Videos


Xem thêm >>


Thư viện ảnh


Xem thêm >>


LIÊN KẾT



Khi văn hoá trở thành sản phẩm du lịch
Thứ ba, ngày 03 Tháng 11 năm 2020 lúc 00:00

Ngày nay, đến Quảng Ninh, ngoài những cảnh quan đẹp, du khách có thêm những lựa chọn cho mình, đó là khám phá vẻ đẹp từ những giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc.

Quảng Ninh hiện có 43 dân tộc anh em cư trú, phân bố tại các địa phương trong tỉnh. Những năm qua, tỉnh đã có nhiều quan tâm đầu tư cho việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số. Năm 2005, Nhà văn hoá xã Đại Dực (Tiên Yên) – xã có gần như 100% dân số là đồng bào Sán Chỉ cư trú được xây dựng với tổng kinh phí 700 triệu đồng. Đây là nhà văn hoá cấp xã quy mô lớn nhất tỉnh khi đó. Từ nhà văn hoá được xây dựng là cơ sở để đồng bào Sán Chỉ xã Đại Dực nói riêng, huyện Tiên Yên nói chung tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho đồng bào.


Lễ hội đình Lục Nà phục dựng năm 2007, được huyện Bình Liêu duy trì tổ chức hàng năm.


Các năm sau, lần lượt có thêm nhiều nhà văn hoá ở các xã có đồng bào dân tộc thiểu số cư trú được xây dựng. Tại xã Bằng Cả (huyện Hoành Bồ - nay là TP Hạ Long) là nơi có 100% đồng bào là người Dao Thanh Y cư trú, năm 2010, Khu bảo tồn văn hoá người Dao Thanh Y xã Bằng Cả được xây dựng. Năm 2019, Nhà văn hoá xã Húc Động (Bình Liêu) – nơi có đông đồng bào Tày, Sán Chỉ cư trú do Tổng Công ty Đông Bắc đầu tư được khánh thành. Những công trình nhà văn hoá này được xây dựng, đưa vào sử dụng là cơ sở để đồng bào các dân tộc tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao. Qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc mình.

Cùng với xây dựng các công trình kiến trúc, những năm qua, nhiều lễ hội của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được chính quyền các địa phương quan tâm bảo tồn, phục hồi và phát triển. Không chỉ là hoạt động văn hoá, thể thao giải trí, các lễ hội, ngày hội văn hoá đã từng bước được xây dựng thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương. Bình Liêu có Lễ hội Kiêng gió của đồng bào Dao, Lễ hội đình Lục Nà ở xã Lục Hồn, Hội hát Tháng ba của đồng bào Sán Chỉ xã Húc Động và gần đây là Lễ hội hoa sở, Giải bóng đá dành cho chị em phụ nữ Sán Chỉ, Dao Thanh Y các xã trên địa bàn. Ba Chẽ có Hội Lồng tồng (xuống đồng) của đồng bào Tày xã Thanh Lâm, Lễ hội Miếu ông – Miếu Bà, lễ nhảy lửa của đồng bào Dao Thanh Phán. Tiên Yên có Ngày hội Văn hoá – Thể thao dân tộc Sán Chỉ xã Đại Dực, Ngày hội Văn hoá – Thể thao dân tộc Tày xã Phong Dụ, chợ phiên Hà Lâu và gần đây Tiên Yên trở thành trung tâm để tổ chức Tuần Văn hoá – Thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc…

Mỗi sự kiện trước khi được tổ chức đều đã được quảng bá giới thiệu thông qua báo chí, mạng xã hội Zalo, Facebook và do chính cộng đồng mạng tự chia sẻ. Tại Ngày hội Văn hoá – Thể thao dân tộc Sán Chỉ xã Đại Dực vừa qua, ban tổ chức đã bố trí hướng dẫn viên để giới thiệu với du khách vẻ đẹp của vùng đất, con người Đại Dực. Trong dịp này, Đài Truyền hình Việt Nam đã làm một phóng sự về lễ cầu mùa của đồng bào Sán Chỉ. Tại Tuần Văn hoá – Du lịch Bình Liêu tới đây, ban tổ chức đã xây dựng, gửi thông tin đến các hãng lữ hành về tour ngắm mùa vàng kết hợp trải nghiệm ăn cơm mới với đồng bào Sán Chỉ, Dao.

Có thể thấy, kinh tế phát triển, đời sống vật chất không ngừng được nâng lên là nền tảng để chúng ta bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Các giá trị văn hoá ấy khi trở thành sản phẩm du lịch đã tác động tích cực trở lại mọi mặt đời sống kinh tế, vật chất và tinh thần của đồng bào. Nhiều hộ người Dao, người Sán Chỉ trước đây chỉ biết đi rừng thì nay đã quen với những khái niệm homestay, tour và là những hướng dẫn viên du lịch địa phương được nhiều du khách biết tới.

Theo:Đại Dương - Nguồn (http://baoquangninh.com.vn/)

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: