(CLO) Những ngày qua, người dân Quảng Ninh rất tự hào, phấn khởi, đón chào sự kiện 60 năm Ngày thành lập tỉnh. Tôi hiểu rằng, chỉ khi người dân được quan tâm, chăm lo phát triển toàn diện; khi họ kỳ vọng, vững tin vào cuộc sống tốt đẹp, vào tương lai tươi sáng của mình thì mới có cảm xúc như vậy.
Sự kỳ vọng, vững tin đó không chỉ bởi trong các bài phát biểu của lãnh đạo tỉnh đều khẳng định “Đích cuối của sự phát triển là Nhân dân hạnh phúc”, mà thực tiễn cuộc sống của nhân dân Quảng Ninh đang chứng minh sinh động cho điều đó.
Những công trình vì dân
Chỉ sau 4 tháng, gia đình ông Trần Quang Tĩnh, sinh năm 1949 ở thôn Đức Sơn (xã Yên Đức, TX Đông Triều) là người khuyết tật sống cùng vợ già yếu đã có một ngôi nhà mới. Hôm khánh thành, mừng tân gia, ông Trần Quang Tĩnh vui mừng chia sẻ: “Mừng lắm. Quê hương đổi mới, nhà nào cũng khá giả và những người khuyết tật như chúng tôi không bị bỏ lại phía sau. Quảng Ninh phát triển, người dân được thụ hưởng thực sự”.
Sự thụ hưởng thực sự trong suy nghĩ của ông Tĩnh có lẽ không chỉ bởi trong buổi khánh thành ấy có sự hiện diện của lãnh đạo nhiều cơ quan, đoàn thể và hàng xóm mà còn là bởi từ nay ông bà đã có ngôi nhà mới để ở, không phải lo mỗi khi mưa gió như lúc ở trong ngôi nhà dột nát trước đây; bởi ông còn được nhận nhiều món quà ý nghĩa của các đơn vị.
Không chỉ ông Tĩnh, trong dịp này đã có 441 hộ gia đình trong tỉnh được xoá nhà dột nát, được mừng sinh nhật lần thứ 60 của tỉnh trong ngôi nhà mới mà nguồn kinh phí hoàn toàn từ xã hội hoá.
Cũng những ngày qua, khắp nơi trên địa bàn tỉnh đều khánh thành các công trình chào mừng Ngày thành lập tỉnh. Trong đó, có nhiều công trình chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, chăm sóc sức khoẻ của người dân. Trường THPT Bình Liêu là một trong số các công trình đó. Công trình được xây dựng trên diện tích 2,69ha, bao gồm các hạng mục khu nhà học chính gồm 18 lớp học được đầu tư đồng bộ, đảm bảo tiêu chuẩn phòng học chất lượng cao; khu nhà học bộ môn với 12 phòng học; khu nhà hiệu bộ, nhà công vụ là phòng nghỉ cho giáo viên và học sinh; nhà đa năng, sân bóng đá… mang lại điều kiện học tập, giảng dạy, vui chơi, phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần cho học sinh và giáo viên.
Bệnh viện Lão Khoa - Phục hồi chức năng tỉnh Quảng Ninh cũng là công trình được gắn biển trong dịp này. Công trình có tổng mức đầu tư 429 tỷ đồng. Bệnh viện có công suất 320 giường bệnh, với 18 khoa, phòng chức năng và 1 xưởng sản xuất dụng cụ hỗ trợ. Bệnh viện cũng đã được đầu tư thêm nhiều trang thiết bị hiện đại, chuyên ngành, đáp ứng công tác khám và điều trị. Kể từ khi chính thức hoạt động khám chữa bệnh tại trụ sở mới đến ngày 30/9/2023, Bệnh viện đã đón 7.256 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị, trong đó 6.828 lượt bệnh nhân điều trị nội trú với 110.700 ngày giường, đạt công suất 115,5% so với kế hoạch.
Còn rất nhiều các công trình, phần việc thể hiện sự quan tâm chăm lo đời sống nhân dân được khánh thành trong dịp này. Đây là những việc làm thiết thực để hưởng ứng phong trào thi đua chào mừng ngày thành lập tỉnh, đồng thời thực hiện chủ đề công tác năm 2023 của Quảng Ninh là “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”.
Nâng cao đời sống người dân
Không chỉ những ngày này mà trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, tỉnh Quảng Ninh đều nỗ lực quan tâm chăm lo đời sống nhân dân. Dù trong những năm tháng đau thương của chiến tranh, hay những khó khăn trong công cuộc đổi mới, trong đại dịch Covid-19, tỉnh luôn thống nhất chủ trương phát triển kinh tế vì con người, gắn với tiến bộ và công bằng xã hội, chăm lo cho nhân dân bằng cách giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, làm cho đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, mọi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thụ một cách tốt nhất, đầy đủ nhất từ những thành quả của sự phát triển kinh tế mang lại.
Quan điểm rõ ràng, giải pháp cụ thể và hành động quyết liệt nên những năm gần đây, Quảng Ninh có thu nhập bình quân đầu người ở mức cao hơn hẳn so với mức trung bình của cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2022 của tỉnh đạt 8.291 USD, gấp đôi bình quân chung của cả nước, cao nhất ở khu vực phía Bắc; ước năm 2023 đạt 9.469 USD, gấp 3,9 lần so với năm 2010.
Để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa đô thị và khu vực nông thôn, miền núi, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở cả 3 cấp và về đích trước 3 năm chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Đến nay, 98/98 xã của tỉnh đạt chuẩn NTM; 56/98 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 26/98 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 13/13 địa phương cấp huyện đạt chuẩn NTM. Hết năm 2022, tỉnh Quảng Ninh cơ bản đạt các nội dung theo bộ tiêu chí quốc gia tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.
Quảng Ninh cũng thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến tích cực trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Quảng Ninh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo. Trong đó, tỉnh đã mở rộng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế, thông tin - truyền thông chất lượng cao và bảo đảm chất lượng chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Để mỗi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho các vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, yếu thế, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng miền. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành đưa điện lưới quốc gia đến 100% các thôn, bản vùng cao, biên giới và các đảo có dân cư sinh sống. Mở rộng cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Để làm được như vậy, tỉnh Quảng Ninh đã huy động mọi nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa đầu tư, phát triển giáo dục - đào tạo, đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nhanh đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ; xây dựng hệ sinh thái dân sinh hấp dẫn với những chính sách khuyến khích và hỗ trợ vượt trội, môi trường sống tốt, các dịch vụ công có chất lượng cao, nhất là chăm lo vấn đề nhà ở công nhân, lao động ngành than, các khu công nghiệp, người lao động có thu nhập thấp... để thu hút và giữ chân nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Quảng Ninh phấn đấu là một “vùng đất lành” và hạnh phúc để con người sống, làm việc, nghỉ ngơi, thụ hưởng và phát triển.
Lấy người dân là trung tâm của sự phát triển
Trong bài phát biểu kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh nhiều lần nhắc đến cụm từ "nâng cao đời sống nhân dân". Đồng chí nhấn mạnh: “Trên nền tảng và đà phát triển đã được tạo dựng, Quảng Ninh đặt mục tiêu hướng đến năm 2030 trở thành một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân… Phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP hằng năm trên 10%, GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt trên 10.000 USD, đến năm 2030 đạt 19.000 - 20.000 USD”.
Để đạt được mục tiêu nêu trên, 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà tỉnh xác định cũng đều dựa trên quan điểm người dân là trung tâm, là chủ thể, là đích đến cuối cùng của sự phát triển. Trong đó, đặt lên hàng đầu là đẩy mạnh đưa công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu, hướng trọng tâm vào chất lượng phát triển, chất lượng sống của người dân; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, niềm tin và khát vọng cống hiến thông qua các cơ chế, chính sách thiết thực, cụ thể, hấp dẫn, tác động trúng nhu cầu, lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, văn minh, lành mạnh, bảo đảm mọi người dân được hưởng cuộc sống ấm no, bình yên, hạnh phúc...
Như vậy, chuyên đề này với 6 bài gắn với các giá trị: Thiên nhiên tươi đẹp - văn hóa đặc sắc - xã hội văn minh - hành chính minh bạch - kinh tế phát triển - nhân dân hạnh phúc” là hệ giá trị hợp trội được định hình dựa trên cơ sở địa phương hóa các giá trị tốt đẹp của quốc gia - dân tộc và nhân loại, tổng hợp hóa và nâng tầm các giá trị riêng lẻ của văn hóa, con người Quảng Ninh, làm thành bản sắc, cốt cách riêng có, trở thành tầm nhìn phát triển địa phương. Đồng thời, giữa các thành tố của hệ giá trị Quảng Ninh có quan hệ khăng khít, chặt chẽ, tương hỗ, bao quát khá toàn diện trên các lĩnh vực: điều kiện tự nhiên - văn hóa - xã hội - chính trị - kinh tế - con người, trong đó “thiên nhiên tươi đẹp” là điều kiện; “văn hóa đặc sắc” là nền tảng; “xã hội văn minh” là chuẩn mực; “hành chính minh bạch” là môi trường; “kinh tế phát triển” là phương tiện và “nhân dân hạnh phúc” là mục tiêu cuối cùng hướng đến.
Đây cũng là nội hàm cốt lõi trong mục tiêu quản trị phát triển bền vững địa phương với mô hình phát triển bền vững dựa trên việc tìm kiếm sự cân bằng giữa ba yếu tố: kinh tế, xã hội và môi trường, gắn với nâng cao năng lực chống chịu, ứng phó trước các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng cực đoan hơn.
Nhìn lại 60 năm xây dựng và phát triển, định hình các giá trị phổ quát và đặc thù của hệ giá trị của tỉnh, từ đó Quảng Ninh sẽ quyết tâm cao hơn, hành động quyết liệt hơn trong việc thực hiện các mục tiêu mà Đảng bộ tỉnh đã đề ra, xây dựng Quảng Ninh - “một Việt Nam thu nhỏ” trở thành tỉnh giầu, đẹp như Bác Hồ lúc sinh thời hằng mong muốn.