Videos


Xem thêm >>


Thư viện ảnh


Xem thêm >>


LIÊN KẾT



Giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng Giải báo chí Quốc gia
Thứ ba, ngày 09 Tháng 7 năm 2019 lúc 00:00

Những năm gần đây, Giải báo chí Quốc gia được tổ chức lại ngày càng khoa học, chặt chẽ. Quy mô được mở rộng, phù hợp với sự phát triển của xã hội và báo chí hiện đại. Chất lượng giải, chất lượng các tác phẩm dự giải, đoạt giải ngày càng được nâng cao, vấn đề trong các tác phẩm đoạt giải ngày càng đa dạng, phong phú, phản ánh những vấn đề đông đảo các tầng lớp xã hội quan tâm. Các tác phẩm đoạt giải cao không chỉ tập trung ở các cơ quan báo chí Trung ương, các cơ quan báo chí lớn, mà có ở hầu hết các vùng miền, các tỉnh thành. Điều này khẳng định uy tín của Giải báo chí Quốc gia và sự phát triển, lớn mạnh không ngừng của báo chí cách mạng Việt Nam đồng hành cùng đất nước trên con đường hội nhập. Tuy nhiên, nhìn lại các tác phẩm đạt giải cao tại Giải báo chí Quốc gia những năm gần đây chúng ta vẫn cảm thấy thiếu thiếu một cái gì đó. Thiếu những bài viết tạo nên các phong trào thi đua, thiếu những tác phẩm mang tính phát hiện, tổng kết thực tiễn, thiếu những bài đề cập sâu sắc đến những vấn đề của nền kinh tể thị trường, của hội nhập quốc tế, thiếu những bức ảnh tạo nên ấn tượng mạnh…


Hội đồng của tỉnh thẩm định xét Giải báo  chí Quảng Ninh và lựa chọn tác phẩm tham dự Giải báo  chí Quốc gia.


Theo tôi, nguyên nhân sâu xa của một vài hạn chế vừa nêu ở trên là do chúng ta chưa có sự quyết liệt, sáng tạo trong chỉ đạo hoạt động của các cấp Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí, đang ‘dễ dãi” hoá báo chí. Điều này thể hiện ở mấy khía cạnh sau:

     Các cấp Hội chưa thật chủ động phối hợp chỉ đạo đổi mới hoạt động báo chí, nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí, đến rèn luyện, đào tạo đội ngũ hội viên, còn tư tưởng khoán trắng cho các cơ quan báo chí.

     Chúng ta “dễ dãi” trong thành lập, in ấn các tác phẩm báo chí, trong quản lý toà soạn. Với số lượng khổng lồ các cơ quan báo chí, các ấn phẩm báo chí, chúng ta đang chấp nhận tình trạng “cái gì cũng đăng”, “viết kiểu gì cũng đăng”. Trên các ấn phẩm báo chí tràn ngập các bài viết “vô thưởng vô phạt” các bài “báo cáo hoá”, các dạng nửa tin, nửa bài, các bài “na ná như nhau”. Bên cạnh đó áp lực về tự chủ đã làm cho một số cơ quan báo chí đổ xô khai thác các vấn đề cá nhân, vụ án, tin tức giật gân, viết bằng mọi giá để có nhiều người xem, người đọc… mà quên đi tôn chỉ mục đích của mình. Đã ít đi rất nhiều những bài báo được đầu tư công phu, mang dấu ấn của trí tuệ sáng tạo.

     “Dễ dãi” trong đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ. Bây giờ, đôi lúc chúng ta cứ tự hỏi, tại sao đội ngũ đông đảo như vậy lại thiếu vắng những cây viết bình luận, những cây bút viết điều tra, những nhà báo nổi danh? Một mặt, như trên chúng ta đề cập, đó là một phần tác động của nền kinh tế thị trường, nhưng phải nhìn thẳng vào đội ngũ những người làm báo hiện tại thấy cũng có vấn đề. Một số không ít các các cơ quan báo chí coi nghề báo cũng như các nghề đơn giản khác mà không thấy tính đặc thù, không thấy hết trách nhiệm xã hội của báo chí nên đã không kỹ lưỡng trong tuyển chọn, không có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh về mọi mặt cho đội ngũ. Công tác đào tạo thiên về lý thuyết, ít thực tiễn. Không ít nhà báo “cái gì cũng biết” nhưng lại không biết cái gì cả, kiến thức chuyên ngành không có, không chịu học tập, nâng cao trình độ, đúng cũng không biết, sai cũng không hay, viết chung chung, đại khái cho xong, không dám xông váo các vấn đề mới, các vấn đề phức tạp để tìm tòi, khám phá, sáng tạo.

     Cũng có một bộ phận nhà báo, không tự mình thường xuyên rèn luyện về nhân cách, đã đánh đổi phẩm giá mình với những chiếc phong bì. Trong thực tế, đang xuất hiện một bộ phận các phóng viên “cổ cồn” với “3 lạnh”: “Đi xe lạnh, tác nghiệp trong phòng lạnh, viết báo theo kiểu máu lạnh”. Họ huênh hoang, doạ nạt, bới móc khi không được đối tác đáp ứng. Với họ, tác phẩm báo chí chất lượng cao không bằng phong bì dầy. Với đội ngũ ấy, làm thế nào để có tác phẩm báo chí chất lượng cao?

     Từ những thành tựu và các vấn đề nêu trên, để nâng cao hơn nữa chất lượng Giải báo chí Quốc gia, cần thiết phải quan tâm đến những vấn đề cụ thể sau đây:

     Thứ nhất, Hội Nhà báo Việt Nam, các cấp Hội nhà báo phải xác định Giải báo chí Quốc gia là động lực để đổi mới hoạt động của các cấp Hội, các cơ quan báo chí và là động lực để các nhà báo sáng tạo chứ không đơn giản chỉ là mục đích của các cấp Hội, các cơ quan báo chí, của hội viên. Từ quan điểm như vậy, cần thiết phải nâng cao hơn nữa công tác chỉ đạo từ các cấp Hội Trung ương, địa phương trong việc đổi mới hoạt động báo chí, gắn hoạt động báo chí với các vấn đề thực tiễn của từng vùng đất.

     Thứ hai, các cấp Hội phải phối hợp chặt chẽ với chuyên môn trong việc định hướng, chỉ đạo thực hiện tác phẩm báo chí chất lượng cao vừa phục vụ cho công tác tuyên truyền, vừa là nguồn để tham dự giải báo chí hàng năm, gắn việc đổi mới hoạt động của các cơ quan báo chí, các cấp Hội với sáng tạo các tác phẩm báo chí chất lượng cao. Xét cho cùng, Giải báo chí Quốc gia phải phục vụ cho sự đổi mới, phát triển của đất nước, sự khẳng định sự phát triển, tầm vóc của các cơ quan báo chí, của các cấp Hội chứ không phải là vinh quang cho bất cứ cá nhân nào. Như vậy mới là bản chất của nền báo chí cách mạng.

     Thứ ba, bản thân các cấp Hội cũng phải có phương pháp phù hợp, phải có hệ thống tuyển chọn, xét giải báo chí phù hợp với Giải báo chí Quốc gia.

     Thứ tư, Hội đồng giải báo chí Quốc gia nên được coi và hoạt động thường niên chứ không chỉ hoạt động trong thời gian xét giải như hiện nay. Về bản chất, thành viên Hội đồng Giải báo chí Quốc gia đều là các nhà báo kỳ cựu, giỏi nghề, những “cây đa, cây đề” trong làng báo, vì vậy không lẽ gì các cấp hội không tranh thủ kiến thức, kinh nghiệm của họ để gợi ý cho các chi hội, các nhà báo chọn lựa vấn đề, cách thể hiện tác phẩm chất lượng cao? Chắc chắn, từ những chủ động, đổi mới, sáng tạo, tìm tòi từ các cấp Hội, các nhà báo, được sự gợi mở của những thành viên Hội đồng, chúng ta sẽ có những tác phẩm xuất sắc hơn, chất lượng hơn. Tốt + tốt chắc chắn là thành 2 tốt tốt.

     Thứ năm, hiện tại chúng ta chỉ chú ý đến điểm dừng là việc xét giải các tác phẩm báo chí và công bố giải, chưa chú ý đến “hậu” tác động xã hội của Giải báo chí Quốc gia. Trước hết cần tập hợp các tác phẩm đạt giải cao, in ấn, phát hành cho các chi hội làm tài liệu sịnh hoạt nghiệp vụ. Sau đó, tiếp tục đăng tải các tác phẩm này ở các cơ quan báo chí từ trung ương đến địa phương. Từ quan điểm, Giải báo chí Quốc gia phải thực sự góp sức vào công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, các tác phẩm đạt giải cao sẽ có cơ hội thử thách lần hai, khi các cấp, các ngành, đông đảo độc giả, hội viên trong toàn quốc đón nhận, kiểm chứng.

     Thứ sáu, về lâu dài, nên quan tâm đến việc đào tạo đội ngũ những người làm báo 4.0. 5.0… cho tương lai, một thế hệ làm nên bản sắc và quyết định sự thành bại của nền báo chí cách mạng. Chú trọng chính sách đào tạo, quản lý và vai trò tự thân của người làm báo. Đào tạo nhà báo phải mang tính đặc thù từ tuyển chọn, đến cách đào tạo, kỹ năng sử dụng các phương tiện và chất lượng đội ngũ giảng viên. Chính sách tốt của người quản lý để khuyến khích và “cưỡng chế” mỗi người làm báo phải tự học tập, rèn luyện, còn người làm báo phải tự mình học tập, rèn luyện để vươn lên.

     Thứ bẩy, nếu đã xác định “Báo chí là vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng” thì cần thiết phải chăm lo, đầu tư, cần quan tâm hơn đến điều kiện vật chất của các toà soạn báo, của các nhà báo. Tất nhiên, các cơ quan báo chí cũng phải vươn lên tự chủ một phần, nhưng không thể khoán trắng, không thể để báo chí bươn chải kiếm tiền bằng mọi giá, khi đó sẽ ít đi những tác phẩm báo chí thực thụ.


     Cuối cùng, liệu chúng ta có “toàn cầu hoá” “toàn quốc hoá” các tác phẩm tham dự Giải báo chí quốc gia được không? Bây giờ có rất nhiều vấn đề không chỉ của một tỉnh, hoặc có những kinh nghiệm quý của tỉnh này có thể áp dụng cho tỉnh khác, từ đó lại nảy sinh nhiều vấn đề mới. Ví dụ, bài báo đúc rút nhiều cách làm hay của tỉnh A, được tỉnh B áp dụng, từ thực tế tỉnh B lại nảy sinh một vài vấn đề mới, bổ sung ngược lại kinh nghiệm cho tỉnh A và một số tỉnh khác, nếu liên kết tác phẩm như vậy thì hiệu quả, tác động xã hội của báo chí sẽ tăng cao./.

Việt Nguyễn