Videos


Xem thêm >>


Thư viện ảnh


Xem thêm >>


LIÊN KẾT



Tình trạng báo chí "sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ" đã giảm
Thứ năm, ngày 14 Tháng 11 năm 2019 lúc 00:00

Trả lời đại biểu Quốc hội về giải pháp ngăn chặn tình trạng báo hóa tạp chí; tình trạng báo chí đăng bài lên rồi lại gỡ… Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có biện pháp theo dõi, phát hiện và xử lý tình trạng này.




Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội - Ảnh: TTXVN

Hôm nay, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng là “tư lệnh ngành” đăng đàn cuối cùng trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng sẽ trả lời đại biểu Quốc hội về công tác quản lý báo chí, quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí; cấp, thu hồi thẻ nhà báo; công tác quản lý thông tin điện tử, đặc biệt trên mạng xã hội; ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử...

Thời gian qua, vấn đề “báo hóa” tạp chí điện tử và “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp diễn ra phổ biến. Theo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin tổng hợp, trang thông tin điện tử tổng hợp xây dựng giao diện, tổng hợp, cập nhật tin bài như báo chí, chuyên nhặt nhạnh thông tin giật gân, câu view khiến cho độc giả nhầm tưởng là các báo điện tử. Các trang này thậm chí có lượng người xem còn nhiều hơn các cơ quan báo chí, vì thế có ảnh hưởng, tác động lớn đến xã hội.

Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định), Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) chất vấn về tình trạng báo hoá tạp chí điện tử làm gia tăng hiện tượng gây sách nhiễu đối với các cá nhân, tổ chức và chính quyền địa phương cùng nhiều biểu hiện tiêu cực khác; tình trạng bán kênh, bán giấy phép cho tư nhân gây ra nhiều hệ lụy...

Trả lời nội dung trên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, “báo hóa” chỉ là cách nói dân dã, thực chất đây là việc làm sai pháp luật, vi phạm Luật Báo chí. Chúng ta quản lý báo chí theo tôn chỉ mục đích, báo chí là cơ quan ngôn luận của cơ quan chủ quản. Trong luật đã quy định, tạp chí khác với báo, trong đó tạp chí tập trung vào chuyên ngành, chuyên sâu và có tính định kỳ.

Theo Bộ trưởng, vừa qua có tình trạng một số tạp chí điện tử xa rời tôn chỉ, cũng tổ chức viết bài điều tra, phóng sự, cũng sản xuất tin thời sự, tin chính trị, vượt quá tôn chỉ mục đích… Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhìn thấy thực tế này và gần đây đã có cuộc họp gồm Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Hội Nhà báo Việt Nam và Bộ Thông tin và Truyền thông để đưa ra giải pháp cho vấn đề này.

Trong đó, về mặt pháp luật, cần phải làm rõ thế nào là chuyên ngành, là định kỳ. Hiện nay, đang thực hiện quy hoạch các cơ quan báo chí, khi cấp lại giấy phép sẽ làm rõ tôn chỉ mục đích của từng cơ quan báo chí, để từ đó khắc phục tình trạng hiện nay nhiều cơ quan báo chí cùng phản ánh giống nhau về một sự việc.

Giải pháp nữa là xử lý nghiêm các vi phạm; đồng thời tăng cường trách nhiệm của cơ quan chủ quản bởi vì thời gian qua rõ ràng có sự buông lỏng quản lý của cơ quan chủ quản.

Bộ trưởng cho biết, hiện nay có 868 cơ quan báo chí, tới đây sẽ sắp xếp lại theo hướng tập trung vào chuyên sâu để phản ánh toàn cảnh cho đất nước Việt Nam. Tháng 4/2019, Thủ tướng đã ký Quy hoạch báo chí, đến tháng 6/2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có kế hoạch thực hiện quy hoạch theo từng giai đoạn. Bước một, trong năm 2019 quy hoạch xong các cơ quan báo chí của các Bộ với khoảng 40 cơ quan báo chí. Bước 2, năm 2020 thực hiện xong quy hoạch báo chí của các bộ, ngành và địa phương. Bộ trưởng đề nghị các bộ ngành, cơ quan cùng quan tâm, phối hợp thực hiện Quy hoạch này.

Về tình trạng bán kênh, bán giấy phép cho tư nhân, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, không có tình trạng "bán kênh, bán giấy phép" nhưng luật cho phép các cơ quan báo chí được liên kết với tư nhân. Việc liên kết này đã làm cho nội dung một số chương trình tốt lên, tuy nhiên, vừa qua cũng có sự buông lỏng. Mặc dù quy định cho phép liên kết nhưng cơ quan báo chí vẫn phải quản lý và chịu trách nhiệm về nội dung, không liên kết về mảng thời sự, chính trị… nhưng trên thực tế vẫn có tình trạng đối tác liên kết vượt quá thẩm quyền, sản xuất nội dung sau đó tự đem phát sóng, đăng tải… 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, về vấn đề này, Bộ đã nắm được và sẽ kiểm tra, chấn chỉnh. Tới đây, Bộ sẽ tiến hành sơ kết, tổng kết về hoạt động liên kết; ban hành các quy định về liên kết cụ thể, rõ ràng hơn; đồng thời cũng nhằm bảo vệ quyền lợi của cơ quan báo chí, bởi thời gian qua có tình trạng cơ quan báo chí phải chịu thiệt thòi khi ký hợp đồng liên kết. 

Trả lời đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) về giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng báo chí đăng bài lên rồi lại gỡ xuống, tình trạng bài báo giữ nguyên tít nhưng thay đổi nội dung bên trong nhằm “lách” các quy định… Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng công cụ để theo dõi, phát hiện và xử lý tình trạng này.

Hiện nay, cả Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo, Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã sử dụng công cụ này để kiểm soát. Bên cạnh đó, Bộ cũng xây dựng công cụ về lưu chiểu báo chí điện tử… Vì vậy, thời gian qua, tình trạng "sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ" đã giảm đáng kể.

Về xử lý vi phạm, Bộ trưởng nêu rõ, nếu cơ quan báo chí có dấu hiệu sách nhiễu, vi phạm quy định của pháp luật thì xử lý theo pháp pháp luật; ngoài ra còn có hình thức xử lý, giáo dục thông qua đạo đức báo chí.


Theo: T.Toàn/ Báo Công luận (hoinhabaovietnam.vn)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: