Videos


Xem thêm >>


Thư viện ảnh


Xem thêm >>


LIÊN KẾT



Báo chí trước sự bùng nổ của mạng xã hội
Thứ hai, ngày 30 Tháng 3 năm 2020 lúc 00:00

Làm báo thời Internet; làm báo thời công nghiệp 4.0; làm báo thời công nghệ số… là chủ đề được nhắc đến rất nhiều lần trên các diễn đàn chính thức lẫn bên lề của những người làm báo. Một chủ đề tưởng như đã cũ, nhưng thực chất vẫn luôn nóng hổi tính thời sự, nhất là trong giai đoạn báo chí đang đứng trước nhiều chuyển động mạnh mẽ từ Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Trần Bá Dung – Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Báo chí chậm cũng là một xu thế

PV: Xin chào Tiến sĩ Trần Bá Dung! Sự phát triển như vũ bão của mạng xã hội nói riêng, Internet nói chung đã và đang đặt báo chí vào những thách thức, cạnh tranh vô cùng gay gắt. Chúng ta nhận diện vấn đề này trên quan điểm như thế nào, thưa ông?

Tiến sĩ Trần Bá Dung: Theo tôi không có cách nào tốt hơn là phải nhận diện một cách thẳng thắn. Chúng ta nhận thức rõ rằng, báo chí vừa là thực thể hữu hình, vừa ẩn chứa sức mạnh vô hình. Thực thể hữu hình là có cơ quan báo chí, có phóng viên, có cơ sở vật chất để tạo nên các sản phẩm báo chí; còn sức mạnh vô hình và cũng là sức mạnh lớn nhất của báo chí là tạo nên dư luận.

Nhưng nhiều năm trở lại đây, sức mạnh lớn nhất ấy của báo chí gặp phải sự cạnh tranh mãnh liệt từ mạng xã hội. Không thể phủ nhận là mạng xã hội tạo ra nhiều “sóng” hơn, nhiều hiệu ứng hơn, lan toả nhanh hơn và tác động mạnh hơn. Điều này có được là do mạng xã hội không phải trải qua quy trình kiểm tra, kiểm soát thông tin nào cả. Nói cách khác, thấy sao viết vậy, nghĩ sao viết vậy!




Ví dụ nhé, bạn có thể ngồi đây, nhìn ra ngoài đường, thấy một sự việc gì đó là lập tức cầm lấy chiếc điện thoại, gõ vài dòng rồi đăng lên Facebook. Bạn bè trên Facebook của bạn có từ hàng trăm đến hàng ngàn người. Thông tin bạn đăng lên mang lại cho họ cảm giác mình là người được biết trước, được tiếp cận trước, và xây dựng nên cho họ cái tâm lý thông tin ấy là khách quan và đáng tin tưởng.

Cứ như vậy, nhà nhà dùng mạng xã hội, người người dùng mạng xã hội, thông tin chưa rõ đúng hay sai nhưng họ vẫn cứ đăng lên, khiến anh em phóng viên, nhà báo rất vất vả trong cuộc “chạy đua” này.

PV: Vừa rồi tôi có đọc một thống kê trên We are social – một công ty toàn cầu chuyên nghiên cứu về truyền thông xã hội, có số liệu đáng chú ý: Nhóm tuổi người sử dụng Facebook đông nhất hiện nay là từ 25 – 34 tuổi; nhóm người từ 45 tuổi trở lên đang tăng trưởng với tốc độ cao nhất (đỉnh điểm tăng trên 60% vào năm 2018). Số liệu này phần nào phản ánh đối tượng người dùng mạng xã hội ngày càng đa dạng. Báo chí phải ứng phó như thế nào trong “cuộc đua thông tin”, khi mà mạng xã hội dường như đã trở thành nhu cầu thiết yếu của không chỉ người trẻ?

Tiến sĩ Trần Bá Dung: Phải khẳng định rằng báo chí hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu thông tin của mọi lứa tuổi, bởi bên cạnh những thách thức như đã trao đổi ở trên thì báo chí vẫn sở hữu rất nhiều lợi thế. Trước hết, về thông tin đầu nguồn thì rõ ràng báo chí mạnh hơn mạng xã hội; các cơ quan công quyền sẽ chỉ cung cấp thông tin chính thống cho các cơ quan báo chí theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, báo chí tiếp cận được với nhiều thông tin chuyên ngành, chuyên sâu, có thể phân tích, bình luận đa chiều – điều mà ít có người dùng mạng xã hội làm được. Rõ ràng, trong xu thế phát triển như vũ bão hiện nay thì báo chí “chậm” cũng là một xu thế chứ! “Chậm” ở đây không đặt nặng về việc thời gian đăng tải, mà là hàm lượng thông tin, trí tuệ nhà báo gửi gắm trong bài viết thu hút và khiến độc giả phải đọc một cách chậm rãi, từ tốn để thẩm thấu.




Tôi tin rằng ở đâu và lúc nào, những bài viết hay chắc chắn vẫn đủ sức hút với độc giả. Và quay trở lại với số liệu người dùng mạng xã hội độ tuổi 45 trở lên đang tăng nhanh như bạn vừa nêu trên, thì xu thế báo chí “chậm” này là “món ngon” phù hợp với lứa tuổi ấy chứ!

Thứ ba, phóng viên, nhà báo là nghề nghiệp được xã hội thừa nhận, được pháp luật bảo hộ; có tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp bảo vệ; có cơ quan tuyên giáo cung cấp và định hướng thông tin… Nghĩa là, báo chí được trang bị đầy đủ điều kiện cần và đủ để tiếp cận và chuyển tải thông tin.

Nhiều người nói rằng báo chí hiện nay đi sau, đi theo mạng xã hội, theo tôi là không đúng. Cần làm rõ điều này, mạng xã hội có thể đi trước về mặt thời gian, nhưng báo chí dùng lợi thế của mình để xác thực thông tin, thậm chí có thể nói báo chí dẫn đầu về việc đưa thông tin đúng, chính xác.




PV: Cá nhân tôi nghĩ rằng đừng nhìn thấy sự phát triển nhanh của mạng xã hội mà chùn bước, đừng đứng ngoài cuộc. Báo chí nên chủ động bước vào không gian mạng xã hội, để thực sự hiểu  và tìm kiếm những cơ hội khác từ đó!

Tiến sĩ Trần Bá Dung: Chính xác là như vậy! Nhiều tờ báo, tạp chí hiện nay đang hoạt động mạnh trên mạng xã hội, điển hình như tờ báo của các bạn! Tôi được biết là Báo Nghệ An năm vừa qua đã tập trung phát triển kênh Youtube, đó là điều quá tốt! Báo Nghệ An cũng có 9 – 10 fanpage vệ tinh, thực hiện vai trò chia sẻ, định hướng thông tin trên mạng xã hội, như thế rất hiệu quả!

Quy hoạch, phát triển và quản lý báo chí là chủ trương đúng

Pv: Ông vừa đề cập đến câu chuyện quản lý của các cơ quan báo chí. Câu chuyện này thời gian gần đây đang được đông đảo người làm báo quan tâm, bởi những chuyển động từ Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025?

Tiến sĩ Trần Bá Dung: Đúng vậy, đây đang là một trong những vấn đề được quan tâm nhất của những người làm báo. Thực ra, đây là chủ trương đã được xác định từ lâu. Chủ trương đúng đắn này được thực hiện trình tự, có khảo sát, có nắm tình hình, có lộ trình và cân nhắc nhiều yếu tố.

Tôi cho rằng chủ trương này đúng đắn vì căn cứ vào sự phát triển rất nhanh của báo chí cả nước. Sự phát triển ấy là điều đáng mừng, tuy nhiên bên cạnh đó thì cũng tồn tại nhiều bất cập, hạn chế: sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan báo chí; sự mất cân đối về mặt thông tin, thông tin về mặt trái, mặt tiêu cực quá nhiều, những mặt tốt, mặt tích cực nói ít, nói không sâu; nhiều tờ báo được cấp phép nhưng sau đó hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích, chạy theo thị hiếu của một bộ phận không đại diện cho số đông…

Bên cạnh đó, quy hoạch lại báo chí là điều cần thiết bởi trong sự phát triển rất nhanh, rất mạnh của báo chí thế giới, đặc biệt là công nghệ làm báo thì đòi hỏi phải có những đầu tư rất lớn về mặt tài chính, nhân lực.

Quy hoạch báo chí là dịp để tổng rà soát lại thực trạng của nền báo chí nước ta; hình thành những cơ quan báo chí mạnh hơn. Trong xu hướng hội tụ và đa phương tiện hiện nay thì chỉ có những cơ quan báo chí được quy hoạch lại lớn như thế mới hoạt động hiệu quả

PV: Trong lần quy hoạch báo chí này, cũng có nhiều ý kiến lo ngại về biến động nhân sự. Ông có thể chia sẻ thêm cùng những người làm báo về băn khoăn này?



Tiến sĩ Trần Bá Dung: Dĩ nhiên, ai cũng hiểu rằng trong sự sắp xếp lại, quy hoạch lại báo chí chắc chắn sẽ có những người không phù hợp, nhưng điều đó là cần thiết, bởi mạng lưới báo chí của chúng ta đang quá rộng, có nhiều người mới vào nghề cũng được gọi là nhà báo, hệ thống cộng tác viên cũng còn nhiều bất cập.

Việc sắp xếp lại sẽ là sự chọn lọc cần thiết để giữ lại những người giỏi nhất, để tập trung cho sự phát triển chung của báo chí nước nhà. Theo tính toán sơ bộ thì có khoảng 5.000 nhà báo trong diện phải sắp xếp lại. Đây cũng là điều trăn trở của rất nhiều cơ quan!

Nhưng phải nói rõ rằng, nếu “anh” có năng lực thì ở đâu người ta cũng nhận. Khẳng định năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và sự đam mê, nhiệt huyết là cách để đứng vững trong nghề!

Cảm ơn Tiến sĩ Trần Bá Dung về cuộc trò chuyện!
Theo Theo Phước Anh - Lâm Tùng/ báo Nghệ An/ hoinhabaovietnam.vn

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: