Videos


Xem thêm >>


Thư viện ảnh


Xem thêm >>


LIÊN KẾT



"Báo hoá" tạp chí: Tồn tại nhiều kẽ hở làm "mập mờ" giữa báo và chí
Thứ ba, ngày 25 Tháng 10 năm 2022 lúc 00:00

"Báo hoá" tạp chí là câu chuyện không hề mới nhưng là vấn đề nhức nhối trong xã hội ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, danh dự nghề nghiệp của các nhà báo, cơ quan báo chí và cao hơn nữa là đối với nền báo chí cách mạng.

Thực trạng nghiêm trọng

Báo chí là lực lượng tiên phong luôn ở tuyến đầu của đời sống xã hội, vì thế, nghề báo luôn nhận được sự trân trọng của xã hội, của tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, thời gian qua không ít doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức đã bị làm phiền, quấy nhiễu, thậm chí bị hăm dọa bởi các tổ chức, đơn vị, cá nhân mang danh báo chí. Gọi là mang danh báo bởi nhiều cơ quan không phải báo, chỉ là tạp chí của hội nghề nghiệp hay viện nghiên cứu, không có chức năng đưa tin tức, điều tra như một tờ báo. Đó chính là hiện tượng "báo hóa" tạp chí.

Tình trạng “báo hóa" tạp chí; “báo hóa" trang thông tin điện tử tổng hợp vẫn diễn ra thường xuyên, thậm chí có thời điểm tràn lan, khiến công chúng không phân biệt đâu là báo, đâu là tạp chí, đâu là trang tin thông tin điện tử tổng hợp. Bởi vì không ít tạp chí điện tử cũng đăng tải tin bài hàng ngày, hàng giờ như báo điện tử trong tất cả các lĩnh vực với tỉ lệ cao hơn số lượng tin bài dành cho đối tượng mà tạp chí đó phục vụ.

Nhiều trang thông tin điện tử tổng hợp cũng xây dựng giao diện gần giống như một tờ báo điện tử. Nội dung phản ánh những vấn đề không thuộc lĩnh vực ghi trong giấy phép; tít mập mờ, đặt câu hỏi nghi vấn, tít không phù hợp với nội dung, đưa thông tin một chiều. Hoặc tạp chí khoa học nhưng ít chú trọng vào những thông tin khoa học, lý luận, chuyên ngành… Thực tế, đã xuất hiện hiện tượng một số tạp chí có biểu hiện “rửa nguồn” tin cho trang tin thông tin điện tử tổng hợp, đăng những tin, bài thời sự, xã hội, giải trí, giật gân, câu khách hoặc có biểu hiện sao chép, tổng hợp thông tin từ các nguồn khác, ít bài tự sản xuất.

bao hoa tap chi ton tai nhieu ke ho lam map mo giua bao va chi hinh 1

Mới đây Bộ TT&TT đã ban hành 11 quyết định xử phạt vi phạm hành chính các Tạp chí sai phạm với tổng số tiền 616,5 triệu đồng.

Đáng chú ý, không ít tạp chí điện tử còn giới thiệu phóng viên đi tất cả các bộ ngành, địa phương lấy thông tin, viết bài điều tra, chống tiêu cực theo kiểu “vạch lá tìm sâu” có hành vi chèo kéo, vòi vĩnh, thậm chí dọa dẫm để xin hợp đồng tài trợ, quảng cáo.

Xuất hiện nhiều hiện tượng phóng viên của tạp chí chuyên ngành, nhưng vẫn liên hệ các cơ quan, tổ chức không liên quan để phỏng vấn, lấy thông tin; liên hệ các doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực, thậm chí đến cả trạm y tế xã, trường mầm non để đề nghị ký kết hợp đồng quảng cáo, tài trợ. Có cơ quan tạp chí chuyên ngành còn tự ý làm “Thẻ phóng viên” hoặc ký “Giấy giới thiệu” nhưng cho phép nhân viên của mình đến tất cả các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, doanh nghiệp để “hoạt động nghiệp vụ”.

Nhiều tạp chí thuộc Hội, Viện nghiên cứu chưa có tổ chức Đảng; Tạp chí khoa học, tạp chí chuyên ngành nhưng mở nhiều văn phòng đại diện, có nhiều phóng viên thường trú, tập trung khai thác những vấn đề tiêu cực, bất cập của địa phương; số lượng người đề nghị cấp thẻ nhà báo lớn so với quy mô, tính chất của tạp chí.

Bên cạnh đó, hiện tượng một số tạp chí thực hiện “khoán” doanh thu từ các chuyên trang, chuyên mục cho nhà báo, phóng viên, văn phòng đại diện, đối tác liên kết… nên nhiều phóng viên lợi dụng kẽ hở này để sách nhiễu cơ quan, doanh nghiệp.

Hoặc hiện tượng các tạp chí “khoán” toàn bộ hoạt động cho đối tác liên kết, như: Giao chuyên trang, chuyên mục cho văn phòng đại diện, nhóm phóng viên hoặc đối tác chịu trách nhiệm, toàn quyền quyết định nội dung chuyên trang. Một số tạp chí đặt máy chủ của trang chủ và máy chủ của chuyên trang ở những nơi khác nhau, không đúng quy định trong giấy phép, tạo kẽ hở trong quản lý nội dung.

Đánh giá về vấn đề này, ông Phan Hữu Minh - nguyên Trưởng Ban Kiểm tra, Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: "Báo hoá" mới đưa tin được thời sự, đưa tin thời sự mới có giật gân câu khách, từ đó mới có thể kiếm được tiền - đó là bản chất của "báo hoá", cuối cùng vấn đề là để có tiền.

Theo ông Minh, Luật Báo chí năm 2016 quy định từ bệnh viện, viện nghiên cứu đều có thể cấp phép xuất bản tạp chí, đó là một sự tạo điều kiện của Nhà nước nhằm giúp các cơ quan có thể trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu, ghi nhận các công trình khoa học để truyền bá trong lĩnh vực ngành nghề thông qua các tạp chí. Nhưng sau khi cấp phép, những đơn vị đó không dùng để làm phương tiện truyền thông, mà thường giao lại cho một đơn vị khác làm chủ và tôn chỉ mục đích sẽ bị biến tướng.

"Việc cấp phép tương đối dễ dàng tạo cơ hội cho những tạp chí có miếng ruộng để cày thậm chí trên những miếng đất rất màu mỡ", ông Phan Hữu Minh nhận định.

Cần quyết liệt chấn chỉnh

Mới đây, Bộ TT&TT đã công bố bước đầu phát hiện, xác định khoảng 30 cơ quan báo chí có dấu hiệu “báo hóa” tạp chí, “tư nhân hóa” báo chí. Đến hết tháng 9/2022, Bộ TT&TT đã làm việc, thanh tra, kiểm tra 16 cơ quan báo chí. Kết quả đã ban hành 11 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 616,5 triệu đồng… Thậm chí có 2 Tổng biên tập cũng lần lượt bị phạt 3,5 và 7 triệu đồng.

Ngoài ra, các đơn vị chức năng của Bộ T&TT đang hoàn thiện kết luận thanh tra, kiểm tra đối với Tạp chí Doanh nhân và Pháp lý, Tạp chí Tài chính doanh nghiệp, Tạp chí Nhà quản lý; chuẩn bị ban hành quyết định xử phạt đối với Tạp chí điện tử Viettimes, Tạp chí điện tử Nhịp sống số, Tạp chí điện tử Kỹ thuật chống hàng giả và gian lận thương mại.

Một số biện pháp đã được thực thi để chấn chỉnh và xử lý vi phạm "báo hoá" tạp chí. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn còn tồn tại và đang có dấu hiệu "thả gà ra đuổi". Phải chăng do khâu cấp phép hoạt động cho các cơ quan báo chí, tạp chí điện tử, trang tin điện tử tổng hợp còn khá dễ dãi và nhiều kẽ hở để nhiều nơi có điều kiện hoạt động “mập mờ”? Bên cạnh đó còn phải kể đến công tác quản lý nhà nước về báo chí chưa thật chặt chẽ, công tác hậu kiểm sau cấp phép còn buông lỏng, hoặc chế tài xử phạt còn “giơ cao đánh khẽ”.

Ngoài ra, đây còn là câu chuyện các tạp chí và trang thông tin điện tử tổng hợp hoạt động theo cơ chế “tự thu tự chi”, nên cơ quan chủ quản đã “khoán trắng”, khiến những đơn vị này tự tung tự tác, bất chấp pháp luật? Bên cạnh đó, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương chưa chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, chưa có kỹ năng, phương pháp tiếp cận và trả lời báo chí, hoặc chấp nhận im lặng để mặc những vi phạm trong hoạt động báo chí có đất sống? 

Ông Phan Hữu Minh khẳng định, "báo hoá" tạp chí không phải vấn đề mới nhưng là vấn đề nhức nhối, gây bức xúc trong chính giới báo chí và dư luận xã hội, cần phải xử lý quyết liệt, triệt để.

Đầu tiên cần nhắc đến khâu cấp phép. Trước khi cấp phép xuất bản tạp chí, các đơn vị quản lý chủ yếu là Cục Báo chí Xuất bản cần kiểm soát chặt chẽ về nguồn lực kinh tế, lực lượng phóng viên như thế nào. Đặc biệt chú ý đến vấn đề đơn vị đó có điều kiện kinh tế đủ để nuôi tạp chí hay không, tránh tình trạng cấp phép tràn lan và không quản lý được.

Theo ông Phan Hữu Minh, thời gian qua, cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý đã tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát, xử lý, chấn chỉnh. Thậm chí áp dụng nhiều biện pháp mạnh nhưng tình trạng này vẫn còn tiếp diễn, xuất phát từ ý thức trách nhiệm của lãnh đạo một số cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí trong công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động của nhà báo, phóng viên và cơ quan báo chí thuộc quyền chưa tốt; việc tuân thủ quy định pháp luật và đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận nhà báo, phóng viên chưa nghiêm. Bên cạnh đó, một số quy định, chế tài phục vụ công tác xử lý đã bộc lộ những hạn chế, bất cập hoặc quy định chưa đầy đủ.

Cần có biện pháp mạnh, xuất phát từ nhận thức của lãnh đạo cao nhất trong cơ quan báo chí trong việc thực hiện đúng chức năng, tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí. Tới đây, khi sửa Luật Báo chí và các văn bản luật liên quan cần có những điều khoản quy định chặt chẽ về trách nhiệm của tạp chí điện tử, tách bạch rõ tôn chỉ, mục đích của tạp chí, đồng thời kiên quyết chấn chỉnh, xử lý nghiêm minh đối với tạp chí điện tử, tạp chí giấy hoạt động sai tôn chỉ, mục đích.

Theo Bộ TT&TT, từ tháng 10/2022 sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 kế hoạch xử lý tình trạng “báo hóa” tạp chí, biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí; thanh tra, kiểm tra, đánh giá, xem xét hoạt động đối với khoảng 15 cơ quan báo chí.

Việc xử lý được thực hiện trên tinh thần cương quyết, nghiêm minh, thậm chí tước quyền sử dụng giấy phép đối với những cơ quan báo chí để xảy ra sai phạm nghiêm trọng, kéo dài, không nhận thức được việc khắc phục sai phạm. Đồng thời, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương xem xét, kiến nghị xử lý trách nhiệm cơ quan chủ quản báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí.

Theo: Hoài Giang/ báo Nhà báo và Công luận; Nguồn: (http://hoinhabaovietnam.vn//)



Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: