Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Trần Thái Sơn: Nhiều tác phẩm chân thực, lay động lòng người
Thứ tư, ngày 09 Tháng 11 năm 2022 lúc 00:00

Chia sẻ về công tác tổ chức và chấm Giải, ông Trần Thái Sơn - Phó Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo, Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải nhận định: Giải báo chí “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” đã có sức hút mạnh mẽ với các nhà báo.

Số đơn vị tham gia năm nay cũng rất đa dạng, trong đó có rất nhiều tỉnh thành phố. So với nhiều mùa giải trước, số lượng tỉnh tham gia đã phong phú, trải dài từ Bắc đến Nam. Số lượng tác phẩm đoạt giải của các địa phương cũng đã tăng nhiều so với các năm trước.

Họp báo tổng kết Giải báo chí 'Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam' năm 2022  ảnh 4

Ông Trần Thái Sơn, Phó Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, phát biểu.

Chất lượng các tác phẩm dự thi năm nay khá tốt, phản ánh đậm nét về đời sống giáo dục và bám sát các vấn đề thời sự của ngành Giáo dục. Nhiều tác phẩm đã để lại ấn tượng sâu sắc, bởi có sự đầu tư công phu từ nội dung cho đến hình thức thể hiện.

Ở lần tổ chức các năm trước, tác phẩm tham dự giải đi sâu phân tích những vấn đề “nóng” của ngành và những câu chuyện cảm động của các nhà giáo cắm bản, bám trường, bám lớp, tình nguyện gieo chữ nơi rẻo cao xa xôi của Tổ quốc. Ở mùa Giải năm nay, bên cạnh những đề tài, câu chuyện nêu trên, các tác phẩm phản ánh rõ nét những vấn đề thời sự của ngành Giáo dục và mang đậm hơi thở cuộc sống. Nhiều bài có tính chất phản biện mạnh mẽ.

Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" được tổ chức thường niên, thể hiện sự quan tâm của Bộ GD&ĐT đối với các cơ quan thông tấn báo chí trên cả nước, bởi báo chí đã luôn đồng hành cùng ngành Giáo dục trong công cuộc đổi mới. Đây là giải thưởng có ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc. Thành công của Giải cho thấy vai trò của báo chí đối với sự nghiệp GD-ĐT của nước nhà và vai trò đặc biệt quan trọng của GD-ĐT với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ông Trần Thái Sơn

Từ các mảng đề tài trong các tác phẩm tham dự Giải, bức tranh giáo dục được truyền tải và lan tỏa những giá trị tích cực đến với toàn xã hội. Điển hình như hai nhân vật được lựa chọn để đề xuất Nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải:

Tấm gương học sinh Hoàng Thị Mũ trong tác phẩm “Không gục ngã” - VOV4 Đài Tiếng nói Việt Nam. Em là người dân tộc Mông ở Bảo Lâm, Cao Bằng. Năm 2010, mất mẹ do lũ cuốn, khi đó em mới 7 tuổi, em đã thay mẹ nuôi 2 em còn khát sữa. 10 tuổi cha mất, em lại thay cha làm trụ cột gia đình. Vậy mà em vẫn thực hiện được ước mơ đi học.

Em là học sinh giỏi nhiều năm và được nhận học bổng của Học viện Quảng Tây, Trung Quốc. Hiện em đã lo cho 2 em trưởng thành, có công ăn việc làm. Em thực sự là tấm gương vượt khó vươn lên.

Thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ - giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng (xã Trà Mai, huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam) trong tác phẩm Chuyện “Vỹ khùng” - Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Quảng Nam. Thầy là tấm gương sáng trong học tập và làm theo Bác Hồ với 22 năm gắn bó với giáo dục miền núi Nam Trà My.

Thầy Vỹ đã hy sinh tuổi trẻ để dạy chữ cho các em; kết nối để vận động xây dựng được 60 điểm trường, nhà ở cho học sinh và giáo viên, kêu gọi 18.000 phần quà cho người dân vùng cao. Tổng số tiền thầy kêu gọi giúp người dân là hơn 100 tỷ đồng.

“Nhìn chung, chất lượng tác phẩm đồng đều, khoảng cách giữa báo chí trung ương và báo chí địa phương được thu hẹp. Nhiều tác phẩm chân thực, xúc động, lay động lòng người, thể hiện sự dấn thân của phóng viên, có tính lan tỏa cao trong xã hội.

Đặc biệt, năm nay, loại hình Phát thanh - Truyền hình có số lượng tác phẩm tăng nhiều hơn so với các năm trước, chất lượng cao hơn mọi năm cả về nội dung và hình thức” - ông Trần Thái Sơn nhận định.

Theo:Hải Bình/ báo Giáo dục & thời đại; (Nguồn: hoinhabaovietnam.vn)



Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: