo. Đồng chí Thiện sau này là Trung đội trưởng Vệ quốc đoàn, hy sinh trong trận chiến đấu với quân Pháp ở Nhà hát lớn Hải Phòng. Đồng chí Báo sau là Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, Tông cục trưởng Tổng cục Thống kê. Ở xóm tôi còn có đồng chí Nguyễn Duy Nhiễm bị bắt đi tù ở nhà tù Hỏa Lò - Hà Nội, thời kỳ này cũng được tha về địa phương. Thời gian này tôi thường lui tới chỗ các anh Liêm, Thiện, Báo, được các anh cho mượn cuốn Chủ nghĩa Mác của Hải Triều và quyển Vấn đề chính đảng, tôi đọc say mê và thuộc lòng những luận thuyết phủ định của phủ định (quả trứng - con gà, hạt thóc - cây lúa) và rất tin tưởng ở sự thành công của cách mạng, mong muốn được vào Đảng cách mạng. Ít tháng sau tôi được anh Nhiễm và anh Báo lúc đó là Trưởng phòng Liêm phóng huyện (công an) và Bí thư Huyện ủy giới thiệu, được kết nạp đảng ở cơ quan Huyện ủy (thời kỳ đó Đảng đổi tên là Đảng Lao động Việt Nam, sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam) vào khoảng 2 giờ chiều ngày 11/9/1946. Nhớ lại Cách mạng tháng 8/1945 thành công, tôi được cử làm xã đội trưởng Dân quân, Bí thư Thanh niên cứu quốc, rồi Bí thư Việt Minh xã. Thời điểm này ở xã tôi, bọn Việt quốc hoạt động khá mạnh, tranh thủ những gia đình tầng lớp trên và số thanh niên bất mãn. Trong một cuộc biểu tình đi lên huyện để hưởng ứng Hiệp định 06/3/1946, đoạn đầu đoàn biểu tình chúng tôi hộ khẩu hiệu “Ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh” thì đoạn cuối của cuộc biểu tình bọn Việt quốc hô khẩu hiệu “Ủng hộ Phó chủ tịch Nguyễn Hải Thần” (là tên cầm đầu Việt quốc theo 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch và quân Nhật, định cướp lại chính quyền của ta). Lúc này, tôi rất tự hào về Đảng ta, một chính đảng cách mạng được dân tin, dân ủng hộ. Tôi được bầu là Bí thư Thanh niên cứu quốc huyện, sau tham gia Huyện ủy làm Trưởng Ban Tuyên huấn kiêm Trưởng phòng Thông tin, rồi Phó trưởng Ty Thông tin liên tỉnh Quảng Hồng. Khi tách tỉnh lập Đặc khu mỏ Hồng Gai, tôi được đề bạt làm Trưởng ty Thông tin Đặc khu Hồng Gai, sau đó được điều xuống huyện Cẩm Phả (gồm cả đảo Cô Tô), tôi đã làm tốt công tác xây dựng Đảng. Từ một chi bộ, sau hai năm các xã đều có chi bộ hoạt động tốt, sản xuất và chiến đấu có nhiều thành tích. Tôi được bầu làm Bí thư đầu tiên Huyện ủy Cẩm Phả, nay là huyện Vân Đồn. Sở dĩ tôi được điều về Huyện ủy Cẩm Phả vì xét lý lịch tôi đã được học lớp đào tạo cán bộ hậu địch của liên tỉnh do đồng chí Trần Quốc Thảo, sau này được Trung ương điều vào làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn, một cán bộ lão thành có nhiều kinh nghiệm giảng bài về hoạt động hậu địch. Cuối lớp học trên, sát hạch tôi lại được chọn là học viên xuất sắc nhất của lớp. Sau thời kỳ ở Cẩm Phả, tôi được điều về làm Chánh Văn phòng Đặc khu ủy Hòn Gai. Sau 1953, tôi bị nghi vấn về vụ tên gián điệp tên Tâm. Lúc đó tôi đã bàn giao xong với đồng chí Công xuống thay tôi, thì có vụ tên Tâm đến gặp Huyện ủy. Mưa rét, đồng chí Công ngại xuống núi, nhờ tôi - lúc đó còn chờ bên giao thông đi gặp hộ. Gặp tên Tâm, y khoe học trường hải quân cạnh sông Lô, vùng rất nhiều chuối. Tôi hỏi về căn cứ Đặc khu và đường xuống huyện, y nói sai hết... Tôi không tin y, không trả lời những điều y hỏi. Báo lại việc trên với đồng chí Công, tôi đề nghị nên giao công an đưa y về Đặc khu. Đồng chí Công không nghe tôi và cứ để y đi với giao thông về Đặc khu. Về trạm giao thông xã Đoàn Kết, y trốn ra căn cứ địch ở Vạn Hoa, sau đó đưa địch về càn quét. Tôi đi học tập cải tạo dài hạn ở Trường Nguyễn Ái Quốc phân hiệu II, đến giữa năm 1954 thì được xác minh, minh oan. Khi đó, vì rất ức, nghĩ mình như hòn máu đẻ rơi, tôi sinh ra ốm yếu. Hòa bình lập lại, tôi được Ban Tổ chức Trung ương cho đi chữa bệnh ở Quân khu Trung Nam, Trung Quốc. Sau đó, về Văn phòng khu vực Hồng Quảng, rồi được đề bạt Phó thường trực Ban Tuyên giáo khu vực và phụ trách Báo Vùng mỏ một thời gian. Sau khi hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh (năm 1963), tôi trở thành Phó ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Ninh. Chiến tranh chống Mỹ nổ ra, nội bộ Báo Quảng Ninh mâu thuẫn, Chi bộ Báo kiến nghị với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh điều lại tôi về phụ trách Báo Quảng Ninh, sau đó làm Tổng biên tập Báo Quảng Ninh đến khi về hưu (đầu năm 1988). Con cái tôi sau đó cũng được Đảng quan tâm, đào tạo thành cán bộ. Nhà báo Nguyễn Huy Trợ phát biểu tại Kỷ niệm 90 năm ra đời Báo Than, tháng 11.2018. Hơn 70 năm được Đảng đào tạo, giáo dục, rèn luyện, có lúc tuy bị nghi oan nhưng tôi nghĩ ở hoàn cảnh ấy nếu mình là lãnh đạo cũng phải xử lý như vậy. Nghĩ đến công ơn của Đảng, nghĩ đến sự che chở đùm bọc của nhân dân, tôi vô cùng xúc động”. Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|