Videos


Xem thêm >>


Thư viện ảnh


Xem thêm >>


LIÊN KẾT



Phong trào thi đua phải thực chất, không “đánh trống bỏ dùi”!
Thứ ba, ngày 06 Tháng 9 năm 2022 lúc 00:00

Vì một nền Báo chí Cách mạng Việt Nam “hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn” thì cần thiết và cấp thiết phải vào cuộc quyết liệt, phải “thổi bùng” lên ngọn lửa thi đua ấy trước những đổi thay của thời cuộc và thách thức của nghề nghiệp trong thời đại số hóa…

“Để phong trào thi đua “xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” thu hút được đông đảo hội viên, nhà báo tham gia, hưởng ứng đã khó, để nó trở thành lời hiệu triệu, một mệnh lệnh từ trái tim người cầm bút thì càng khó hơn. Nhưng vì một nền Báo chí Cách mạng Việt Nam “hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn” thì cần thiết và cấp thiết phải vào cuộc quyết liệt, phải “thổi bùng” lên ngọn lửa thi đua ấy trước những đổi thay của thời cuộc và thách thức của nghề nghiệp trong thời đại số hóa…”, nhà báo Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định.+ Phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” vừa phát động đã nhận được sự “vào cuộc” của đông đảo các cơ quan báo chí và các Hội Nhà báo tỉnh, thành phố. Thưa ông, “Tiêu chí cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam” do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành đã được xây dựng và triển khai như thế nào thời gian qua?

Vì một nền báo chí kỷ cương, liêm chính
- Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Đức Lợi
: Với vai trò là một thành phần của văn hoá, đồng thời là một trong những phương tiện chủ lực phổ biến các loại hình văn hoá đến toàn xã hội, mỗi cơ quan báo chí cần phải là một cơ quan văn hoá, mỗi người làm báo cần luôn có ý thức nâng cao văn hoá của bản thân, đề cao thành tố văn hóa trong sáng tạo tác phẩm. Báo chí cần chủ động, tích cực thúc đẩy, nâng cao văn hoá trong chính ngành nghề, lĩnh vực của mình. Nói đúng hơn, nhà báo là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa thì không chỉ có trách nhiệm tuyên truyền, lan lỏa những giá trị tốt đẹp đó mà tự thân phải phấn đấu là những người xây dựng và thực thi.

Trên tinh thần đó, khi xây dựng “Tiêu chí cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam”, chúng tôi đã xin ý kiến từ các nhà báo lão thành, các nhà báo có uy tín, các cấp Hội địa phương trong cả nước và cho ra đời bản tiêu chí gồm 12 điểm, với 6 điểm dành cho cơ quan báo chí và 6 điểm dành cho người làm báo.

Chúng tôi cũng có Hướng dẫn triển khai và đề nghị các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo Việt Nam và người làm báo trong cả nước tích cực hưởng ứng, chủ động ký kết giao ước thi đua, thực hiện tốt các tiêu chí đã đề ra, triển khai nền nếp và hiệu quả các hoạt động xây dựng cơ quan và con người văn hóa, lấy văn hóa làm nền tảng, động lực thúc đẩy sự phát triển của cơ quan báo chí, góp phần xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

phong trao thi dua phai thuc chat khong danh trong bo dui hinh 1

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi.

+ Việc phát động phong trào thi đua cũng như ban hành Tiêu chí, có thể nói, phần nào xuất phát từ điều ông từng trăn trở: “Cùng với sự buông lỏng, thỏa hiệp của cơ quan báo chí là sự xuống cấp về chuyên môn, suy thoái về đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận người làm báo”… Xin ông chia sẻ rõ hơn về điều này, thưa Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam?

- Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Đức Lợi: Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên bùng nổ thông tin, đất nước ngày một phát triển và hội nhập sâu rộng. Lực lượng Báo chí Cách mạng Việt Nam đông đảo hơn bao giờ hết, từng cơ quan đều phát triển đa dạng các loại hình báo chí với cách thức làm báo hiện đại. Tuy nhiên, cùng với sự vươn lên mạnh mẽ, Báo chí Cách mạng Việt Nam cũng đang đối diện với những thách thức, những hệ lụy, mặt trái của sự phát triển.

Với sự xuất hiện của mạng xã hội và các phương tiện truyền thông mới, thị phần của nhiều cơ quan báo chí suy giảm, một số tờ báo bị cuốn vào vòng xoáy cạnh tranh, theo đuổi mọi cách để tìm kiếm nguồn thu, kể cả những cách thức làm suy giảm chức năng tư tưởng - văn hóa cốt lõi.

Một bộ phận báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích, thờ ơ với nhóm công chúng đối tượng của mình, tìm đến những thị hiếu tầm thường, chọn lựa đề tài, sản xuất nội dung chủ yếu nhằm tăng số lượng truy cập, thỏa hiệp tính trung thực, khách quan để đạt được mục đích kinh tế. Bản sắc của tờ báo bị bỏ quên, yếu tố văn hóa, nhân văn trong tác phẩm báo chí không được coi trọng, hình ảnh của tờ báo mờ nhạt, có biểu hiện “lệch chuẩn” văn hóa.

Một số nhà báo coi nhẹ lao động nghề nghiệp, bỏ qua nguyên tắc tác nghiệp cơ bản, thông tin thiếu khách quan, thiếu xác thực. Tình trạng nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, sách nhiễu cơ quan, doanh nghiệp, thậm chí doạ nạt, tống tiền, vi phạm pháp luật, có chiều hướng gia tăng.

Do vậy, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành 11 quyết định xử lý vi phạm sau thanh tra. Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố đã xử lý vi phạm hành chính 9 trường hợp vi phạm về báo chí.

Trong năm 2021, Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp của Hội Nhà báo Việt Nam đã xử lý 20 trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp; 6 tháng năm 2022 đã nhắc nhở một số trường hợp nhà báo có những phát ngôn lệch chuẩn trên mạng xã hội; liên hệ với các báo, tạp chí có phóng viên bị bắt (liên quan đến việc tống tiền doanh nghiệp), yêu cầu báo cáo và đề xuất hình thức xử lý...

Trong bối cảnh đó, việc nâng cao nhận thức về văn hóa, tạo lập không gian văn hóa trong hoạt động báo chí, xây dựng cơ quan báo chí và người làm báo văn hóa là yêu cầu cấp thiết, hướng đến xây dựng một nền báo chí kỷ cương, liêm chính.

phong trao thi dua phai thuc chat khong danh trong bo dui hinh 2

Lễ phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” ngày 21/6. Ảnh: Sơn Hải.

Duy trì thường xuyên, liên tục, tạo thành nền nếp

+ Có thể đánh giá rằng, 12 tiêu chí về xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và người làm báo văn hóa đã “chạm” được tới những vấn đề rất “nóng”... mà nếu nghiêm túc thực hiện sẽ phần nào giải quyết được các thách thức nói trên. Cùng với nhiều biện pháp “chế tài” đã có, kỳ vọng của ông khi triển khai phong trào thi đua này như thế nào, thưa nhà báo?

- Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Đức Lợi: Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã từng ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm xây dựng môi trường văn hóa, cũng như phát triển báo chí. Chẳng hạn như: Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 8/4/2020 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới”. Đồng thời, Hội Nhà báo Việt Nam cũng đưa ra 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam; Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam…

Cùng với các điều luật, quy định, quy tắc, việc triển khai phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí” trong thời điểm này có thể nói là một cách thức nhằm “chấn chỉnh”, siết chặt kỷ cương và góp phần giúp mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo tiếp tục nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình trong sứ mệnh của người cầm bút.

Dĩ nhiên, những tiêu chí mang tính chất “lạt mềm buộc chặt” thì thước đo chính là uy tín và sự tự trọng nghề nghiệp của mỗi người làm báo, mỗi cơ quan báo chí. Bởi vậy, hy vọng rằng, với việc xây dựng kế hoạch hoạt động, tác nghiệp vì mục đích tận hiến với nghề, cho ra đời những sản phẩm báo chí chất lượng, tích cực, lan tỏa giá trị nhân văn, văn hóa thì phong trào thi đua sẽ không sa vào hình thức, góp phần tích cực làm lành mạnh đời sống báo chí, nâng tầm giá trị văn hóa trong từng sản phẩm báo chí.

+ Trên thực tế, nhiều phong trào thi đua rất thiết thực nhưng kết quả lại chưa được như mong muốn. Để phong trào này không “đánh trống bỏ dùi”, các cơ quan báo chí, các cấp Hội nhà báo cần vào cuộc như thế nào, thưa Phó Chủ tịch thường trực?

- Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Đức Lợi: Xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa là trách nhiệm, đồng thời cũng là vấn đề tự thân của mỗi cơ quan báo chí, người làm báo.

Để phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả thực chất, các cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo cả nước cần thiết thực hưởng ứng, thực hiện, lan tỏa phong trào ra xã hội; duy trì thường xuyên, liên tục, tạo thành nền nếp, từ đó tạo nên nhiều sản phẩm báo chí có chất lượng, giàu giá trị văn hóa tốt đẹp, góp phần khơi dậy, định hướng những dòng chảy văn hóa tích cực trong đời sống xã hội. Các tiêu chí cần được quán triệt, thấm nhuần vào nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên trong các cơ quan báo chí.

Thường xuyên chăm lo xây dựng văn hóa trong mỗi tổ chức đảng của các cơ quan báo chí, trong đó, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, phóng viên, biên tập viên, người làm báo có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân; có ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân.

Đồng thời, các đơn vị phải thường xuyên bám sát thực tiễn, đưa 12 tiêu chí vào trong các nhiệm vụ cụ thể, có giám sát, kiểm tra, tổng kết. Trong đó cần nhấn mạnh những giá trị văn hóa cốt lõi của người làm báo cách mạng, chủ động thích ứng với các phương tiện truyền thông mới, bảo đảm phục vụ hiệu quả nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bên cạnh đó, xây dựng các quy định, quy chế của tòa soạn, quy trình tác nghiệp, bảo đảm các chuẩn mực cao nhất về tính chính xác, sự tin cậy và tính nhân văn trong từng bản tin, từng bài báo. Mỗi sản phẩm báo chí phải bảo đảm yếu tố thẩm mỹ, giáo dục, đề cao tính nhân văn, trở thành hình mẫu trong giao tiếp, ứng xử văn hóa trong cộng đồng, nhất là trên không gian mạng và môi trường số…

phong trao thi dua phai thuc chat khong danh trong bo dui hinh 3

Mỗi cơ quan báo chí phải là một tấm gương đi đầu trong việc xây dựng văn hóa công sở, văn hóa cơ quan.

Ngọn lửa nhân văn trong ngòi bút và lòng nhân ái trong tâm hồn

+ Trong bối cảnh hiện nay, những quy định cũ và mới đòi hỏi mỗi người làm báo phải nỗ lực gấp nhiều lần, vừa chạy đua với những đổi mới của nghề nghiệp trong môi trường báo chí chuyển đổi số vừa phải không ngừng rèn giũa đạo đức, thực hiện tốt phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa báo chí… Để thực hiện “tròn vai”, những người làm báo trong thời đại hôm nay cần nỗ lực như thế nào, thưa ông?

- Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Đức Lợi: Ở góc độ này, tôi cho rằng, trước hết, lãnh đạo và các cấp quản lý phải có giải pháp quản lý phóng viên sao cho hài hòa, vừa tạo điều kiện để nhà báo hoàn thành tốt nhiệm vụ, vừa chia sẻ khó khăn, tháo gỡ những vấn đề nhạy cảm mà nhà báo có thể gặp phải trong quá trình tác nghiệp. Nhất là đối với các nhà báo trẻ, làm sao để họ thật sự trong sáng về đạo đức, được sống với đam mê ngay từ những ngày đầu tiên bước vào nghề báo. Chỉ có sự trong sáng thì mới tồn tại lâu dài và chỉ có sự trong sáng mới bảo vệ được mình trong cạm bẫy phức tạp mà nghề báo có thể mang đến.

Đặc biệt trong bối cảnh thực hiện Quy hoạch Quản lý và Phát triển báo chí hiện nay, lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí nên tạo điều kiện cho anh em nhà báo có mức thu nhập sao cho họ có thể tránh được, từ chối được các hành vi mua chuộc, tiêu cực có thể có.

Còn riêng đối với người làm báo, “một trái tim nóng và một cái đầu lạnh” luôn là “kim chỉ nam” trong hoạt động tác nghiệp, sẵn sàng thâm nhập cuộc sống để phát hiện những con người điển hình, con người văn hóa tiêu biểu, có khát vọng, từ đó phản ánh thành tác phẩm báo chí hấp dẫn, có sức thuyết phục và lay động lòng người.

Để làm được điều này, mỗi nhà báo, mỗi cán bộ báo chí cần có ý chí, bản lĩnh vững vàng, kiên định, không ngả nghiêng dao động, nhưng đồng thời cũng không duy ý chí, không nhụt chí hay thiếu tính sáng tạo; cần nhìn nhận mọi vấn đề dưới lăng kính khách quan, trung thực, tôn trọng sự thật với tấm lòng của người cầm bút có văn hóa.

+ Là đơn vị chủ trì xây dựng Tiêu chí, thưa Phó Chủ tịch Thường trực, để phong trào thi đua đạt được hiệu quả thiết thực, Hội Nhà báo Việt Nam đã có những định hướng như thế nào tới các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo Việt Nam trong triển khai thực hiện, thưa ông?

- Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Đức Lợi: Chúng tôi luôn xác định rất rõ rằng, phong trào thi đua phải thực chất, không “đánh trống bỏ dùi” nên trong hướng dẫn triển khai, Hội Nhà báo Việt Nam đã đề ra rất cụ thể từng đầu việc phù hợp với các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ.

Theo đó, với các cơ quan báo chí, cấp Hội Nhà báo Việt Nam, chúng tôi yêu cầu phải triển khai ký kết giao ước thi đua xây dựng môi trường văn hóa; Phổ biến, quán triệt nội dung, ý nghĩa của Phong trào và Tiêu chí tới người làm báo, hội viên, người lao động; động viên toàn thể cơ quan nhiệt tình hưởng ứng; Xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện Phong trào trong đó chú trọng đưa nội dung Tiêu chí vào nội quy hoạt động và quy trình tác nghiệp của cơ quan, đề cao yếu tố văn hóa trong sáng tạo tác phẩm báo chí, trong đánh giá chất lượng tác phẩm, lồng ghép nội dung của Tiêu chí vào sinh hoạt cơ quan, các hội nghị sơ kết, tổng kết; đưa Tiêu chí vào tiêu chuẩn bình xét thi đua, khen thưởng.

Đặc biệt, để phong trào luôn được “thắp lửa” thì các cơ quan báo chí, các cấp Hội phải thực hiện cơ chế báo cáo kết quả thực hiện Phong trào về Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam trong dịp tổng kết hằng năm… Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã đưa vào kế hoạch hoạt động trong quý 3 năm 2023 dự kiến sẽ tổ chức hội thảo về văn hóa của cơ quan báo chí và người làm báo, dịp sơ kết 01 năm Phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí.

Có thể nói, phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” và Tiêu chí “xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và người làm báo văn hóa” với 12 điểm, trong đó có 6 tiêu chí đối với cơ quan báo chí, 6 tiêu chí đối với người làm báo Việt Nam đã và đang lan tỏa mạnh mẽ trong hoạt động của các cơ quan báo chí và các cấp Hội Nhà báo tỉnh thành phố trong cả nước.

Phong trào hướng đến xây dựng mỗi cơ quan báo chí phải là một cơ quan văn hóa, mỗi người làm báo cần luôn có ý thức nâng cao văn hóa của bản thân, đề cao thành tố văn hóa trong sáng tạo tác phẩm. Mỗi cơ quan báo chí phải là một tấm gương đi đầu trong việc xây dựng văn hóa công sở, văn hóa cơ quan. Và mỗi người làm báo cần xác định rõ trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, gìn giữ ngọn lửa nhân văn trong ngòi bút và lòng nhân ái trong tâm hồn người làm báo.

+ Vâng, xin trân trọng cảm ơn ông!


Theo: Hà Vân (Thực hiện)/ NB&CL; (Nguồn: https://http://hoinhabaovietnam.vn//)



Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: