Videos


Xem thêm >>


Thư viện ảnh


Xem thêm >>


LIÊN KẾT



Nhà thơ, nhà báo Như Mai
Thứ năm, ngày 22 Tháng 6 năm 2023 lúc 00:00

Vừa sắc sảo, tỉnh táo nhưng cũng rất ngẫu hứng, tưởng chừng có 2 con người đối lập trong Như Mai khi xuất hiện với 2 vai trò nhà thơ và nhà báo.

Cố nhà báo Như Mai.
Cố nhà báo Như Mai.

Nhà thơ - nhà báo Như Mai tên thật là Ngô Huy Bỉnh, quê gốc ở Hưng Yên, sinh năm 1924 tại Hải Phòng, lớn lên và học tập ở Hà Nội. Như Mai hoạt động cách mạng từ khi mới 20 tuổi, phụ trách Thanh niên cứu quốc Liên khu 2, làm báo Cứu quốc. Bút danh Như Mai là tên ghép hai người yêu, một người sau này là vợ của cụ. Như Mai làm báo thời đó thường viết tạp văn. Ông thừa hưởng lối tạp văn nhạy bén của cụ thân sinh. Cụ thân sinh của ông là Ngô Huy Văn (nguyên Cục phó Cục Bưu điện) thường kí bút danh là Chu Thượng trên báo “Trung Bắc tân văn” thời Pháp thuộc. Có thời gian, nhà báo Như Mai lấy lại bút danh Chu Thượng trong mục “Truyện cổ tân trang” của báo Lao Động.

Sau hòa bình lập lại, Như Mai công tác tại Sở Báo chí. Năm 1956, Trung ương tổ chức một trại sáng tác tại Hà Nội, viết về thành công của cải cách ruộng đất, ông đã tham dự và Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm... cũng có mặt ở trại viết này. Bỗng một hôm, đọc xã luận báo Nhân dân, thấy báo phê phán lối sáng tác máy móc, rập khuôn, ông viết luôn truyện “Thi sĩ máy”. Trên báo "Nhân văn” số 5 - số cuối cùng, ông đã đăng truyện ngắn Thi sĩ máy lấy bút danh Châm Văn Biếm, đả kích lối văn chương rập khuôn, máy móc, nhạt nhẽo và vô bổ.

Nhà báo Hoàng Quốc Hải và cố nhà báo Như Mai.
Nhà báo Hoàng Quốc Hải và cố nhà báo Như Mai.

Từ năm 1958, Như Mai về công tác ở Báo Vùng Mỏ (sau này là Báo Quảng Ninh) làm Tổ trưởng Tổ Công nghiệp, rồi Thư ký toà soạn. Năm 1987, nhà báo Như Mai nghỉ hưu và sau đó làm cộng tác biên tập cho Báo Hạ Long. Tờ báo Văn nghệ Hạ Long do nhà thơ Như Mai làm thư ký tòa soạn đã ngày một được bạn đọc mến mộ.

Điều đó có được phần lớn nhờ tài nghệ lão luyện của nhà báo Như Mai, người làm báo mực thước, giỏi nghề, cẩn trọng và đấu tranh quyết liệt với tiêu cực bằng văn nghệ. Vẫn là lối phê bình kiểu văn nghệ với những bút danh như Máy Gạt hay Châm Văn Biếm, Như Mai đã làm cho Báo Hạ Long tăng cường tính phản biện, phê phán cái xấu, cái lạc hậu, đấu tranh chống tiêu cực. Thời Như Mai, báo đã đăng những truyện ngắn như “Đầm ma” của Trần Quang Vinh; có những chuyên mục thường kỳ về châm biếm đả kích như “Lão Khựng”.

Nhờ vậy, Báo Hạ Long lúc đó được bạn đọc mến mộ chào đón mỗi khi xuất bản. Báo chưa ra người ta đã đón đợi để được mua đọc nốt bài đã đăng kỳ trước, đọc xem chuyên mục này số này ai viết, viết bài gì; đọc vì có người rỉ tai trước rằng số này có bài đấy, bài nọ... Nhiều bạn đọc thành fan hâm hộ của Báo Hạ Long. Báo bán chạy như tôm tươi, không riêng gì giới văn nghệ sĩ đọc báo mà công chúng xã hội cũng tìm đọc. Nhắc đến Như Mai và thời làm báo Hạ Long 1 kỳ/tháng để liên hệ đến hôm nay khi đã nâng báo lên hai kỳ/tháng thật sự là mốc quan trọng trong sự phát triển của Báo Hạ Long.

Ngoài vai trò nhà báo, Như Mai còn được bạn đọc biết đến với tư cách nhà thơ. Thơ Như Mai mang nặng tâm sự thời thế. Nhưng còn một mảng thơ khác là thơ tình mới đúng chất Như Mai, một giọng điệu thơ thiết tha, xúc động, ngẫu hứng tuôn trào theo dòng cảm xúc. Cả đời ông làm thơ nhiều nhưng chỉ xuất bản duy nhất một tập thơ lấy tên là “Ngẫu hứng”.

Ghi nhận những đóng góp cho quê hương, đất nước và sự nghiệp báo chí, nhà báo, nhà thơ Như Mai đã vinh dự được tặng nhiều phần thưởng cao quý, như: Huy chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Kỷ niệm chương tham gia Tổng khởi nghĩa giành chính quyền và nhiều bằng khen vì sự nghiệp báo chí, sự nghiệp văn học nghệ thuật. Năm 2020, ông từ giã cõi thế, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho đồng nghiệp và bạn đọc yêu mến văn chương, báo chí.

Theo: Huỳnh Đăng ; Nguồn: quangninh.gov.vn