Đồng hành cùng doanh nghiệp
Cổng dịch vụ công quốc gia hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do... |
Đất và người Quảng Ninh
Hội nghị Văn hóa toàn quốc trực tuyến |
Thứ năm, ngày 25 Tháng 11 năm 2021 lúc 00:00 |
Sáng 24/11, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và chỉ đạo hội nghị. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành và các điểm cầu cấp huyện, cấp xã. Tại điểm cầu tỉnh Quảng Ninh có sự tham dự của các đồng chí: Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Hội VHNT, Liên hiệp các hội KHKT tỉnh và đại biểu trí thức, văn nghệ sỹ. Hội nghị còn được kết nối trực tuyến đến 13 điểm cầu cấp huyện, 177 điểm cầu cấp xã, với gần 7.400 đại biểu trên địa bàn Quảng Ninh tham dự. Quang cảnh hội nghị tại Nhà Quốc hội. Hội nghị nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước và triển khai quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, nội dung nổi bật trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đây là lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược. Hội nghị cũng là diễn đàn để lắng nghe và là dịp cổ vũ, động viên các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước, tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, triển khai thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Quang cảnh tại điểm cầu tỉnh Quảng Ninh. Hội nghị đã nghe đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, trình bày Báo cáo tóm tắt về kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tại Quảng Ninh, trong những năm qua, tỉnh luôn quan tâm, chú trọng đến phát triển văn hoá, con người bằng những chỉ đạo, hành động và giải pháp cụ thể. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 9/3/2018 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục xác định phát triển văn hoá, con người Quảng Ninh là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Trong đó, tập trung kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững, với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh. Thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền và các tầng lớp nhân dân. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, công nghiệp thời trang, dựa trên nền tảng công nghiệp sáng tạo được tổ chức sản xuất ở trình độ cao. Xây dựng con người Quảng Ninh năng động, sáng tạo, hào sảng, lành mạnh, văn minh, thân thiện... Với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, Quảng Ninh đã có bước đột phá trong việc huy động các nguồn lực đầu tư thiết chế văn hóa, thể thao đồng bộ, hiện đại, với các công trình nổi bật. Đầu tư, tôn tạo, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, các khu di tích đặc biệt quốc gia, góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch phát triển. Công nghiệp văn hóa bước đầu được hình thành, đã có một số sản phẩm văn hóa đặc trưng thu hút sự quan tâm của đông đảo khách du lịch và góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân… Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe lãnh đạo bộ, ngành, địa phương cùng đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ trình bày tham luận về kinh nghiệm, giải pháp, nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: tuoitre.vn Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng, biểu dương, cảm ơn những đóng góp to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn thể cán bộ, đảng viên và đặc biệt là của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, các lực lượng tham gia trên mặt trận văn hóa trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Tổng Bí thư cũng chỉ rõ cần nhìn nhận thẳng vào những hạn chế, bất cập, yếu kém trên lĩnh vực văn hóa, để tìm ra nguyên nhân, giải pháp khắc phục. Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng, phát triển nền văn hóa của dân tộc, Tổng Bí thư đề nghị: Cần phải khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường; tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập, với những giá trị chuẩn mực, phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia, dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại là: Đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương và sáng tạo. Tổng Bí thư cũng đặt ra yêu cầu cần phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại; nâng cao chất lượng, hiệu quả, sáng tạo, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng trước những cái xấu, phi văn hóa, phản văn hóa; bảo vệ những giá trị chân, thiện, mỹ; nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân, xây dựng đời sống văn hóa vui tươi, lành mạnh, hạnh phúc; khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền của đất nước. Phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là nhân dân; đề cao phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, những người làm công tác văn hóa. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý, cần chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để Đảng ta và hệ thống chính trị của nước ta thực sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam; xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý của Nhà nước, sự tham gia tích cực của MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội trong sự nghiệp phát triển văn hóa. Xây dựng môi trường văn hóa số, phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số; làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp lần thứ 4; khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh. Các đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Quảng Ninh. Để chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo những phương hướng trên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Thời gian tới, cần đặc biệt chú trọng tiếp tục nâng cao nhận thức và đổi mới năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, nhằm bảo đảm sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong xây dựng, phát triển văn hóa từ Trung ương đến cơ sở. Cấp ủy đảng và chính quyền các cấp phải nhận thức sâu sắc và quán triệt đầy đủ các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về văn hóa. Trên cơ sở đó, xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện, huy động tối đa nguồn lực để phát triển văn hóa; khắc phục tư tưởng “duy kinh tế”, chỉ tập trung vào kinh tế mà ít quan tâm đến văn hóa; phải quán triệt nghiêm túc quan điểm: Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Công tác quản lý Nhà nước cũng cần sớm khắc phục tình trạng chậm thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi về phát triển văn hóa, xây dựng con người; xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, chú ý đến tính đặc thù của hoạt động văn hóa nghệ thuật; khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hóa… Trong quá trình đa dạng hóa các hoạt động văn hóa, Nhà nước cần chú trọng đầu tư vào dòng chủ lưu của văn hóa cách mạng để làm nòng cốt và dẫn dắt, truyền cảm hứng chủ đạo trong việc bồi dưỡng tư tưởng, tâm hồn, tình cảm trong sáng, lành mạnh, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội... Quang cảnh tại điểm cầu tỉnh Quảng Ninh. Cũng trong chiều nay đã diễn ra hội nghị triển khai Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030. Mục tiêu của chiến lược là xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại, yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những tác động to lớn với KT-XH và con người từ thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng… Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền, các đối tượng chính sách và yếu thế; chú trọng phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa, gắn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế; có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, huy động nguồn lực để phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Theo: Trúc Linh; (Nguồn: https://baoquangninh.com.vn/) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|