Videos


Xem thêm >>


Thư viện ảnh


Xem thêm >>


LIÊN KẾT



Biên cương Bình Liêu thân thương hùng vĩ trong tôi
Thứ ba, ngày 21 Tháng 12 năm 2021 lúc 00:00

Sau chương trình hội thảo về nghề báo do HNB tỉnh Quảng Ninh tổ chức tại thành phố Hạ Long, sáng sớm ngày 18/12, đoàn HNB các tỉnh Duyên hải và Đồng bằng Bắc bộ đi tham quan vùng biên giới huyện Bình Liêu. Xe xuất phát tại Nhà khách lúc 5 giờ 30 sáng. HNB Quảng Ninh chuẩn bị 2 xe: một xe 16 chỗ, một xe 24 chỗ; và một xe 4 chỗ của Trung ương Hội, cả đoàn gần 40 người phấn khởi lên đường trong cái lạnh giữa đông. Nhà báo Đỗ Ngọc Hà, Phó Chủ tịch Thường trực HNB tỉnh Quảng Ninh và nhà báo Nguyễn Thế Lãm, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh cùng đi với đoàn. Khoảng hơn 7 giờ, đoàn dừng nghỉ ăn sáng tại thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên. Thị trấn Tiên Yên cách TP Hạ Long khoảng 80 km. Đây là một thị trấn khá sầm uất, phố phường bàn cờ, cửa hiệu dịch vụ san sát. Gần 8 giờ sáng, xe nhằm hướng Bình Liêu. Tới xã Lục Hồn (huyện Bình Liêu có 7 xã, 1 thị trấn, nhưng có diện tích tới 470 km2, bằng nửa tỉnh Hưng Yên), Trung tá - chính trị viên Phó đồn biên phòng Hoành Mô - Vi Tiến Hạnh đón chờ đoàn cùng chiếc xe bán tải do đích thân anh lái. Trung tá Hạnh còn trẻ, khoảng hơn 40 tuổi, anh là người Tày quê bên Móng Cái. Anh Hạnh giới thiệu quân số của đồn biên phòng Hoành Mô chủ yếu là người dân tộc và cho biết đồn quản lý tuần tra hơn 40 km đường biên, phía bên nước bạn là huyện Phòng Thành của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Trung tá Hạnh kể: cán bộ chiến sĩ của đồn gắn bó với đồng bào các dân tộc anh em, chia sẻ với đồng bào lúc vui buồn, tham gia cùng bà con làm nương làm rừng, giúp đỡ các cháu học tập và phối hợp với các lực lượng trên địa bàn giữ vững an ninh trật tự địa phương, tham gia phòng chống dịch... Anh Hạnh dẫn cả đoàn vào thăm trạm phòng dịch Covid ở thôn Ngàn Chuồng. Qua hàng rào và khoảng sân là bước vào ngôi nhà gạch xi măng của 7 cán bộ chiến sĩ. Một số chiến sĩ xuống bản, còn hai chiến sĩ trẻ trực trạm. Hội nhà báo các tỉnh thay nhau tặng sách báo cho các chiến sĩ. Khoảng 9 giờ, đoàn lên biên giới, vẫn xe của trung tá Hạnh dẫn đầu. Đường biên Bình Liêu làm bằng bê tông bám theo dáng núi, khi xuống thấp thấy như đường độc đạo, lúc lên cao núi ở dưới chân, đường quanh co hiểm trở. Khi xe lên đỉnh núi, một khoảng trời mở ra trập trùng núi non, núi tiếp núi, núi thuộc vòng cung Đông bắc này thường cao hơn ngàn mét. Biên giới đã được phân định cắm mốc giữa Việt Nam và Trung Quốc: cùng một đỉnh núi, nửa bên này là của ta, nửa bên kia thuộc về Trung Quốc. Đi khoảng 10 km đường biên, cả đoàn xuống xe leo bộ lên sống núi mang tên “Sống Lưng Khủng Long”, toàn là đường đi trên đỉnh núi, cánh báo chí thuộc các tỉnh đồng bằng vừa thích thú pha chút sợ hãi khi được đặt chân lên “Sống Lưng Khủng Long”, nghe nói muốn đến cột mốc 1305 cao nhất nhì trên đất Quảng Ninh thì còn đi khoảng 2 tiếng đồng hồ nữa. Do không đủ thời gian nên cả đoàn mới leo được hơn 1/3 đoạn đường thì quay xuống và đi sang đường biên thuộc xã Đồng Tâm. Vẫn cảnh núi mây dưới chân, người đi trên đỉnh, ở những đoạn thấp, phía Trung Quốc dựng những hàng rào dây thép gai cao 4-5 m, nhiều đoạn dài vài trăm mét để ngăn dân hai bên vượt qua đường mòn lối mở... Trên đường biên, gặp nhiều hoa lau, chợt nhớ câu của nhà thơ Chế Lan Viên: “Ai lên biên giới cho lòng ta theo với. Thăm ngàn lau chỉ trắng có một mình...” Đường biên vắng, đi cả tiếng đòng hồ chẳng gặp một ai. Khoảng 11 giờ đoàn dừng tại nhà kiểm lâm tại bản Pắc Phe. Ngôi nhà 2 gian tường gạch, mái tôn, cửa sắt không có khóa, gian trong là chăn chiếu trải thẳng xuống nền gạch, gian ngoài là xoong chảo bát đĩa rựa dao... Đây có thể là công nhân lâm trường trú qua, cũng có khi là thợ làm đường nghỉ lại... Từ nhà trạm phóng tầm mắt ra bốn hướng, ngay trước mặt là những núi đá gan gà dựng đứng, mấy phía khác thường là núi trọc nối nhau, ngay chân nhà trạm là khoảng rừng thông xanh biếc đã cho khai thác, tiếng thông reo vi vút, dễ có đến cả ngàn ha thông, thỉnh thoàng nhìn thấy một vài vạt ruộng dưới thung khe... Mới hay công sức trồng rừng, công sức mở đường, công sức giữ biên cương đâu có ai tính được. Cũng chính trên đất Bình Liêu này và suốt dải biên cương mấy chục năm về trước, phía Trung Quốc đã dã man nổ súng gây nên cuộc chiến đẫm máu. Cao điểm Cao Ba Lanh hay đồn Hoành Mô đã là những chốt thép của Bình Liêu dũng cảm mưu trí đương đầu với quân xâm lược đông gấp nhiều lần... Khi nghe chúng tôi hỏi về quan hệ vùng biên hiện tại, anh Hạnh cho biết đã hòa bình hữu hảo, bên ta và Trung Quốc gặp nhau trên đường tuần tra đã thân thiện chào hỏi vui vẻ bắt tay nhau, đôi bên gặp gỡ và trao đổi, phối hợp công việc với nhau nhiều hơn... Nghe thế, trong sâu thẳm lại hiện lên trong tôi mối nghĩ suy thường nhật: trên biên họ dừng, trên biển họ xâm, họ muốn chiếm cái to - “cái đại cục” của ta... Công cuộc giữ gìn biên cương biển đảo còn hệ trọng, còn chông gai phức tạp dài lâu...


Hơn 12 giờ trưa, đoàn chúng tôi tới xã Hoành Mô, nơi có cửa khẩu và đồn biên phòng Hoành Mô. Trung tâm xã Hoành Mô nằm trên thung lũng bằng phẳng rộng khoảng vài trăm ha, nhà cửa cao tầng, trường mầm non của xã xây khá đẹp. Thượng tá đồn trưởng Vũ Hồng Sơn và nhiều cán bộ của đồn đã chờ đón chúng tôi tại cửa khẩu Hoành Mô, để tiện đường, các anh dẫn chúng tôi đi thăm cửa khẩu và chụp ảnh tại cột mốc 1317 rồi mới vào thăm đồn. Anh Sơn cho biết anh vừa họp trực tuyến và phòng chống dịch, đồn đã có 6 cán bộ tham gia là Phó Bí thư Đảng ủy của 6 xã vùng biên, công việc luôn khẩn trương phối hợp cùng hệ thống chính trị tập trung cho việc phát triển kinh tế văn hóa và giữ bình yên cho bà con các dân tộc trong huyện... Hội Nhà báo Quảng Ninh cùng HNB các tỉnh đã tặng quà cùng sách báo cho đồn biên phòng. Bữa trưa, tại khoảng sân rộng có mái che, đồn mời đoàn nhà báo đặc sản lợn rừng đủ món. Không khí rất thân tình, mâm nào cũng vang tiếng chúc tụng vui vẻ. Đồn trưởng Sơn đi chúc rượu từng mâm. Ngồi cùng mâm có thêm hai cán bộ hải quan cửa khẩu là anh Cường quê Thanh Giang, Thanh Miện, Hải Dương, anh Thanh quê cố đô Hoa Lư, Ninh Bình. Hai anh cho biết, của khẩu Hoành Mô xuất sang Trung Quốc chủ yếu là mặt hàng nông thổ sản, trong đó có nhiều mặt hàng tại Bình Liêu như tinh dầu sả, tinh dầu hồi. năm 2021, hải quan Hoành Mô thu hơn 230 tỷ đồng thuế xuất nhập khẩu, xã Hoành Mô thu thuế, phí mỗi năm cũng trên 10 tỷ mỗi năm.



Tặng quà tại Trạm Biên phòng bản Ngàn Chuồng, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu


Bên mâm rượu, đồn trưởng Sơn và Phó Chính ủy Hạnh cho biết huyện Bình Liêu ngoài phát triển kinh tế đồi rừng và kinh tế cửa khẩu, đã rất chú ý tới kinh tế du lịch trên cơ sở  khai thác nét đẹp văn hóa của các dân tộc thiểu số kết hợp với tham quan phong cảnh của núi rừng miền biên viễn, ngày nhiều có vài ngàn khách du lịch đường biên, du khách ngắm núi rừng thác suối hùng vĩ và hơn thế nữa, là được đến với các cột mốc biên giới dựng trên các đỉnh núi hoặc dưới thung sâu... Anh Hạnh kể: đồn biên phòng Hoành Mô còn có công rất lớn trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao trên địa bàn...




Các nhà báo trên đường biên đoạn: "Sống Lưng Khủng Long"


Biết chúng tôi là đoàn của Hưng Yên, một số cán bộ đồng hương đã lại mời rượu như trung tá Đào Văn Công quê xã Đồng Thanh, huyện Kim Động, thiếu tá Mai Xuân Tiến, thiếu tá Mai Văn Thứ cùng quê thôn Dung, Hưng Đạo, Tiên Lữ. Dường như mấy chục người có mặt trưa đó đều cạn chén với chúng tôi.

Vừa uống, anh em vừa đọc vui:

Không đi không biết Bình Liêu

Đi rồi mới biết rượu nhiều hơn cơm

Khoảng 2 giờ chiều đoàn chia tay đồn biên phòng Hoành Mô trong lưu luyến quân dân. Anh Hà, Trưởng đoàn của HNB Quảng Ninh dẫn các nhà báo về xã Đồng Tâm dự Lễ hội hoa Sở Bình Liêu 2021. Muốn vào hội hoa phải qua chốt kiểm dịch khai báo y tế. Đường lên thôn Đồng Long, xã Đồng Tâm trắng một màu hoa sở, từng đoàn thiếu nữ áo dài chụp ảnh bên hoa. Anh Sơn Phó chủ tịch xã Đồng Tâm cho biết: Nhiều hộ nông dân giàu lên từ  cây thông, cây hồi, cây sở, riêng cây sở, toàn xã có khoảng 150 ha, tinh dầu sở khá được giá với 400 ngàn đồng/1lít...


Đoàn nhà báo chụp ảnh lưu niệm với cán bộ Đồn Biên phòng Hoành Mô, Bình Liêu

Hơn nửa ngày tham quan dọc tuyến đường biên giới mà cán bộ chiến sĩ đồn Hoành Mô thường tuần tra, đối với chúng tôi cũng chỉ là một thoáng với biên cương. Một thoáng thôi mà thêm yêu đất nước rộng dài từ Quảng Ninh tới Cà Mau. Một thoáng thôi mà nhớ đường biên, mà nhớ rừng thông, rừng hồi, rừng sở... Một thoáng thôi mà cảm phục quân dân miền biên giữ rừng, giữ đất. Một thoáng thôi, mà biên cương Bình Liêu thân thương hùng vĩ trong tôi.
Theo: Nguyễn Công Đán; Nguồn: https://http://nguoilambaohungyen.vn//



Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: