Videos


Xem thêm >>


Thư viện ảnh


Xem thêm >>


LIÊN KẾT



Biên đạo Lê Nhật Trường gửi niềm hạnh phúc vào múa
Thứ năm, ngày 01 Tháng 8 năm 2019 lúc 00:00


Với biên đạo múa Lê Nhật Trường, hạnh phúc đơn giản chỉ là được thỏa sức tung hoành, trải nghiệm và khám phá niềm đam mê nghệ thuật của mình. Và niềm hạnh phúc đó được đặt trọn vào múa.

Biên đạo múa Lê Nhật Trường.


Lê Nhật Trường sinh năm 1982, trong một gia đình có truyền thống hoạt động nghệ thuật, có bố là đạo diễn Lê Chính, nguyên Chủ tịch Hội VHNT Quảng Ninh, mẹ là diễn viên Trang Dung. Lê Nhật Trường được tiếp thêm quyết tâm để đi theo nghệ thuật múa. Năm 13 tuổi, anh trúng tuyển vào Trường Cao đẳng múa Việt Nam.

Trong những năm học tại trường, anh đã tham gia nhiều hội diễn, cuộc thi và đều được giải cao. Nhật Trường tốt nghiệp loại xuất sắc, khóa học (1996- 2003) và được giữ lại làm giảng viên nhưng anh lại quyết định về công tác tại Trường Cao đẳng VHNT và Du lịch Hạ Long nay là Trường Đại học Hạ Long.

Năm 2006, anh thi đỗ vào khoa Biên đạo múa Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Năm 2010 anh lại một lần nữa nhận bằng tốt nghiệp loại giỏi được giữ lại làm giảng viên nhưng anh từ chối để trở về phát triển, gây dựng  nghệ thuật múa trên chính quê hương mình. Hiện nay, anh vừa làm giảng viên, vừa sáng tác và làm đạo diễn nhiều tác phẩm ca ngợi vẻ đẹp của vùng đất và con người Quảng Ninh.

Lúc mới vào nghề, Lê Nhật Trường cũng đã bị ảnh hưởng bởi quan điểm của một số người khi cho rằng múa chỉ hợp với phụ nữ. Vì vậy biên đạo múa Lê Nhật Trường vẫn luôn khắt khe với mình và khổ luyện với nghề. Dù ở thời điểm nào là sinh viên ngành múa hay đã trở thành biên đạo múa, anh vẫn không ngừng nâng cao chuyên môn bản thân, với một mong muốn làm sao đưa được nghệ thuật múa đến với sinh viên và công chúng một cách hoàn hảo nhất. 

Theo biên đạo Lê Nhật Trường, múa là một bộ môn nghệ thuật biểu diễn sử dụng ngôn ngữ hình thể để phản ánh tình cảm, cuộc sống. Nguồn gốc của nghệ thuật múa chính là những hành động của con người trong đời sống, trong quá trình lao động cộng với sự quan sát thiên nhiên. Từ đó, các động tác múa có những thay đổi, cải tiến, đi đến khái quát nghệ thuật nên bản thân người nghệ sĩ múa như Lê Nhật Trường luôn phải luyện tập, trau dồi từng ngày để có thể đạt được sự thăng hoa trong nghề. Với sự tận tâm, có nghề anh đã được bạn bè đồng nghiệp và học trò nể trọng. Nhiều lớp học trò của anh, sau khi tốt nghiệp đều đã đầu quân cho các đoàn ca múa chuyên nghiệp, các trường nghệ thuật.



Một tiết mục múa đôi của Lê Nhật Trường. Ảnh: Nhân vật cung cấp.


Lập nghiệp ở Quảng Ninh, biên đạo múa Lê Nhật Trường đi sâu khai thác những đề tài về biển, về than, về những người công nhân mỏ. Anh đã biên đạo nhiều tác phẩm, tham dự nhiều chương trình, hội diễn, hội thi, liên hoan cả trong và ngoài tỉnh, cả chuyên và không chuyên. Anh được trao nhiều giải thưởng tiêu biểu như: Hai huy chương vàng tại các hội diễn chuyên nghiệp với các tác phẩm “Những ngôi sao tỏa sáng”, “Đôi bạn”;  giải Nhất giải thưởng Văn Nghệ Hạ Long  lần thứ VII (2006-2010), giải Nhì giải thưởng Văn Nghệ Hạ Long lần thứ VIII (2011-2015) của UBND tỉnh, 15 Huy chương vàng trong các đợt hội diễn của tỉnh, trong khu vực và của các bộ, ngành. Với những đóng góp cho nghệ thuật múa, năm 2016, biên đạo Lê Nhật Trường vinh dự được UBND tỉnh Quảng Ninh trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Vùng mỏ.

Là một người biểu diễn và trực tiếp giảng dạy, Lê Nhật Trường luôn đau đáu khát vọng đào tạo sinh viên trẻ có niềm đam mê với nghệ thuật múa, mong muốn tạo ra môi trường hoạt động chuyên nghiệp, nhất là vùng đất Quảng Ninh nơi có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, quảng bá văn hóa với bạn bè quốc tế.

Nguồn: Huỳnh Đăng (baoquangninh.com.vn)