Đồng hành cùng doanh nghiệp
Cổng dịch vụ công quốc gia hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do... |
Đất và người Quảng Ninh
Văn hóa công nhân mỏ - Đặc trưng của văn hóa Quảng Ninh |
Thứ hai, ngày 25 Tháng 4 năm 2022 lúc 00:00 |
Văn hóa công nhân mỏ cùng với văn hóa biển và văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số Quảng Ninh là những yếu tố nội sinh, cấu thành nền văn hóa Quảng Ninh thống nhất trong sự đa dạng, phong phú. Trong đó, văn hóa công nhân mỏ là nét đặc sắc riêng có và hấp dẫn ở vùng than - biển thân yêu. Công nhân kho chính Hòn Gai cùng nhân dân đón mừng bộ đội vào tiếp quản. Ảnh tư liệu của Bảo tàng Quảng Ninh. Văn hóa của thợ mỏ nói riêng và Vùng mỏ nói chung có nhiều nét đặc biệt. Đó là sự đa dạng, phong phú, nhiều sắc màu. Nhiều nhà nghiên cứu về văn hóa cho rằng, sự phong phú, đa dạng của văn hóa Vùng mỏ có được là do có sự giao thoa kỳ diệu giữa nhiều vùng văn hóa với nhau. Quảng Ninh là vùng đất tụ hội dân cư nhiều nơi về sinh sống, làm ăn từ thời kỳ Pháp thuộc cho đến tận ngày nay. Trong đó chủ yếu là các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, từ Nghệ An, Hà Tĩnh ra các tỉnh phía Bắc. Ngày nay còn có nhiều người đến từ các tỉnh miền núi phía Bắc. Qua thời gian được học tập, làm việc, tôi luyện qua môi trường công tác có tính kỷ luật cao, có trình độ kỹ thuật hiện đại, đã từng bước trở thành những công nhân lành nghề, sản xuất hiệu quả, làm giàu cho bản thân và xã hội. Với đội ngũ công nhân lớn mạnh lên đến hàng chục vạn người, các thế hệ thợ mỏ đã nối tiếp nhau lao động, lập nghiệp trên Vùng mỏ. Nhiều nơi lập thành những làng mỏ, những khu tập thể công nhân đông đúc. Thợ mỏ đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau cùng với những người dân gốc tại Quảng Ninh đã cùng chung sống hài hòa, tạo nên sự giao thoa đặc biệt về văn hóa. Nói đến truyền thống văn hóa công nhân mỏ, có thể khẳng định giá trị cốt lõi nhất, làm nên đặc trưng của ngành Than là tinh thần kỷ luật và đồng tâm. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, giá trị văn hóa ấy của những người thợ mỏ đã góp phần tô điểm, làm sinh động văn hóa giai cấp công nhân Việt Nam. Đây là tài sản tinh thần vô giá - văn hóa phi vật thể, nhưng đã có sức mạnh to lớn làm nên lịch sử và tầm vóc của giai cấp công nhân mỏ cũng như cả Vùng mỏ anh hùng. “Kỷ luật” là những quy định xử sự chung của một cộng đồng hoặc một tổ chức xã hội, yêu cầu mọi người phải tuân theo, nhằm tạo ra sự thống nhất hành động để đạt chất lượng hiệu quả cao. “Đồng tâm” là những người cùng chí hướng, cùng có chung sự quyết tâm đạt được một mục tiêu. Khẩu hiệu “Kỷ luật và Đồng tâm chúng ta nhất định thắng”, ngay từ cuộc đình công tháng 11/1936 như là một mệnh lệnh, cương lĩnh của thợ mỏ, đã đi vào lịch sử truyền thống như một sự sáng tạo độc đáo, chỉ xuất hiện duy nhất, có một không hai trong lịch sử đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam. Đó là sự biểu hiện tập trung, đầy đủ nhất về bản chất cách mạng, bản lĩnh đấu tranh đặc sắc về phương thức, phương pháp tập hợp lực lượng tạo nên sức mạnh to lớn, mạnh mẽ của đội ngũ thợ mỏ. Tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm" được người thợ mỏ thể hiện trong nhiều khía cạnh của cuộc sống, sản xuất như: Trong đấu tranh cách mạng giành độc lập và chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước; trong lao động sản xuất; trong hoạt động xã hội; trong phong trào văn hóa, thể thao. Truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” đã cùng với giai cấp công nhân mỏ, với nhân dân tỉnh Quảng Ninh đi suốt chiều dài lịch sử từ phong trào đấu tranh cách mạng giành độc lập rồi đến công cuộc đổi mới xây dựng đất nước. Truyền thống đó đã trở thành sức mạnh vật chất làm nên những thắng lợi vẻ vang của tỉnh Quảng Ninh. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược lần thứ hai, truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” một lần nữa được khơi dậy, phát huy để có đóng góp tích cực vào nhiệm vụ bảo vệ nhà máy, hầm lò, xí nghiệp, bảo vệ quê hương, đất nước. Đặc biệt, cuộc đấu tranh bền bỉ và anh dũng chống thực dân Pháp của quân và dân Quảng Ninh để giải phóng khu mỏ ngày 25/4/1955. Truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” đã cùng với giai cấp công nhân mỏ, với nhân dân tỉnh Quảng Ninh đi suốt chiều dài lịch sử. Trong ảnh: Khai thác than tại Công ty CP Than Vàng Danh. Có thể thấy, sức mạnh truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” trở thành phương châm hành động thời chiến vừa sản xuất, vừa chiến đấu, phục vụ chiến đấu đã giành được thắng lợi ở hầu hết các công trường, xưởng máy, hầm lò, tầng than. Hàng nghìn công nhân thợ mỏ đã có mặt nơi tuyến đầu tham gia chiến đấu và phục vụ sản xuất. Công nhân ngành Than, nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để khai thác hàng triệu tấn than làm giàu cho Tổ quốc. Trong phong trào văn hoá, thể thao của thợ mỏ cũng có những nét văn hóa rất riêng. Ngay cả những danh hiệu như “Nghệ sĩ Vùng mỏ”, “Thợ mỏ vẻ vang”, "Người thợ mỏ - người chiến sĩ"... cũng rất đặc biệt mà chẳng nơi nào, ngành nào có được. Tóm lại, sự hội tụ của nhiều vùng văn hóa khác nhau trên Vùng mỏ đã thực sự mang lại những nét văn hóa đặc sắc của thợ mỏ, văn hóa ngành Than, một yếu tố căn cốt để hình thành văn hóa Quảng Ninh đa dạng trong thống nhất. Theo: Phạm Học; (Nguồn: http://baoquangninh.com.vn/) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|