Chuyển đổi số: Cơ hội nào cho những toà soạn vừa và nhỏ?
Thứ năm, ngày 15 Tháng 9 năm 2022 lúc 00:00

Chưa bao giờ câu chuyện chuyển đổi số báo chí trở nên nóng hổi như hiện nay. Đặc biệt trong phân khúc các tờ báo có quy mô vừa và nhỏ, chuyển đổi số có phải là cơ hội lớn?

Muốn chuyển đổi số thì phải chấp nhận đầu tư

Theo ông Nguyễn Hoàng Nhật – Phó Tổng Biên tập báo điện tử Vietnamplus, chuyển đổi số là con đường tất yếu để các cơ quan báo chí có thể tồn tại và phát triển bởi độc giả ngày càng có xu hướng rời bỏ loại hình báo chí truyền thống để theo dõi tin tức trên các nền tảng số.

chuyen doi so co hoi nao cho nhung toa soan vua va nho hinh 1

CĐS là con đường tất yếu để các cơ quan báo chí có thể tồn tại và phát triển. (Ảnh Internet)

Ngoài việc là con đường tất yếu thì chuyển đổi số còn là nhu cầu tự thân của các tòa soạn. "Điều thú vị là nhiều tòa soạn vừa và nhỏ đang tận dụng rất tốt chuyển đổi số để nâng tầm ảnh hưởng khi mạnh dạn đổi mới, sớm bắt kịp xu thế của báo chí thế giới. Một ví dụ đơn giản, có thể kênh thông tin chính của tờ báo đó chỉ có lượng truy cập vào khoảng vài trăm ngàn lượt visit mỗi ngày. Nhưng kênh Tiktok hay YouTube của tờ báo đó lại có lượng người đăng ký và theo dõi lên tới hàng triệu. Dĩ nhiên, chuyển đổi số không chỉ là di tản lên các nền tảng số, nhưng chiếm lĩnh nền tảng số cũng là bước đi quan trọng trong hành trình này", Phó Tổng Biên tập Vietnamplus nói.

Bàn về xu hướng này, ông Nguyễn Bá - Tổng Biên tập Tạp chí Thông Tin Truyền Thông cho rằng, quá trình đổi mới nói chung và chuyển đổi số nói riêng trong lĩnh vực báo chí thường đi chậm hơn sự thay đổi của đời sống xã hội. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo báo chí ở phân khúc vừa và nhỏ rất quyết liệt trong vấn đề chuyển đổi số báo chí vì họ biết rằng chỉ có chuyển đổi số báo chí mới có thể tồn tại được.

"Báo in dần dần mất đi, người đọc không còn đọc ở máy tính để bàn nữa, họ tìm đến bản tin video. Các toà soạn biết rằng nếu không bắt kịp xu hướng thì sẽ mất độc giả. Do vậy phải luôn tâm niệm một câu bạn đọc ở đâu thì báo chí ở đó. Họ xem tin tức ở đâu, trên giao diện gì, sở thích nhu cầu là gì thì báo chí phải đáp ứng được, đó chính là phương châm để tiến hành chuyển đổi số", ông Bá cho hay. 

Bên cạnh đó, một số đơn vị cho rằng chuyển đổi số là quá trình tốn kém với năng lực nhất định của họ sẽ không chuyển đổi số được. Thực tế cho thấy, đúng là không có bữa trưa nào là miễn phí, các toà soạn không thể ngồi trông chờ miếng bánh ngân sách để tiến hành chuyển đổi số. Theo Hiệp hội Báo chí thế giới WAN-IFRA thì chuyển đổi số sẽ đem lại cơ hội kinh doanh tốt hơn, giúp các tòa soạn đa dạng hóa nguồn thu.

"Đương nhiên, muốn chuyển đổi số thì phải chấp nhận đầu tư, chẳng hạn như xây dựng mini studio, tuyển dụng hay thuê các nhân viên lập trình, chuyên gia xử lý dữ liệu, chăm sóc khách hàng… Nghĩa là các tòa soạn phải thay đổi cơ cấu truyền thống, chấp nhận sự thật rằng một tòa soạn báo thì sẽ không chỉ có phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên đơn thuần", ông Nguyễn Hoàng Nhật cho hay.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Bá cho rằng, những tờ báo có tiềm lực về tài chính sẽ tiến hành chuyển đổi số mạnh hơn và nhanh hơn. "Tuy nhiên, các cơ quan báo chí nhỏ có thể liên kết với nhau để dùng chung những nền tảng thực hiện chuyển đổi số cho mình. Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ sẽ giúp các cơ quan báo chí tiếp cận với bạn đọc, đáp ứng nhu cầu bạn đọc của mình một cách tốt nhất. Việc sử dụng công nghệ để thay đổi cách thức làm việc, cách thức tiếp cận và quản lý của toà soạn với độc giả của mình đó chính là giải pháp để tiến lên". ông Bá nhận định. 

Chuyển đổi số không thể tách rời việc đào tạo

Có rất nhiều tờ báo nhỏ đã tận dụng sự phát triển của công nghệ, chẳng hạn như cá nhân hóa trang tin, sử dụng các dịch vụ như newsletter, webpush để đẩy mạnh lưu lượng người đọc mà không phải phụ thuộc quá nhiều vào thuật toán của Google và Facebook.

"Công nghệ cũng giúp các tòa soạn nhỏ tăng cường trải nghiệm cho người đọc bằng những sản phẩm báo chí hấp dẫn cả về mặt thị giác lẫn chiều sâu nội dung thông qua các loại hình báo chí dữ liệu. Đương nhiên, như chúng ta vẫn nói, “Nội dung luôn là Vua”. Nhưng nội dung đó sẽ hấp dẫn hơn, có sức lan tỏa lớn hơn nếu được hỗ trợ bởi yếu tố công nghệ, gồm cả trí tuệ nhân tạo", ông Nguyễn Hoàng Nhật chia sẻ.

chuyen doi so co hoi nao cho nhung toa soan vua va nho hinh 2

Các phóng viên, nhà báo cần được chuẩn bị tinh thần để sẵn sàng đối diện với những thách thức, những thay đổi mang tính căn bản, chiến lược của quy trình tư duy, quy trình công việc khi thực hiện chuyển đổi số. Tâm lý ngại thay đổi sẽ ngăn trở quá trình này diễn ra. (Ảnh Internet)

Về thực trạng tiến hành chuyển đổi số của đơn vị mình trong thời gian qua, Tổng biên tập Tạp chí Thông tin và Truyền thông cho biết, quá trình thực hiện chuyển đổi số khá khó khăn với những tạp chí nhỏ, vì bên cạnh nguồn lực tài chính thì quan trọng nhất là nguồn lực con người. Chuyển đổi số không thể tách rời việc đào tạo, phát triển kỹ năng số cho chính phóng viên, biên tập viên của toà soạn.

"Phần lớn các tạp chí thì nhân lực chủ yếu là người lớn tuổi. Các PV, BTV lớn tuổi thì sự đổi mới, tiếp cận cái mới sẽ thua kém đội trẻ rất nhiều. Ngay cả Tạp chí Thông tin và Truyền thông làm trong lĩnh vực CNTT, cũng gặp khó khăn về vấn đề này", ông Bá chia sẻ.

Ngoài ra, theo ông Bá, một thách thức lớn trong chuyển đổi số là câu chuyện bảo vệ bản quyền cho việc đổi mới sáng tạo. Nhiều toà soạn ứng dụng công nghệ làm ra một sản phẩm báo chí sau đó các đơn vị khác khai thác lại, đó là việc không công bằng. Chúng ta cần tôn trọng bản quyền của nhau.

Thực tế cho thấy, nhờ chuyển đổi số phân khúc các tờ báo có quy mô vừa và nhỏ đã nhanh chóng chứng tỏ được sức hút đối với công chúng, bằng khả năng chuyển tải thông tin tới bạn đọc gần như đồng thời với sự kiện cùng lượng thông tin đồ sộ, thậm chí không có sự giới hạn về dung lượng.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi số cũng còn nhiều khó khăn. Đó là phương thức làm báo truyền thống không còn thu hút độc giả như trước đây. Phần lớn bạn đọc, nghe, xem qua các phương tiện số, cùng với sự lấn át của truyền thông xã hội. Bên cạnh đó cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu, đội ngũ nhân lực, đặc biệt là các kỹ sư công nghệ chưa nhiều là những thách thức lớn của các toà soạn khi không có đội ngũ công nghệ đứng sau.

Theo WAN-IFRA, có một thách thức chung nhất đối với các cơ quan báo chí của cả khu vực châu Á-TBD chứ không chỉ Việt Nam là tư duy “text-base” (tạm dịch là phụ thuộc vào các loại hình báo chí truyền thống, không chịu đổi mới). Nên chuyển đổi số phải bắt nguồn từ thay đổi nhận thức, và tốt nhất là thay đổi tư duy của người đứng đầu các cơ quan báo chí.

Thay đổi này cũng cần một quá trình, nhưng quá trình ấy phải được đẩy nhanh, nếu không sẽ bỏ lỡ các cơ hội thu hẹp khoảng cách với thế giới bên ngoài.


Theo: Hoài Giang/ NB&CL; (Nguồn: https://http://hoinhabaovietnam.vn//)



Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: