Videos


Xem thêm >>


Thư viện ảnh


Xem thêm >>


LIÊN KẾT



Thống nhất sửa Luật Báo chí trong năm 2025: Đề xuất 4 chính sách
Thứ năm, ngày 12 Tháng 12 năm 2024 lúc 00:00


Sáng 11/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung 4 dự luật, 1 dự thảo nghị quyết vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trong đó có sửa Luật Báo chí.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định. Ảnh: Gia Hân

Sáng 11/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung một số dự án luật, nghị quyết vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.

4 chính sách sửa Luật Báo chí

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết Chính phủ đề xuất bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) gồm:

Dự thảo nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp và dự Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi.

3 dự luật khác gồm Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Luật Báo chí sửa đổi; Luật Luật sư sửa đổi, Chính phủ đề xuất bổ sung, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2025) và thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).

Tòa án nhân dân tối cao cũng đề xuất bổ sung vào chương trình dự án Luật Phá sản sửa đổi.

Liên quan đến Luật Báo chí sửa đổi, theo ông Dũng, Chính phủ đề nghị xây dựng với 4 chính sách.

Bao gồm tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động báo chí; nâng cao chất lượng người làm báo, lãnh đạo cơ quan báo chí; thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí; điều chỉnh hoạt động báo chí trên không gian mạng.

Trong đó, dự kiến Luật Báo chí sẽ sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện cấp giấy phép hoạt động báo chí; thu hồi giấy phép hoạt động của cơ quan báo chí; quản lý nhà nước về báo chí tại địa phương.

Luật sẽ sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, nhiệm vụ và quyền hạn của cấp phó người đứng đầu cơ quan báo chí; yêu cầu về bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, đạo đức nghề nghiệp cho người làm báo trước khi cấp thẻ nhà báo lần đầu.

Các quy định về mô hình tổ hợp báo chí truyền thông; liên kết trong hoạt động báo chí; chính sách của nhà nước về phát triển báo chí; hoạt động trên không gian mạng của cơ quan báo chí… cũng là nội dung sẽ được sửa đổi, bổ sung.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết các ủy ban của Quốc hội cơ bản nhất trí với nội dung của 4 chính sách được nêu trong tờ trình của Chính phủ.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu, làm rõ một số nội dung về mối quan hệ giữa quy định về "tạp chí khoa học" với quy định về "tạp chí in", "tạp chí điện tử".

Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị làm rõ hình thức "xử lý vi phạm" với hội viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp của Hội Nhà báo Việt Nam và nghĩa vụ tham gia Hội Nhà báo Việt Nam đối với "người làm báo".

Cùng với đó, làm rõ mô hình tổ hợp báo chí truyền thông bảo đảm phù hợp với pháp luật về doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp công lập.

"Đề nghị nghiên cứu, làm rõ hình thức, điều kiện hoạt động của báo chí trên không gian mạng; chính sách quản lý đối với trang thông tin điện tử tổng hợp...", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói.

Các chính sách trong dự Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân

Đối với dự Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng nêu rõ Chính phủ đề xuất 4 chính sách.

Gồm thống nhất quy định pháp luật về các thuật ngữ pháp lý liên quan tới dữ liệu cá nhân và bảo vệ dữ liệu cá nhân, quy định cụ thể các quyền và nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu; hoàn thiện quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quá trình xử lý dữ liệu, hoàn thiện quy định bảo đảm các điều kiện, biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bám sát quan điểm chỉ đạo về đổi mới tư duy lập pháp.

Cụ thể, nghiên cứu quy định trong luật những vấn đề khung, có tính nguyên tắc về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, các nội dung hạn chế quyền con người, quyền công dân.

Còn những vấn đề cụ thể, chi tiết thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các bộ thì giao quy định bằng các văn bản dưới luật để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với thực tiễn.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt tán thành, đã quyết định bổ sung 4 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết trên vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.

Với Luật Luật sư sửa đổi, theo ông Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa bổ sung vào chương trình năm 2025 mà sẽ xem xét, đưa dự án luật này vào chương trình năm 2026.

Theo: Thành Chung - Báo Tuổi trẻ Online/ Nguồn: hoinhabao.vn



Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: