Đồng hành cùng doanh nghiệp
Cổng dịch vụ công quốc gia hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do... |
Đất và người Quảng Ninh
Trưng bày chuyên đề & Tọa đàm: Báo chí Việt Nam 1946 - 1954 Từ Thủ đô Hà Nội đến chiến khu Việt Bắc: Báo chí Việt Bắc: Gương mặt của báo chí kháng chiến |
Thứ ba, ngày 27 Tháng 4 năm 2021 lúc 00:00 |
Báo chí Việt Nam 1946- 1954 từ Thủ đô Hà Nội đến chiến khu Việt Bắc”... là tên của cuộc Trưng bày chuyên đề & Tọa đàm do Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức từ ngày 20/4- 21/6. “Báo chí Việt Nam 1946 – 1954 từ Thủ đô Hà Nội đến chiến khu Việt Bắc”... là tên của cuộc Trưng bày chuyên đề & Tọa đàm do Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức ngày 20/4 nhằm hướng về cội nguồn, tự hào với lịch sử vẻ vang của dân tộc, nhằm khai thác và tôn vinh những giá trị to lớn của di sản báo chí cách mạng, nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên (1946-2021); 72 năm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (4/1949-4/2021); 71 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (4/1950-4/2021) và 70 năm Báo Nhân Dân xuất bản số đầu (3/1951-3/2021). 1. Vừa gặp Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam Trần Kim Hoa, chị đã bộc bạch: “Bảo tàng Báo chí Việt Nam cảm thấy mình mắc nợ lịch sử. Bởi năm 2021 là năm diễn ra rất nhiều sự kiện lớn liên quan đến báo chí và các cơ quan báo chí lớn. Bảo tàng Báo chí Việt Nam cảm thấy mình cần phải làm một việc gì đó. Một trong những điều tâm huyết của chúng tôi làm là triển lãm báo chí chiến khu. Và khi nói đến báo chí chiến khu, đặc biệt là trong kháng chiến chống Pháp, chúng ta đã sớm hình thành một số chiến khu ở phía Bắc, Trung, Nam. Lượng sức mình, Bảo tàng Báo chí quyết định đi từng bước, trước hết là làm Trưng bày chuyên đề & Tọa đàm về báo chí chiến khu Việt Bắc - một trong những chiến khu ra đời sớm nhất, quy mô lớn nhất. Đây cũng là giai đoạn kháng chiến toàn quốc bùng nổ, báo chí cách mạng chuyển lên chiến khu, đặt nhiệm vụ tuyên truyền chính trị, phục vụ kháng chiến lên hàng đầu”.
Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Toàn dân kháng chiến” và tiếp tục sứ mệnh tuyên truyền, đấu tranh cách mạng, những năm từ 1946 đến 1954, nhiều cơ quan báo chí lớn như Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Việt Nam Thông tấn xã, Sự Thật, Cứu Quốc, Độc Lập… kịp thời rút lên chiến khu. Tại Việt Bắc, Hội Những người viết báo Việt Nam và các báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng… được thành lập. Từ một vùng tập hợp lực lượng, căn cứ địa cách mạng dần lớn mạnh lên trở thành Thủ đô gió ngàn quy tụ những cơ quan lớn nhất trong đó không thể thiếu được lực lượng báo chí. Trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ, thiếu thốn đủ bề, ATK Việt Bắc đã trở thành một địa bàn có nhiều hoạt động báo chí sôi nổi, phát huy được sức mạnh của báo chí cách mạng, tạo những ảnh hưởng mạnh mẽ đối với đời sống kháng chiến. “Cách mệnh do Việt Bắc mà thành công, thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi”. 2.“ATK Việt Bắc gắn liền với 9 năm kháng chiến oanh liệt chống thực dân Pháp, gắn liền với những câu chuyện làm báo, những nỗ lực và hy sinh vì nghề báo của một thế hệ nhà báo - chiến sĩ với những đóng góp to lớn trong sự nghiệp Báo chí Cách mạng Việt Nam. Đó là những năm tháng gian khổ nhất về mọi mặt, mọi phương diện vì toàn bộ lực lượng thực hiện nhiệm vụ ở trong rừng. Rất nhiều khó khăn vô cùng lớn từ việc tác nghiệp, làm báo, in ấn, phát hành... Đó là giai đoạn gắn liền với cuộc ra quân lớn nhất trong kỳ tổng tuyển cử đầu tiên, toàn dân kháng chiến và đi lên rừng... Những câu chuyện ấy sẽ được các nhân chứng tuổi 90, các nhà báo nổi tiếng kể lại đầy sinh động, chân thực và cảm động. Trưng bày chuyên đề & Tọa đàm này sẽ góp phần kể lại câu chuyện về các tờ báo đã di dời lên Thủ đô kháng chiến như thế nào, đã sống ra sao, hoạt động làm báo như thế nào. Đồng thời, tại cuộc triển lãm trưng bày còn có rất nhiều hiện vật về những bài báo của những nhà báo thời kỳ đó, đặc biệt là những tờ báo gốc để chúng ta có thể nhìn thấy được diện mạo báo chí Việt Nam trong giai đoạn 1946-1954, nhìn thấy được đời sống kháng chiến và đời sống báo chí trong kháng chiến” - nhà báo Trần Kim Hoa chia sẻ. Có thể nói, tại chiến khu Việt Bắc, các cơ quan thông tấn, báo chí... đã vượt lên trên khó khăn, gian khổ để phục vụ, đồng hành có hiệu quả cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Với những người làm báo giai đoạn này, họ đã nỗ lực khai thác thứ nguyên liệu quý báu được sản sinh từ quần chúng nhân dân cách mạng, từ người chiến sĩ ngoài mặt trận, từ đường lối, chủ trương, quyết sách của Đảng, Nhà nước... cùng với sự sáng tạo, trách nhiệm, sự thành thạo nghề để cho ra đời những tác phẩm chân thực nhất gửi ra chiến trường và đưa về hậu phương rộng lớn... 3.Cũng những năm tháng ấy, hai bức thư Bác Hồ gửi trường Huỳnh Thúc Kháng một lần nữa lại được nhắc đến tại sự kiện này, như một lời nhắc nhở thế hệ hôm nay về những bài học nghề nghiệp vô giá. Hai bức thư là dấu tích, là vật báu quan trọng, đáng tự hào. Bác viết thư để động viên, dạy bảo, hướng dẫn một cách tỉ mỉ, chi tiết nghiệp vụ làm báo cách mạng cho các học viên trường dạy viết báo Huỳnh Thúc Kháng. Trong những bức thư Bác viết đều chứa đựng những kiến thức căn bản của cơ sở lý luận gắn với thực tiễn nghề báo, là sự gần gũi, chân thực và dễ hiểu, hướng đến công chúng, bạn đọc. Bác dặn: Muốn viết báo thì cần: “1- Gần gũi quần chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực. 2- Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài, và học kinh nghiệm của người. 3- Khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cẩn thận. Tốt hơn nữa là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào họ không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu. 4- Luôn luôn cố gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ”. Không đứng trên giảng đường trực tiếp nhưng những bài giảng ấy của Bác Hồ rất thấm thía và hữu ích, vừa như chia sẻ, vừa như căn dặn, vừa như mệnh lệnh. Bài giảng của Người hội tụ đầy đủ tinh thần làm báo, làm chiến sĩ, làm người. Tiếp thu lời dạy của Người, các học viên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng sau ngày tốt nghiệp, được tung mình vào đời sống chiến đấu, lao động sáng tạo, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên khắp mọi miền đất nước, tạo dựng sức mạnh của đội ngũ nhà báo - chiến sĩ... Nhà báo Trần Kim Hoa khẳng định: “Sự kiện của Bảo tàng dịp này liên quan đến nhiều cơ quan báo chí lớn, những cơ quan báo chí đã di dời từ Hà Nội lên chiến khu như Cứu Quốc, những cơ quan báo chí đã sinh ra từ chiến khu, xuất bản số báo đầu tiên ở chiến khu như là tờ Nhân dân, Quân đội Nhân dân, báo chí văn nghệ... Chúng tôi mong muốn có thể làm được một cuộc tổng duyệt lại sự kiện, diễn ra trong 1 giai đoạn kéo dài trong suốt 9 năm liền. Việt Bắc ảnh hưởng mạnh mẽ đến cục diện của kháng chiến chống Pháp, quyết định thắng lợi của kháng chiến chống Pháp thì báo chí Việt Bắc cũng quyết định gương mặt của báo chí kháng chiến, cho thấy được phần nào về báo chí cách mạng thông qua những tờ báo lớn, hoạt động báo chí từ những gian khó đến những ngày thắng lợi”... Đặc biệt, nhà báo Kim Hoa cũng bật mí thêm rằng, với chủ đề ý nghĩa này, giai đoạn 2, trong thời gian sớm nhất, Bảo tàng Báo chí sẽ hướng đến các chiến khu như Tây Ninh, chiến khu Đông Nam Bộ... và nhiều chiến khu khác. Vì đặc điểm chiến tranh ở Việt Nam là chiến tranh du kích, gắn với các chiến khu, những người làm báo thời kỳ đó cũng tác nghiệp trong điều kiện khó khăn gian khổ nhưng vẫn làm báo một cách hiệu quả. Điều ấy thực sự đã và đang trở thành bài học lớn để các thế hệ hôm nay học tập, phát huy và cũng là mục tiêu để những người làm Bảo tàng tiếp tục phấn đấu, nỗ lực trên hành trình tìm kiếm và sưu tầm hiện vật. Một số tờ báo ra đời trong giai đoạn 1946-1954 Triển lãm có 10 vách trưng bày, bao gồm: Vách trưng bày về sự ra đời của Hội Những người viết báo Việt Nam; Tổng Tuyển cử đầu tiên năm 1946; Vách trưng bày về Báo Cứu Quốc tại chiến khu Việt Bắc; Báo Nhân Dân xuất bản số đầu tiên; Báo Công an và Quân đội Nhân dân ra đời; Một số cơ quan báo chí, tòa soạn, nhà in tại chiến khu; Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng; Vách chân dung Bác Hồ tại chiến khu năm 1951; Vách bản đồ một số cơ quan báo chí tại ATK Việt Bắc... Thời gian dự kiến tổ chức trưng bày: Từ 20/4/2021-21/6/2021. Theo Sông Mây/ NB&CL (http://hoinhabaovietnam.vn/) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|