Đồng hành cùng doanh nghiệp
Cổng dịch vụ công quốc gia hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do... |
Đất và người Quảng Ninh
Sự phát triển báo chí tại Việt Nam dưới lăng kính của kinh tế học |
Thứ sáu, ngày 01 Tháng 11 năm 2024 lúc 00:00 |
Nhân 100 năm Ngày sinh của nhà báo - nhà ngoại giao Lý Văn Sáu (5/11/1924 - 5/11/2024), ngày 1/11 tới, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tổ chức Tọa đàm và Trưng bày chuyên đề “Nhà báo - nhà ngoại giao Lý Văn Sáu - một tấm lòng son sắt”. Đây là dịp để khẳng định, nhà báo-nhà ngoại giao Lý Văn Sáu là một trong những gương mặt tiêu biểu của Báo chí Cách mạng Việt Nam, để lại nhiều dấu ấn quan trọng trên mặt trận chính trị - ngoại giao phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và phát triển ngành phát thanh - truyền hình Việt Nam.
Một lòng theo cách mạng Nhà báo - nhà ngoại giao Lý Văn Sáu, tên thật là Nguyễn Bá Đàn, quê ở xã Nhân Thành (Yên Thành, Nghệ An). Từ nhỏ, ông đã được gia đình định hướng theo đuổi học vấn nghiêm cẩn. Ông đỗ bằng tú tài toàn phần ban Triết lý tại Huế. Đây là cuộc thi tú tài cuối cùng của chế độ thực dân phong kiến được tổ chức tại Huế, ít tháng sau cuộc đảo chính của Nhật (ngày 9/3/1945). Được trang bị học vấn căn bản là bệ đỡ cho nhà báo - nhà ngoại giao Lý Văn Sáu rèn luyện khả năng tự học sau này. Ông chủ động và bền bỉ tự học tập, trang bị cho mình kiến thức tổng hợp, am tường nhiều ngoại ngữ. Không chỉ đồng chí, đồng nghiệp mà ngay cả đối phương cũng phải thừa nhận ông là một nhà trí thức uyên bác, am hiểu sâu sắc các nền văn hóa. Cậu “Tú Đàn” sớm giác ngộ cách mạng. Ngay từ khi còn đi học ở Huế, năm 1944, ông đã tham gia quyên góp gạo cứu đồng bào bị đói. Năm 1945 về quê, ông tiếp tục dạy truyền bá quốc ngữ. Tại một cuộc họp thanh niên ở huyện lỵ Yên Thành, có ông Phan Anh, Bộ trưởng Bộ Thanh niên của chính phủ Trần Trọng Kim về dự, ông bất ngờ được tiến cử là “Thủ lĩnh thanh niên huyện”, có lẽ do các anh Việt Minh bí mật vận động. Nhà báo - nhà ngoại giao Lý Văn Sáu (hàng đầu, thứ hai, từ phải sang) tại Paris (Pháp). Ảnh: Getty Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời. Thế nhưng, nước nhà độc lập chưa được bao lâu thì thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta lần nữa. Trong những ngày Khánh Hòa kháng chiến, ông tham gia Thanh niên cứu quốc tại thành Diên Khánh, được tổ chức nhận ra có những năng khiếu phù hợp để làm báo, làm công tác thông tin tuyên truyền. Năm 1947, ông được giao nhiệm vụ làm Trưởng ty Thông tin tỉnh Khánh Hòa kiêm Tổng biên tập Báo Thắng (nay là Báo Khánh Hòa). Kỷ niệm đáng nhớ với nhà báo Lý Văn Sáu là gặp đồng chí Phạm Văn Đồng tại Hội nghị thông tin Liên khu V đầu năm 1948. Những lời động viên, định hướng của đồng chí Phạm Văn Đồng đã giúp ông giữ tinh thần lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vô cùng gian khổ, thiếu thốn trăm bề, song nhà báo Lý Văn Sáu đã nhanh chóng thích ứng, có nhiều cách làm sáng tạo. Cùng với tờ Báo Thắng in bằng tiếng Việt, ông cùng các đồng chí ra tờ báo binh vận bằng tiếng Pháp đặt tên là “Le Trait d’Union” (Gạch nối), giúp binh lính Pháp hiểu được vì sao ta kháng chiến, vạch trần bộ mặt thực dân, kêu gọi họ phản chiến. Từ tháng 6/1949 đến cuối năm 1953, ông đảm nhận nhiệm vụ Phó giám đốc Đài Phát thanh kháng chiến “Tiếng nói miền Nam” đóng tại Liên khu V. Trọn những năm tháng tuổi trẻ nhà báo Lý Văn Sáu đã dâng hiến cho sự nghiệp báo chí, phát thanh, mang tiếng nói của Đảng, của cách mạng đến với người dân, củng cố niềm tin của nhân dân vào thắng lợi của cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc. Nhà ngoại giao sắc sảo Sau Hiệp định Geneva, nhà báo Lý Văn Sáu tập kết ra Bắc, nhận nhiệm vụ tại Ban Thống nhất Trung ương. Năm 1962, ông bắt đầu sự nghiệp ngoại giao với cương vị Phó trưởng Cơ quan đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Cuba. Từ tháng 1/1969 đến tháng 9/1973, nhà báo - nhà ngoại giao Lý Văn Sáu tham gia Hội nghị Paris và sau đó là Hội nghị hiệp thương giữa hai bên miền Nam Việt Nam với tư cách ủy viên, cố vấn, người phát ngôn của Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Với vốn tri thức sâu rộng, cách ứng xử văn hóa, lịch thiệp, khả năng ứng biến tuyệt vời trước mọi tình huống, các cuộc họp báo do ông chủ trì sau mỗi phiên họp của hội nghị thu hút sự quan tâm sâu sắc của giới báo chí quốc tế. Mặt trận đấu tranh dư luận không tiếng súng nhưng rất phức tạp và không ít khó khăn. Phải suy nghĩ thật kỹ trước mỗi phát ngôn bởi đằng sau đó là thế cuộc đất nước, là sự nghiệp mà biết bao con người đang lao động, chiến đấu và hy sinh quên mình, là trách nhiệm chính trị to lớn của người làm báo, làm ngoại giao. Nhà báo-nhà ngoại giao Lý Văn Sáu (ngồi thứ hai, từ phải sang) đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì tại lễ trao tặng. Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp Nhiều người vẫn nhắc lại những “pha” ứng khẩu xuất thần đã trở thành giai thoại của nhà báo - nhà ngoại giao Lý Văn Sáu, người phát ngôn của đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Tại một cuộc họp báo, có nhà báo Mỹ đưa ra tấm bản đồ khá lớn và hỏi: “Mặt trận của các ông thường khoe là kiểm soát được hai phần ba lãnh thổ miền Nam Việt Nam, vậy ông vui lòng chỉ cho tôi xem trên tấm bản đồ này các vùng giải phóng đó ở đâu?”. Không hề do dự, ông trả lời: “Điều ông hỏi cũng là điều Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ ở Sài Gòn muốn biết. Xin ông hãy đọc thông cáo quân sự của Mỹ ngày hôm nay, xem máy bay của họ đã ném bom những nơi nào ở miền Nam Việt Nam thì những nơi ấy là vùng giải phóng của chúng tôi”. Một lần khác, có nhà báo hỏi ông về việc chính quyền Sài Gòn khoe khoang bản chất tốt đẹp của họ? Ông Lý Văn Sáu đáp: “Con lạc đà chui qua lỗ trôn kim còn dễ hơn chính quyền Sài Gòn tự cho mình là độc lập, dân chủ, yêu nước”. Hôm sau, tờ báo Công giáo La Croix viết: “Người phát ngôn Việt Cộng cũng dùng đến ngụ ngôn trong Kinh Thánh”. Nhiều đồng nghiệp cùng thời khẳng định, nhà báo - nhà ngoại giao Lý Văn Sáu luôn nắm vững và vận dụng nhuần nhuyễn tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh “dĩ bất biến ứng vạn biến”, luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Ông đã lý giải một cách ấn tượng về công việc của mình trong gần 5 năm ở Paris như sau: “Những người làm công tác phát ngôn báo chí chúng tôi trong chừng ấy năm trời chỉ nói bằng nghìn cách khác nhau một chân lý không gì thay đổi được, đó là: Nước Việt Nam là một, người Việt Nam dẫu ở miền Nam hay miền Bắc, cũng đều có nghĩa vụ thiêng liêng chung lưng đấu cật chống xâm lược Mỹ và tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc”. Không chỉ nổi bật với những câu trả lời sắc sảo, nhạy bén tại các cuộc họp báo, nhà báo - nhà ngoại giao Lý Văn Sáu còn tích cực tham gia các hoạt động đối ngoại nhân dân, vận động Việt kiều, các tầng lớp nhân dân cũng như chính giới các nước chia sẻ quan điểm, đồng tình, ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Khi đó, nhiều người bị bộ máy tuyên truyền khổng lồ của Mỹ tác động nên chưa hiểu rõ bản chất cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, chưa biết Việt Cộng là những người thế nào và chưa tin Việt Nam có thể chiến thắng. Khi giao tiếp với người dân các nước sở tại cũng như Việt kiều tại các nước châu Âu, nhà báo - nhà ngoại giao Lý Văn Sáu đã khéo léo tuyên truyền, giải thích để mọi người hiểu rõ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam, đồng tình, ủng hộ quan điểm của Việt Nam về các giải pháp kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Cũng nhờ hoạt động tích cực đó, nhiều quốc gia trên thế giới ngày càng mở rộng phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam, bày tỏ sự đoàn kết, ủng hộ Việt Nam, nhiều nước thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Cộng hòa miền Nam Việt Nam trước cả khi Hiệp định Paris được ký. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nguyên Trưởng phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris cho biết: “Anh Lý Văn Sáu là một nhà báo tầm cỡ, được mọi người rất quý mến và nể phục. Anh rất sắc sảo trả lời câu hỏi hóc búa của các nhà báo quốc tế. Mặt khác, trên mặt trận đấu tranh dư luận, anh Sáu đã phát huy được sở trường, kinh nghiệm báo chí của mình, có những đóng góp rất quan trọng vào thắng lợi chung”. Tận hiến với nghề báo Sau đại thắng mùa Xuân 1975, đồng chí Lý Văn Sáu được phân công giữ nhiều chức vụ quản lý cơ quan báo chí, đó là: Phó Giám đốc Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh và Truyền hình Việt Nam, Tổng Biên tập Đài Truyền hình Trung ương (nay là Đài Truyền hình Việt Nam), Tổng Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam, Phó Tổng Biên tập Thông tấn xã Việt Nam. Với bề dày kinh nghiệm làm báo và phát thanh từ giai đoạn kháng chiến chống Pháp, lại có cơ hội tiếp xúc với báo chí thế giới trong nhiều năm nên nhà báo Lý Văn Sáu đã có những chỉ đạo, định hướng làm báo rất nhạy bén, bắt kịp với xu thế hiện đại. Chẳng hạn, ông luôn mong muốn truyền hình phải đưa tin trực tiếp, đa chiều, có tính đối thoại với khán giả. Những điều này với báo hình ngày nay là hiển nhiên nhưng đặt trong bối cảnh truyền hình ở nước ta còn sơ khai thì tầm nhìn kể trên là cực kỳ mới mẻ. Nhà báo - nhà ngoại giao Lý Văn Sáu còn tích cực tham gia nói chuyện, trao đổi kinh nghiệm về nghề báo, thu hút sự quan tâm của đồng nghiệp, công chúng. Ông không chỉ truyền đạt những kinh nghiệm, kiến thức mà còn truyền cảm hứng, thắp sáng “lửa nghề” cho các đồng nghiệp trẻ. Với Báo Quân đội nhân dân, nhà báo - nhà ngoại giao Lý Văn Sáu luôn dành tình cảm đặc biệt. Ngoài tình cảm riêng với người con rể là Trung tướng Lê Phúc Nguyên, nguyên Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân, ông luôn dành cho Báo Quân đội nhân dân sự yêu mến và quan tâm sâu sắc, đánh giá cao vị thế và bản sắc độc đáo của tờ báo chiến sĩ. Những năm nghỉ hưu, tuy tuổi cao sức yếu, ông vẫn tích cực tham gia viết bài, viết thư đóng góp ý kiến, gợi ý cách lý giải, phân tích nhiều vấn đề thời sự, đặc biệt là lĩnh vực đối ngoại, nhằm nâng cao chất lượng các ấn phẩm của Báo Quân đội nhân dân. Từ mùa thu Tháng Tám lịch sử năm 1945 cho đến khi từ giã dương thế vào ngày 30/4/2012, đúng vào ngày kỷ niệm 37 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhà báo - nhà ngoại giao Lý Văn Sáu đã tận hiến tâm huyết và sức lực cho sự nghiệp báo chí cách mạng, đóng góp xứng đáng vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tấm gương lao động tận tụy, trách nhiệm, niềm đam mê và tâm huyết với nghề báo của ông đã để lại những bài học quý đối với người cầm bút hôm nay.
Theo: Trần Hoàng Hoàng; Nguồn: Báo Quân đội nhân dân Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|