Videos


Xem thêm >>


Thư viện ảnh


Xem thêm >>


LIÊN KẾT



Bài 3: Quảng Ninh: Hướng đến chuẩn mực của xã hội văn minh
Thứ năm, ngày 02 Tháng 11 năm 2023 lúc 00:00

(CLO) Nằm trong mục tiêu và giá trị chung của văn minh ở tầm quốc gia, “xã hội văn minh” của tỉnh Quảng Ninh mang những giá trị phổ quát, đồng thời có những giá trị đặc trưng.

Xã hội văn minh là một trong 6 thành tố của hệ giá trị tỉnh Quảng Ninh. Trong triết lý phát triển, Quảng Ninh xác định: “thiên nhiên tươi đẹp” là điều kiện; “văn hóa đặc sắc” là nền tảng; “xã hội văn minh” là chuẩn mực; “hành chính minh bạch” là môi trường; “kinh tế phát triển” là phương tiện và “nhân dân hạnh phúc” là mục tiêu cuối cùng hướng đến.

Đặc trưng của xã hội văn minh ở Quảng Ninh

bai 3 quang ninh huong den chuan muc cua xa hoi van minh hinh 1

Theo từ điển tiếng Việt: Văn minh là khái niệm biểu thị trình độ phát triển đạt đến một mức nhất định của xã hội loài người, có nền văn hoá vật chất và tinh thần với những đặc trưng riêng.

“Xã hội văn minh” là một trong những mục tiêu được Đảng ta xác định đầu tiên trong hệ mục tiêu của thời kỳ đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội, là đặc trưng tổng quát của chủ nghĩa xã hội Việt Nam. Ngay từ Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986), Đảng ta xác định ba mục tiêu của đổi mới: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh”.

Từ đó, “xã hội văn minh” trở thành một mục tiêu xuyên suốt trong gần 40 năm đổi mới và sẽ tiếp tục là mục tiêu phấn đấu trong các chặng đường phát triển thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nằm trong mục tiêu và giá trị chung của văn minh ở tầm quốc gia, “xã hội văn minh” của tỉnh Quảng Ninh mang những giá trị phổ quát, đồng thời có những giá trị đặc trưng.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, trong bài phát biểu tham luận tại hội thảo do tỉnh tổ chức mới đây cho rằng: Quảng Ninh là vùng đất vừa trọng nông, trọng công và trọng thương, do đó kết giao và hội tụ cả những yếu tố của nền văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp và văn minh dịch vụ, hình thành những thuộc tính của xã hội văn minh ở các trình độ phát triển khác nhau từ sớm. Quảng Ninh là cái nôi của giai cấp công nhân và nền sản xuất công nghiệp hiện đại; là vùng đất phát triển giao thương, thương mại, dịch vụ, nhất là dịch vụ biển và dịch vụ du lịch từ rất sớm, nên sớm hình thành môi trường, nếp sống, tác phong của xã hội văn minh, với việc coi trọng những chuẩn mực ứng xử trong cộng đồng, văn minh công cộng, nếp sống văn hóa, xây dựng đô thị văn minh, kỷ luật và ý thức thượng tôn pháp luật...

Do đó, từ trong truyền thống và cuộc sống hiện đại, xã hội văn minh trở thành một giá trị của tỉnh Quảng Ninh, tiếp tục được xây dựng, không chỉ là văn minh xã hội, mà mở rộng ra trên nhiều lĩnh vực: Văn minh chính trị, văn minh kinh tế, văn minh sinh thái... Đây cũng là cơ sở để tiếp tục “gạn đục khơi trong”, loại bỏ những yếu tố phi văn hóa, phản văn minh vẫn còn tồn tại, kịp thời bổ sung những giá trị mới tiên tiến, để xây dựng xã hội văn minh thực sự trở thành một giá trị của tỉnh, là một điều kiện tiên quyết tạo nên sức hấp dẫn, thu hút của Quảng Ninh đối với du khách, nhà đầu tư trong và ngoài nước, cũng là một chỉ báo quan trọng thể hiện quan điểm và tư tưởng phát triển luôn hướng tới các giá trị chân - thiện - mĩ, lấy người dân làm trung tâm trong mọi quyết sách của Quảng Ninh.

bai 3 quang ninh huong den chuan muc cua xa hoi van minh hinh 2Ở góc độ nghiên cứu và nhìn nhận nhiều chiều, theo TS Nhị Lê, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản thì: Phát triển văn hóa, xã hội và con người hài hòa với phát triển kinh tế, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển là thể hiện rõ nhất tính chủ động của Quảng Ninh trong dự báo và giải quyết hài hòa các mối quan hệ lớn: giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, giữa phát triển nhanh với nỗ lực bảo đảm công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, giữa gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa... Đây chính là đột phá so sánh tuyệt đối giữa Quảng Ninh, trên phương diện này, với bất kỳ tỉnh, thành phố nào khác.

TS Nhị Lê cũng nhấn mạnh thêm: Kinh nghiệm lớn ở đây là, càng tôn trọng sự phát triển một cách độc lập tự do bao nhiêu vì mục tiêu bảo vệ và phát triển lợi ích cộng đồng thống nhất thì chừng đó càng đạt được sự phát triển chung một cách mạnh mẽ, bền vững và nhân văn bấy nhiêu. Do đó, việc nghiên cứu xây dựng và phát triển Hệ giá trị con người Quảng Ninh cần giữ vị trí trung tâm trong chỉnh thể xây dựng và phát triển môi trường văn hóa kinh tế, văn hóa chính trị, văn hóa và con người văn hóa, ở mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, gia đình và mỗi cộng đồng.

Ở một khía cạnh khác, TS Nguyễn Thị Ngọc Diễn (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) thì cho rằng: Nói đến Quảng Ninh là nói đến sự kết hợp đa dạng văn hóa các vùng, miền: văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, văn hóa các vùng đồng bằng Bắc bộ, đồng bằng Bắc Trung Bộ; trong đó, văn hóa biển, đảo của những làng chài định cư trên Vịnh Hạ Long và các vùng biển, đảo khác ở vùng đồng bằng ven biển được thể hiện đậm nét. Sống gần biển, mưu sinh nhờ biển, con người Quảng Ninh hòa hợp với thiên nhiên, phóng khoáng, mong ước cuộc sống bình yên, khao khát tình yêu, hạnh phúc, thương yêu, trọng tình nghĩa. Mặt khác, sau lưng là biên cương, núi cao hiểm trở, trước mặt là biển rộng, thường bị thiên nhiên đe dọa, cũng hình thành và tôi luyện nên sự cần cù, chịu thương, chịu khó, kiên cường, mưu trí của người Quảng Ninh. Đây chính là những cơ sở, nguồn gốc hình thành nên con người nơi đây với những giá trị đặc trưng “ăn sóng, nói gió” - hào sảng, lành mạnh, thân thiện, nhưng cũng rất năng động và sáng tạo.

bai 3 quang ninh huong den chuan muc cua xa hoi van minh hinh 3

Quyết tâm xây dựng xã hội văn minh chuẩn mực

Những năm qua, cùng với phát triển kinh tế, tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm giải quyết tốt, hài hòa các vấn đề xã hội, đặc biệt trong phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh và công bằng, tiến bộ xã hội; nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Nằm ở phía Đông Bắc của đồng bằng sông Hồng, tỉnh Quảng Ninh với diện tích đất liền hơn 6.100 km2 và trên 6.000 km2 mặt biển, dân số khoảng 1,34 triệu người, tài nguyên thiên nhiên phong phú, có đủ địa hình đồng bằng, trung du, đồi núi, biển, biên giới, hải đảo, được ví như “một Việt Nam thu nhỏ”, hội tụ đầy đủ những điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. 

Có thể thấy rõ điều này trong việc xây dựng chuẩn mực ứng xử của người Quảng Ninh gắn với xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xã hội văn minh của Quảng Ninh trong thời gian qua. Nhằm hướng tới xây dựng con người Quảng Ninh với các đặc trưng Năng động - Sáng tạo - Hào sảng - Lành mạnh - Văn minh - Thân thiện theo Nghị quyết 11-NQ/TU của Tỉnh uỷ “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”, ngày 30-11-2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3504/QĐ-UBND về việc ban hành Quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

bai 3 quang ninh huong den chuan muc cua xa hoi van minh hinh 4

Theo đó, các địa phương ban hành các quy tắc ứng xử gắn với bản sắc của từng địa phương nhằm bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; ý thức tuân thủ pháp luật. Đồng thời, xây dựng các tiêu chí cụ thể đối với các danh hiệu thi đua, xây dựng nếp sống và văn hóa ứng xử nơi công cộng có hiệu quả, thiết thực.

Từ đó đến nay, toàn tỉnh ước có 99,7% số đám cưới và 99,6% số đám tang thực hiện tốt nếp sống văn minh; có 1.452 thôn, khu phố đã xây dựng quy ước, hương ước; có 71,4% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập”, 62,2% dòng họ đạt danh hiệu “Dòng họ học tập”, 82% cộng đồng đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập”, có 309 hội, hơn 2.500 chi hội, gần 1.400 ban khuyến học với tổng số gần 400.000 hội viên, chiếm 32% dân số toàn tỉnh.

bai 3 quang ninh huong den chuan muc cua xa hoi van minh hinh 5

Đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng: Việc xây dựng môi trường văn hóa từ gia đình đến cộng đồng dân cư được quan tâm; tập trung xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, cơ sở thờ tự tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực. Các cấp, các ngành, đoàn thể đã tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân loại bỏ dần các yếu tố mê tín, dị đoan, các hủ tục lạc hậu trong đời sống sinh hoạt, tôn giáo, tín ngưỡng và việc này được triển khai có hiệu quả.

Trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã xây dựng thành công nhiều làng, thôn, bản văn hóa, góp phần tích cực đẩy lùi các tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự trong thôn, bản.

bai 3 quang ninh huong den chuan muc cua xa hoi van minh hinh 6
Thợ mỏ "vào ca" trên sân khấu

Quảng Ninh là địa bàn tập trung đông đảo đội ngũ công nhân, trong đó công nhân ngành Than có tới trên 77 ngàn người. Đồng chí Vũ Anh Tuấn, Bí thư Đảng uỷ Than Quảng Ninh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam chia sẻ: điều kiện làm việc của công nhân ngành Than là rất khó khăn và nặng nhọc, đòi hỏi người lao động không chỉ có sức khỏe mà còn phải có sự quyết tâm, lòng yêu nghề, tình yêu đất mỏ và lao động khoa học. Trong đội ngũ thợ mỏ ở tỉnh Quảng Ninh, có nhiều người từ nơi khác đến, nhưng đều có chung một suy nghĩ, một hành động là sản xuất than cho Tổ quốc, làm giàu cho quê hương Quảng Ninh. Đội ngũ công nhân mỏ xưa nay luôn là một tập thể đoàn kết, có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần cù, trung thực, lao động chăm chỉ và sáng tạo, có lương tâm với nghề nghiệp, tích cực học tập, cầu mong tiến bộ, có ý chí vươn lên trong cuộc sống, luôn gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nêu gương và học tập theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Được biết, tới đây, Tỉnh uỷ sẽ ban hành nghị quyết mới về văn hoá và con người Quảng Ninh. Trong đó, nhấn mạnh, Quảng Ninh tiếp tục hướng đến một xã hội văn minh chuẩn mực, để cùng với các thành tố khác trong hệ giá trị của tỉnh, góp phần xây dựng “Quảng Ninh thành tỉnh giầu đẹp” như sinh thời Bác Hồ mong muốn

Hà Vân – Thu Hiền