(CLO) Văn hóa Quảng Ninh là nơi hội tụ, giao thoa của nền văn minh sông Hồng với văn hóa vùng Đông Bắc.
Hội tụ và giao thoa...
Tại một hội thảo do tỉnh Quảng Ninh tổ chức mới đây, các học giả đều thống nhất cao về 6 thành tố của hệ giá trị tỉnh Quảng Ninh, gồm: Thiên nhiên tươi đẹp - văn hóa đặc sắc - xã hội văn minh - hành chính minh bạch - kinh tế phát triển - nhân dân hạnh phúc.
Các nhà nghiên cứu cũng rất tâm đắc với nhận định của người đứng đầu tỉnh, rằng: Quảng Ninh là một vùng đất giàu trầm tích và bản sắc văn hóa, nơi có sự giao thoa, hội tụ, thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng; văn hóa biển; văn hóa công nhân mỏ; văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc; văn hóa Phật giáoTrúc Lâm Yên Tử. Văn hóa Quảng Ninh là nơi hội tụ, giao thoa của nền văn minh sông Hồng với văn hóa vùng Đông Bắc.
Nhận định như vậy là bởi vì, trong suốt chiều dài lịch sử, các thế hệ người dân Quảng Ninh đã quần tụ trên dải đất địa đầu Tổ quốc. Chủ nhân của vùng đất này, ngoài cư dân tại chỗ, còn có những người làm nghề nông, lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến từ Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Thanh Hóa, Bắc Giang, Lạng Sơn...rồi định cư, lập nghiệp. Một số định cư, lập làng ở Quảng Yên, Đông Triều gắn với nghề nông, nghề thủ công; một số lại tụ cư ở các vùng ven biển và những hòn đảo ở Vân Đồn, Quan Lạn, Cô Tô... gắn với nghề chài lưới. Những cư dân này mang đến Quảng Ninh những phong tục, tập quán của cư dân đồng bằng sông Hồng.
Thêm vào đó, văn hóa biển của Quảng Ninh hình thành từ thời tiền sử, phát triển rực rỡ và đỉnh cao thời kỳ Văn hóa Hạ Long; sau đó thời kỳ hình thành và phát triển của thương cảng quốc tế Vân Đồn. Cư dân cổ thời Văn hóa Hạ Long đã phát huy nội lực, đứng vững trên cơ tầng văn hoá biển, phát huy thế mạnh của cư dân sông nước và tranh thủ thành tựu của cư dân đồng bằng, giao lưu, trao đổi ngang dọc với các trung tâm văn hóa lớn trong khu vực; thường xuyên thâu nhận, hội giao văn hóa với các quốc gia cũng có truyền thống khai thác biển và sống dựa vào biển.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà và TS Lê Hải (Tạp chí Cộng sản) cho rằng: Bản sắc văn hóa biển Quảng Ninh được dần định hình cùng sự phát triển của thương cảng quốc tế Vân Đồn, nhất là khi Vân Đồn trở thành một mắt xích của mạng lưới thương mại của khu vực Đông Nam Á nói riêng, châu Á nói chung. Đặc tính văn hóa biển ảnh hưởng và hình thành nên nhiều giá trị trong tính cách, phẩm chất con người Quảng Ninh, cùng những bản sắc riêng có của văn hóa Quảng Ninh.
Ngoài ra, Văn hóa công nhân mỏ - văn hóa riêng có và cũng là bản sắc đặc trưng nhất của Quảng Ninh. PGS. TS Phạm Duy Đức (Viện Văn hóa và Phát triển) khẳng định rằng: Văn hóa Quảng Ninh còn có đặc trưng mang bản sắc riêng của “văn hóa công nhân mỏ” được hình thành và phát triển gần 150 năm nay, gắn liền với quá trình đấu tranh anh dũng, kiên cường của dân tộc trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược và những thành tựu trong xây dựng đất nước, góp phần làm nên những đặc trưng của văn hóa Quảng Ninh hiện nay.
Theo đó, Văn hóa “kỷ luật và đồng tâm” được hình thành từ giữa thế kỷ XIX khi người Việt Nam bắt đầu bổ nhát cuốc đầu tiên khai thác mỏ than tại núi Yên Lãng (Đông Triều) theo chỉ dụ của vua Minh Mạng. Cùng với quá trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp ở vùng Đông Bắc, lực lượng công nhân mỏ được hình thành và phát triển ngày càng đông đảo. Đội ngũ công nhân xuất thân từ nhiều vùng miền khác nhau, sống đoàn kết, quần tụ thành các xóm thợ, lán thợ, làng công nhân, khu phố thợ... Trong quá trình lao động, sản xuất hầm lò, nhất là đấu tranh cách mạng chống lại ách áp bức hà khắc của thực dân và tay sai, công nhân mỏ đã đoàn kết, đồng tâm thành một khối thống nhất để cộng hưởng sức mạnh đấu tranh.
Từ khi Đảng ta ra đời, đoàn kết thống nhất là một nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nên phẩm chất đó càng được rèn giũa, phát huy, nâng lên tầm cao mới. Hơn nữa, giai cấp công nhân là giai cấp có ý thức tổ chức kỷ luật cao; sản xuất công nghiệp theo dây chuyền, mang tính chuyên môn hoá nên bắt buộc người lao động phải rèn tính kỷ luật, tuân thủ tuyệt đối kỷ luật lao động và kỷ luật tổ chức. Đặc biệt, trong quá trình đấu tranh cách mạng, đội ngũ công nhân mỏ sớm giác ngộ được sứ mệnh lịch sử, kết thành một khối vững chắc, hình thành nên giá trị cốt lõi của tinh thần kỷ luật và đồng tâm trong cuộc Tổng đình công tháng 11-1936... Như vậy, kỷ luật và đồng tâm là phẩm cách văn hóa Quảng Ninh ra đời từ văn hóa truyền thống và từ đời sống công nghiệp hiện đại, mà Quảng Ninh vốn là cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam.
Không chỉ vậy, Văn hóa Quảng Ninh còn là sự kết tinh của tinh thần nhân văn, nhân nghĩa, nhân tình cao đẹp của dân tộc Việt Nam với tinh thần từ, bi, hỷ, xả, bao dung của tư tưởng Phật giáo. Như GS, TS Nguyễn Văn Kim trong cuốn “Việt Nam trong các mối quan hệ khu vực và quốc tế” đã viết: Nhà Trần sau khi dựa vào Phật giáo để kháng chiến, với tầm nhìn xa, trông rộng đã tiếp tục mở rộng, lan tỏa và củng cố Phật giáo trong đời sống tâm linh của cư dân Đại Việt. Những người anh hùng của ba cuộc kháng chiến đã cho lập một trung tâm Phật giáo lớn ở vùng núi cao Yên Tử để thể hiện hào khí của dân tộc, kết tụ xã hội và xoa dịu nỗi đau chiến tranh của người dân, đồng thời mở ra một kênh đối thoại và giao lưu văn hóa với các quốc gia trong khu vực.
Có thể thấy, bên cạnh những giá trị văn hóa đặc trưng, Quảng Ninh còn được thừa hưởng nhiều giá trị văn hóa Phật giáo của vùng đất vốn là phát tích Thiền phái Trúc Lâm, nơi Đức vua Trần Nhân Tông cách đây hơn 700 năm sau khi đánh thắng giặc ngoại xâm giữ yên bờ cõi đã nhường ngôi cho con, từ bỏ vinh hoa phú quý, cung vàng điện ngọc để đến với nơi non thiêng và hóa Phật - một sự kiện chưa từng có trong lịch sử chính trị, văn hóa thế giới.
Văn hóa Quảng Ninh mang đậm văn hóa Phật giáo Thiền phái Trúc Lâm - Yên Tử và đến lượt mình, văn hóa Phật giáo lại nâng tầm văn hóa Quảng Ninh, nhất là giá trị nhân ái. Với Yên Tử non thiêng, Quảng Ninh đã trở thành một trong những trung tâm văn hóa quan trọng nhất, thâm trầm nhất trong lịch sử phát triển văn hóa dân tộc, ở đó Phật giáo có tính nhập thế cao, đạo với đời hòa làm một để tỏa sáng giá trị nhân ái, bác ái yêu thương, bao dung con người.
Văn hóa Quảng Ninh còn là sự kết tinh bản sắc văn hóa dân tộc của 23 dân tộc anh em quần cư trên vùng đất Quảng Ninh, trong đó có 22 dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống thành cộng đồng ở khu vực miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa phía đông của tỉnh, trong đó các dân tộc Tày, Dao, Sán Dìu, Sán Chay, Hoa chiếm số đông. Đồng bào thuộc nhiều tộc người, nhiều địa phương, chuyển cư đến sinh cơ lập nghiệp trên vùng đất địa đầu Đông Bắc, đã gắn bó máu thịt với vùng đất đang sinh sống, hun đúc nên lòng yêu nước, yêu quê hương sâu sắc.
Phát triển văn hóa, con người trở thành nguồn lực quan trọng
Quán triệt quan điểm của Đảng về xây dựng văn hóa, con người Việt, ngày 9/3/2018, Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”. Trong đó, xác định mục tiêu là giữ gìn và phát huy bền vững bản sắc văn hóa; các giá trị di sản thiên nhiên, di sản văn hóa, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, xây dựng con người Quảng Ninh với các đặc trưng Năng động - Sáng tạo - Hào sảng - Lành mạnh - Văn minh - Thân thiện. Đặc biệt là tập trung phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển Quảng Ninh.
Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh cũng tiếp tục xác định: Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Từ đó, tập trung nhiều nguồn lực, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để tập trung thực hiện hiệu quả, thành công khâu đột phá này.
Chủ trương của Đảng bộ tỉnh đã được tiến hành nghiêm túc, thành các quy hoạch, đề án, chuyên đề cho việc phát huy bản sắc văn hóa của tỉnh trong xây dựng Quảng Ninh giàu mạnh. Đó là tỉnh đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long”; Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn; Quy định việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, và lễ hội; Bộ tiêu chí Người Quảng Ninh; Đề án bảo quản, tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.
Nhiều công trình văn hóa đạt tiêu chuẩn quốc tế gồm: Bảo tàng - Thư viện tỉnh; Công viên hoa Hạ Long; Quảng trường 30/10; Cột Đồng Hồ; Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh, Trung tâm văn hoá các dân tộc vùng Đông Bắc... Hệ thống các thiết chế văn hóa các cấp từ tỉnh tới cơ sở được đầu tư đồng bộ, tạo cơ sở vật chất thuận lợi để rút ngắn khoảng cách về tham gia và thụ hưởng văn hóa của người dân. Các thiết chế văn hóa của cấp huyện ở 13 địa phương được nâng cấp và sửa chữa, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao thôn, khu dân phố đạt 98%.
Công tác trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể được tăng cường. Đặc biệt là di sản Vịnh Hạ Long, khu Di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, khu Di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều, di tích đền Cửa Ông... Việc lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử là Di sản thế giới tiếp tục đưa Quảng Ninh trở thành địa danh nổi tiếng toàn cầu, mở ra cơ hội lớn để phát huy bản sắc văn hóa của tỉnh, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quảng bá hình ảnh văn hóa và con người Quảng Ninh ra thế giới.
Toàn tỉnh hiện có trên 600 di tích đã được kiểm kê, trên 100 di tích được xếp hạng, trong đó có 8 di tích quốc gia đặc biệt, gồm: Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều, Khu di tích danh thắng Yên Tử, Khu di tích Bạch Đằng, Vịnh Hạ Long, Khu di tích Cửa Ông – Cặp Tiên, Khu di tích Bác Hồ trên đảo Cô Tô, Đình Trà Cổ, Quần thể thương Cảng Vân Đồn. Quảng Ninh hiện là địa phương có số di tích quốc gia đặc biệt nhiều thứ hai cả nước (chỉ xếp sau Hà Nội).
Bên cạnh đó, nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể, các hoạt động văn hóa dân gian trên biển của từng vùng, từng địa phương, các làng nghề truyền thống, đặc biệt là văn hóa của các dân tộc thiểu số đã được phục dựng và phát huy, như Tục hát “đúm” trên biển làng chài Cửa Vạn; hát Nhà tơ, hát múa Cửa Đình, lễ hội Cấp sắc của dân tộc Dao, lễ Đại Phan của người Sán Dìu, lễ hội Xuống đồng, lễ hội Lồng Tồng.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh” đã đạt những kết quả quan trọng. Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đã có bước đột phá trong việc huy động các nguồn lực đầu tư cho các thiết chế văn hóa, thể thao đồng bộ, hiện đại. Công nghiệp văn hóa đã bước đầu được hình thành, xây dựng được một số sản phẩm văn hóa đặc trưng, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Tỉnh uỷ vừa tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU và sắp ban hành nghị quyết mới về phát triển văn hoá và con người Quảng Ninh. Tin rằng với sự quyết tâm của tỉnh, đời sống văn hoá và con người nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc sẽ có những khởi sắc mới, góp phần xây dựng Quảng Ninh thành tỉnh giầu đẹp như Bác Hồ từng mong muốn.