Videos


Xem thêm >>


Thư viện ảnh


Xem thêm >>


LIÊN KẾT



50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh Quảng Ninh chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Thứ ba, ngày 27 Tháng 8 năm 2019 lúc 00:00

Với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thấy mối quan hệ biện chứng và vai trò cấp thiết của nhân tài trong sự nghiệp kháng chiến kiến quốc. Bác đã chỉ rõ, đội ngũ nhân tài cần thiết cho sự nghiệp này phải rất toàn diện, trên mọi lĩnh vực của đời sống. Học tập, vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người, những năm qua, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được Quảng Ninh xác định là một trong 3 khâu đột phá chiến lược, là yếu tố then chốt tác động tích cực và thúc đẩy việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh, bền vững.

Đoàn cán bộ tỉnh Quảng Ninh nhận chứng chỉ bồi dưỡng ngắn hạn về “Nghiệp vụ quản trị du lịch, khách sạn” tại Trường Đại học Công nghệ Auckland (AUT), New Zealand.

Thấm nhuần tư tưởng của Người, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai các giải pháp, tập trung nguồn lực cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Bước đi đột phá đầu tiên của tỉnh có thể kể đến là việc ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU về đẩy mạnh cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được ban hành năm 2014 (Nghị quyết 15). Đây được coi như kim chỉ nam trong thu hút và phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết này, Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao; đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo theo hướng hiện đại, bền vững; hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút nguồn nhân lực, đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển nguồn nhân lực cũng như huy động nguồn lực và đầu tư phát triển cơ sở vật chất. 

Trong phát triển nguồn nhân lực, tỉnh chủ trương xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp “vừa hồng vừa chuyên” như yêu cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người coi công tác huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính là khâu có ý nghĩa quyết định đến chất lượng cán bộ. Vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người, Quảng Ninh chú trọng Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực gắn với Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực tỉnh đến năm 2020”. Mỗi năm, tỉnh dành hàng chục tỷ đồng tổ chức các chương trình đào tạo trong nước và cử cán bộ tham gia bồi dưỡng ở nước ngoài. Bên cạnh đó, thực hiện mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế, tỉnh còn triển khai các chương trình hợp tác với các trường đại học trong và ngoài nước đã ký kết, như Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Công nghệ Auckland, New Zealand; hợp tác với tỉnh Vân Nam, Phúc Kiến (Trung Quốc) để thực hiện đào tạo theo cơ chế đặt hàng của tỉnh. Các chủ đề đào tạo luôn bám sát nhiệm vụ trọng tâm, trọng yếu của tỉnh, góp phần thúc đẩy hoạt động đối ngoại, cũng như học hỏi những mô hình hay, sáng tạo vận dụng vào tình hình thực tế tại địa phương. Trước yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, học tập tư tưởng của Người, Quảng Ninh cũng đặc biệt quan tâm bồi dưỡng kỹ năng sử dụng ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức các sở, ban, ngành.


Song song với đó, tỉnh đã lập, triển khai Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh và Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đến nay, 14/14 địa phương trong tỉnh đã phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực cấp huyện đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và ban hành kế hoạch triển khai. 

Trao cơ hội cho tuổi trẻ được tham gia các chương trình nghị sự như kỳ họp HĐND tỉnh, là một trong những cách làm sáng tạo của Quảng Ninh trong việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Ảnh: Đỗ Phương

“Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “là những người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”. Vận dụng sáng tạo quan niệm về công tác cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ việc thí điểm tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý các cấp, Quảng Ninh cũng tiến hành tuyển dụng công chức cấp xã theo hình thức thi tuyển tập trung tại tỉnh, với các tiêu chuẩn, điều kiện tuyển dụng được nâng lên so với quy định của Trung ương. Nhờ đó, chất lượng công chức cấp xã đã nâng lên rất nhiều.

Quảng Ninh đầu tư xây dựng một trường đại học chuyên biệt mang thương hiệu riêng, theo hướng trường đại học đa ngành, là cơ sở đào tạo nguồn lực của tỉnh. Tư tưởng trọng dụng người vừa có tài, vừa có đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh như kim chỉ nam xuyên suốt, thể hiện rõ nét nhất trong cách mà tỉnh chiêu mộ nhân tài cho Trường Đại học Hạ Long. Để thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao cho công tác giảng dạy, tỉnh áp dụng chính sách thưởng một lần và hỗ trợ lâu dài về nhà ở, mức lương và các chế độ đãi ngộ. Nhờ đó, sau 5 năm thành lập, Đại học Hạ Long đã thu hút được 10 tiến sĩ, 2 thạc sĩ vào làm việc và 40 phó giáo sư, tiến sĩ về thỉnh giảng. Để nâng cao chất lượng đầu vào, tỉnh ban hành chính sách thu hút và khuyến khích sinh viên học tập trong một số ngành đào tạo tại Trường Đại học Hạ Long. Theo đó, một sinh viên có thể được hưởng mức hỗ trợ tối đa lên tới trên 150 triệu đồng trong 4 năm học. Đáp lại những ưu tiên và kỳ vọng của tỉnh, thành quả bước đầu thật sự đáng vui mừng khi 100% sinh viên khóa I ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, trên 50% sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh đã tìm được việc làm đúng chuyên ngành đào tạo ngay sau tốt nghiệp. Kết quả này không chỉ khẳng định chất lượng đào tạo của nhà trường, mà còn cho thấy việc thành lập Đại học Hạ Long và xác định những ngành đào tạo mũi nhọn, nòng cốt của trường là một hướng đi hoàn toàn đúng đắn, đáp ứng yêu cầu về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.


211 sinh viên tốt nghiệp đại học khóa I của Trường Đại học Hạ Long. Ảnh: Lan Anh

Để có nguồn nhân lực chất lượng cao, tỉnh cũng ưu tiên dành nhiều nguồn lực cho phát triển giáo dục - đào tạo ngay từ các cấp học phổ thông. Trong 5 năm 2014-2019, tỉnh đã dành 806 tỷ đồng đầu tư cho giáo dục; tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục đạt trên 20% tổng chi ngân sách của địa phương. Toàn tỉnh hiện có 655 cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học với 99,1% số cán bộ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo. Ngoài nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, tỉnh chủ động thu hút đầu tư vốn ngoài ngân sách từ các doanh nghiệp trong việc phát triển hệ thống cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh. 

Với những giải pháp thiết thực, kiên quyết, đồng bộ và mạnh dạn trong đầu tư, mặc dù còn có những hạn chế, nhưng chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh được nâng lên rõ rệt trên nhiều lĩnh vực. Nếu như tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2010 là 48% thì đến năm 2018 đã nâng lên 75,2%. Sinh viên các hệ đào tạo tăng từ 293 người/vạn dân năm 2015 lên 395 người/vạn dân năm 2018. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu phát triển, có đủ trình độ, năng lực, phẩm chất chính trị, cơ cấu đồng bộ, hợp lý. Trong tổng số 25.063 cán bộ, công chức, viên chức, số có trình độ sau đại học chiếm 10,22%. Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, theo hướng tăng dần cho khu vực dịch vụ. Về năng suất lao động, dự kiến giai đoạn 2016-2020 tăng 11,6%/năm. Đây là nền tảng quan trọng xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh giàu đẹp và vững mạnh, vững bước tiến lên trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa như lời Bác dạy.

Theo: Hằng Ngần (baoquangninh.com.vn)



Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: