Videos


Xem thêm >>


Thư viện ảnh


Xem thêm >>


LIÊN KẾT



'Lằn ranh' bảo vệ nhà báo
Thứ sáu, ngày 23 Tháng 6 năm 2023 lúc 00:00
GD&TĐ - Sau hơn 6 năm thi hành, Luật Báo chí năm 2016 đã bộc lộ bất cập nên cần sửa đổi, bổ sung một số điều.
Nhà báo Nguyễn Văn Toản (đứng giữa) tác nghiệp tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ảnh: NVCC
Nhà báo Nguyễn Văn Toản (đứng giữa) tác nghiệp tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ảnh: NVCC

Đội ngũ nhà báo mong có chế tài đủ mạnh để bảo vệ người làm báo; đồng thời làm rõ “lằn ranh” để nhà báo không bước qua trong quá trình tác nghiệp.

Để nhà báo yên tâm tác nghiệp

Hơn 10 năm trong nghề, nhà báo Nguyễn Văn Toản, Báo Nhân dân nhận thấy, làm báo là nghề vinh quang nhưng cũng đầy thách thức và nguy hiểm. Thời gian qua, có nhiều vụ cản trở, hành hung phóng viên khi tác nghiệp; trong đó có một số vụ khá nghiêm trọng. Những hành vi côn đồ, trái pháp luật đã đe dọa, xúc phạm đến danh dự, tính mạng của nhà báo.

Theo nhà báo Nguyễn Văn Toản, mặc dù các nhà báo tác nghiệp theo nhiệm vụ được phân công và đúng pháp luật, nhưng việc tự bảo vệ bản thân còn hạn chế và chưa có sự phối hợp chặt chẽ với đơn vị chức năng để quá trình tác nghiệp được an toàn, hiệu quả. “Câu hỏi đặt ra là, ai sẽ bảo vệ nhà báo trước những đối tượng nêu trên? Luật pháp, chính quyền, cơ quan chủ quản hay lãnh đạo cơ quan báo chí bảo vệ nhà báo?”, nhà báo Nguyễn Văn Toản đặt vấn đề.

Từ thực tiễn nêu trên, nhà báo Nguyễn Văn Toản đề nghị, một trong những nội dung cần đạt được khi sửa đổi Luật Báo chí là quy định cụ thể trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan trong việc bảo vệ nhà báo tác nghiệp theo nhiệm vụ được phân công và đúng pháp luật. Đồng thời, phải có chế tài xử lý đủ sức răn đe để chấm dứt tình trạng xúc phạm, hành hung, đe dọa, uy hiếp nhà báo cả trên thực địa lẫn môi trường mạng. Có như vậy, đội ngũ người làm báo mới có thể yên tâm tác nghiệp, đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc.

'Lằn ranh' bảo vệ nhà báo ảnh 1

Phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội bị nhóm đối tượng hành hung hôm 6/6/2023. Ảnh: INT

Cho rằng, Luật Báo chí năm 2016 đã bộc lộ những bất cập cần được sửa đổi, bổ sung, nhà báo Đỗ Ngọc Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh viện dẫn, Luật Báo chí hiện hành chưa đề cập đến một số mô hình mới trong cơ quan báo chí như: Tổ hợp truyền thông, tòa soạn hội tụ, cơ quan truyền thông… Do đó, cần được cụ thể hóa trong Luật để cập nhật và phù hợp với xu thế phát triển của báo chí hiện đại.

“Tại Quảng Ninh, từ ngày 1/1/2019, Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh được thành lập trên cơ sở hợp nhất Báo Quảng Ninh, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Ninh, Phòng Biên tập Cổng thông tin điện tử tổng hợp tỉnh (thuộc Trung tâm Thông tin, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh), Báo Hạ Long. Đây là mô hình cơ quan báo chí mới, chưa có tiền lệ”, nhà báo Đỗ Ngọc Hà thông tin, đồng thời nhấn mạnh: Để tiến tới hình thành và phát triển một số dịch vụ thông tin báo chí và tin tức với các loại hình, sản phẩm truyền thông khác nhau, cần thêm chế tài và văn bản hướng dẫn.

Ngoài ra, Đài Truyền thanh và Truyền hình cấp huyện đã chuyển sang mô hình Trung tâm Truyền thông và Văn hóa, do đó các phóng viên, biên tập viên công tác tại những đơn vị này không thuộc đối tượng được cấp đổi thẻ nhà báo (theo Điều 26 Luật Báo chí năm 2016). Trong khi đó, theo Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam hiện hành, các phóng viên công tác ở các Trung tâm Truyền thông và Văn hóa cấp huyện chỉ được kết nạp vào Hội Nhà báo Việt Nam khi đã được cấp thẻ nhà báo. Đây là sự thiệt thòi, bất hợp lý đối với đội ngũ phóng viên công tác ở cấp huyện.

'Lằn ranh' bảo vệ nhà báo ảnh 2

Các phóng viên tác nghiệp tại khu vực dành cho báo chí của Quốc hội. Ảnh: TG

Bảo vệ quyền tác nghiệp của nhà báo

Theo PGS.TS Đinh Thị Thu Hằng, Trưởng khoa Phát thanh Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, một trong những điểm nổi bật của Luật Báo chí 2016 là quyền tác nghiệp của nhà báo và nguồn tin được tăng cường bảo vệ, tạo điều kiện để nhà báo xâm nhập thực tế, bám sát đời sống để thông tin đầy đủ, kịp thời. Luật Báo chí 2016 quy định nhà báo có quyền hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Việt Nam, hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp; được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật; được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí.

Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật. Luật Báo chí nghiêm cấm cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.

Do vậy, để bảo vệ nguồn tin, Luật Báo chí cần tiếp tục quy định chặt chẽ hơn về việc cơ quan báo chí và nhà báo khi nào phải tiết lộ người cung cấp thông tin. Việc này chỉ được thực thi khi có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên để phục vụ điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, cùng với quy định tổ chức bảo vệ người cung cấp thông tin.

Từ việc quy định và tăng cường bảo vệ quyền tác nghiệp của nhà báo và nguồn tin, đội ngũ nhà báo từ Trung ương đến địa phương cần được tạo điều kiện để hoạt động nghề nghiệp, tạo ra diện mạo báo chí phong phú, đa dạng. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện để nhà báo thu thập thông tin, thúc đẩy công khai thông tin, dân chủ hóa đời sống.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp. Cơ quan báo chí phải sử dụng chuẩn xác nội dung thông tin được cung cấp. Cơ quan hành chính Nhà nước có trách nhiệm cử người phát ngôn, thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí định kỳ và đột xuất, bất thường…

Cũng theo PGS.TS Đinh Thị Thu Hằng, các cơ quan báo chí và người làm báo bước đầu thực hiện nghiêm chỉnh Luật Báo chí. Cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và người dân đã tham gia cung cấp thông tin cho báo chí tương đối kịp thời và thường xuyên hơn. Vai trò, vị thế và trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân của người làm báo được nâng cao. Nhà báo Việt Nam được hoạt động trong môi trường pháp lý phù hợp với báo chí quốc tế.

'Lằn ranh' bảo vệ nhà báo ảnh 3

Sinh viên báo chí Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) thực hành tại trường quay. Ảnh: NTCC

Trang bị hành trang cho nhà báo tương lai

Theo nhà báo Đỗ Ngọc Hà, Luật Báo chí năm 2016 chưa có điều khoản quy định cụ thể về việc cơ quan báo chí, nhà báo hoạt động báo chí phải tuân thủ theo tôn chỉ, mục đích như Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. “Đã có câu chuyện về tôn chỉ, mục đích của một số cơ quan báo chí được cấp phép không có giới hạn... Vì vậy tôi cho rằng, khi sửa đổi Luật Báo chí năm 2016 cần quy định cụ thể, rõ ràng để thực thi có hiệu quả vấn đề tôn chỉ mục đích trong hoạt động của các cơ quan báo chí”, nhà báo Đỗ Ngọc Hà đề xuất.

Có như vậy mới khắc phục được tình trạng phóng viên các cơ quan tạp chí yêu cầu cung cấp thông tin vượt quá phạm vi, tôn chỉ mục đích, gây phiền hà cho địa phương, cơ sở. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh, chỉ khi Luật quy định chặt chẽ, đầy đủ thì mới bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của các bên, gồm cơ quan báo chí, người làm báo và đối tượng được báo chí phản ánh.

Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Hòa (Đoàn Đại biểu Quốc hội Đồng Tháp) cho rằng, cần có những “lằn ranh”, với quy định rõ ràng, tường minh để nhà báo không “vượt rào”. Nói cách khác, đó là những điều nhà báo, cơ quan báo chí không được làm. Tuy nhiên, Ban Soạn thảo cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định chặt chẽ nhằm tạo điều kiện và bảo vệ an toàn cho nhà báo khi tác nghiệp; ở đó có gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương và cơ quan hữu quan.

“Tôi muốn nhấn mạnh đến trách nhiệm phối hợp, cung cấp thông tin và trách nhiệm bảo đảm an toàn cho nhà báo khi tác nghiệp tại cơ quan đơn vị hoặc địa phương nào đó”, ông Phạm Văn Hòa nêu ý kiến và tất cả vấn đề này có thể thiết kế thành một chương trong dự án Luật Báo chí (sửa đổi).

Về phía cơ sở đào tạo, đại biểu đoàn Đồng Tháp đề nghị, cần đẩy mạnh giáo dục, đào tạo về đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời trang bị cho người học những kỹ năng, năng lực nghề nghiệp để có thể hành nghề sau khi ra trường. “Tôi mong Ban Soạn thảo dự án Luật Báo chí (sửa đổi) có thể bổ sung thêm trách nhiệm của các trường trong việc đào tạo, bồi dưỡng về nghề báo. Làm sao để người học có được hành trang vững vàng trước khi tham gia vào hoạt động báo chí”, ông Phạm Văn Hòa bày tỏ.

Từ góc nhìn thực tiễn, nhà báo Nguyễn Văn Toản cho rằng, song hành với quy định của pháp luật, các nhà báo cũng cần có biện pháp tự bảo vệ mình trước những tình huống phát sinh ngoài mong muốn, thậm chí có thể ảnh hưởng tới sự an toàn của bản thân. Đây cũng là những nội dung cần được đưa vào giảng dạy trong cơ sở đào tạo về lĩnh vực báo chí, truyền thông. Qua đó, giúp sinh viên có nhãn quan về hoạt động báo chí; từ đó chuẩn bị cho mình hành trang trước khi bước vào thực tiễn.

Theo đó, cơ sở đào tạo cần hướng dẫn sinh viên từ việc chuẩn bị cho quá trình tác nghiệp ra sao; thực hiện như thế nào cho đúng quy định và các biện pháp ứng phó khi gặp những tình huống bị cản trở tác nghiệp. Đặc biệt, trong quá trình giảng dạy, cần đưa ra tình huống thường xảy ra trong thực tế như: Bị cản trở tiếp cận thông tin, bị tịch thu phương tiện hành nghề, bị chửi bới, lăng mạ, đe dọa, hành hung, đánh đập, vu khống… Tương ứng với đó là các biện pháp xử lý trong từng trường hợp. Thông qua đó, sinh viên sẽ tích lũy kiến thức, bài học kinh nghiệm để bổ sung vào hành trang nghề nghiệp cho mình sau này.

Theo: Nguyễn Văn Toản; Nguồn: giaoducthoidai.vn


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: