Videos


Xem thêm >>


Thư viện ảnh


Xem thêm >>


LIÊN KẾT



Bí thư đầu tiên của Liên Tỉnh ủy Quảng Hồng
Chủ nhật, ngày 18 Tháng 8 năm 2019 lúc 00:00

Đồng chí Nguyễn Công Hòa, Bí thư đầu tiên của Liên Tỉnh ủy Quảng Hồng, được ví như cây đại thụ của cách mạng Việt Nam, người có nhiều công lao với Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống Pháp ở vùng đất Quảng Ninh.
Đồng chí Nguyễn Công Hòa, tên thật là Nguyễn Hữu Túc, sinh năm 1907, quê gốc ở xã Phù Nội, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Đồng chí Nguyễn Công Hòa tham gia Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội từ năm 1926 ở Hải Phòng. Chàng thanh niên Nguyễn Công Hòa ra Đất mỏ hoạt động cách mạng từ năm 22 tuổi ở mỏ than Vàng Danh. Năm 1930, khi các tổ chức Đảng sáp nhập thành Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí được kết nạp vào Đảng và được giao nhiệm vụ về đặc khu Hòn Gai xây dựng cơ sở cách mạng. Sau đó, đồng chí được điều về đặc khu Hòn Gai tham gia Khu ủy đặc khu Hòn Gai cùng đồng chí Vũ Văn Hiếu, Bí thư đầu tiên của Đặc khu ủy Khu mỏ. 

Trong những năm tháng hoạt động cách mạng ở Quảng Ninh, đồng chí Nguyễn Công Hòa đã từng làm phu mỏ, nhặt than, đội đá... Thực hiện đường lối của Trung ương, ông đã lãnh đạo nhân dân và công nhân lao động đặc khu tổ chức nhiều phong trào cách mạng đấu tranh giành độc lập dân tộc. Sau đó, đồng chí Nguyễn Công Hòa cùng bị bắt với đồng chí Vũ Văn Hiếu và bị đầy ra nhà tù Côn Đảo.

Năm 1936 sau khi ra tù, đồng chí Nguyễn Công Hòa được điều về làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Sau đó, đồng chí sang Hòn Gai là người phụ trách chỉ đạo cuộc treo cờ trên đỉnh núi Bài Thơ ngày 1/5/1930. Lá cờ đỏ búa liềm bay phấp phới trên núi Bài Thơ đã tạo nên niềm tin, tạo nên sức mạnh tinh thần mãnh liệt của nhân dân trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Đồng chí Nguyễn Công Hòa tiếp tục được trung ương giao cho chỉ đạo cuộc tổng bãi công năm 1936 của công nhân mỏ.

Trong hồi ký của mình, cụ Nguyễn Công Hòa kể lại: “Địa bàn Vùng mỏ không có gì xa lạ với tôi. Tôi biết đây là vùng đất có địa hình phức tạp, núi rừng, sông biển mênh mông, giáp biên giới Việt - Trung. Khi Bác Hồ giao nhiệm vụ cho tôi, Người đã hỏi: Chú Hòa có ý kiến gì không? Tôi thưa với Bác, Vùng mỏ rất khó khăn, nhất là thiếu cán bộ, mong Trung ương giúp đỡ. Bác Hồ đồng ý và giao cho đồng chí phụ trách công tác tổ chức đáp ứng yêu cầu của tôi”.

Khi giặc Pháp lăm le xâm lược nước ta năm 1946, đồng chí Nguyễn Công Hoà là xứ ủy viên Bắc kỳ được Trung ương phân công phụ trách ba tỉnh Quảng Yên, Hồng Gai, Hải Ninh. Đồng chí đã chỉ đạo quân dân ba tỉnh đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đạt nhiều thành tích. Khi Trung ương hợp nhất tỉnh Quảng Yên và đặc khu Hồng Gai thành liên tỉnh Quảng Hồng đồng chí được chỉ định làm Bí thư đầu tiên của Liên Tỉnh ủy Quảng Hồng vẫn phụ trách cả liên tỉnh Quảng Hồng và tỉnh Hải Ninh. 


Đồng chí Nguyễn Công Hòa phát biểu tại một lễ kỷ niệm ở Quảng Ninh năm 2005. Ảnh tư liệu của Ban Liên lạc những người kháng chiến Quảng Hồng Hải.
Khi đó, đồng chí Nguyễn Công Hòa đã khôn khéo thông qua những người là lý trưởng nay đang làm cơ sở cho ta ở Đông Triều và Uông Bí để tiếp cận được tên trùm thổ phỉ Nghiêm Cảnh Đông và đã cảm phục được trùm thổ phỉ, cấp ngựa, súng và tiền cho hắn đi khắp vùng Đông Bắc để thuyết phục các nhóm thổ phỉ khác hợp tác với quân cách mạng của ta. Nhờ đó, đồng chí Nguyễn Công Hòa đã tập trung được toàn bộ bọn thổ phỉ vào doanh trại, vô hiệu hóa chúng để chúng không cướp bóc quấy nhiễu nhân dân và lực lượng kháng chiến của ta hoàn toàn yên tâm dồn sức chống Pháp.


Đồng chí Nguyễn Công Hòa phát biểu ở Quảng Ninh năm 1998. Ảnh tư liệu của Ban Liên lạc những người kháng chiến Quảng Hồng Hải.

Cuối năm 1949, đồng chí Nguyễn Công Hòa được điều về Tổng Công đoàn làm Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Công đoàn 40 năm. Đồng chí Nguyễn Công Hòa tham gia đại biểu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Ủy viên Thường vụ Quốc hội nhiều khóa, Ủy viên Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng. Với những thành tích đó, đồng chí đã được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều Huân chương cao quý khác.

Đồng chí Nguyễn Công Hòa qua đời năm 2012, hưởng thọ 105 tuổi với 82 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng. Thành phố Hải Phòng đã đặt cho một con đường ở quận Lê Chân mang tên cụ Nguyễn Công Hòa. Ông Vũ Cẩm, Trưởng Ban Liên lạc những người kháng chiến Quảng Hồng Hải, đề xuất: Đồng chí Nguyễn Công Hòa có đóng góp rất to lớn cho cách mạng ở Quảng Ninh. Quảng Ninh nên có con đường mang tên đồng chí Nguyễn Công Hòa để ghi nhận công lao của đồng chí.

Theo: Phạm Học (baoquangninh.com.vn)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: